Bé trai suýt chết vì mẹ cho ăn chuối tiêu bị sặc, bác sĩ chỉ cách cứu con trong tích tắc

author 10:38 30/01/2019

(VietQ.vn) - Bác sĩ Dương Văn Đoàn - Phó Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Trẻ em cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận bé 8 tháng tuổi trong tình trạng tím tái toàn thân, ngừng thở do sặc chuối tiêu.

Sự kiện: Cảnh báo sức khỏe

Theo đó, bệnh nhân là Đỗ Phúc N, con chị Lê Thị X (SN 1979, ở Kiến An, Hải Phòng). Theo lời kể của người nhà, vào chiều 28/1, đang cho bé N ăn chuối, chị X lại giở giấy tờ ra xem và quên bẵng cho con ăn tiếp. Lúc này, bé N tự cầm chuối ăn và lên cơn sặc, giãy giụa. Chị X giật mình quay lại thấy con trai toàn thân tím tái, ngưng thở.

Ngay sau đó gia đình đã đưa bé tới bệnh viện trong tình trạng tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim. Tại bệnh viện, các bác sĩ trực tại khoa cấp cứu đã phải phát lệnh báo động đỏ toàn diện, vì đây là ca bệnh tối khẩn cấp, tập trung đội ngũ y bác sĩ cấp cứu tim phổi tại chỗ cứu sống cháu bé.

Trẻ bị sặc chuối tiêu suýt chết, cha mẹ nên học cách cấp cứu để xử lý nhanh nếu trẻ không may bị sặc thức ăn

 Trẻ bị sặc chuối tiêu suýt chết, cha mẹ nên học cách cấp cứu để xử lý nhanh nếu trẻ không may bị sặc thức ăn

Vài phút sau, tim bé N đập trở lại, cả ekip tạm thở phào. Sau đó, bệnh nhân được thở máy 1 ngày. Chiều 29/1, bệnh nhân N được nội soi kiểm tra để hút các bọt của dị vật còn sót ra ngoài. Hiện, sức khoẻ bé được cải thiện, cai máy thở và sẽ được xuất viện trước Tết.

Theo các bác sĩ, dù ở gia đình hay nhà trường, vấn đề dự phòng sặc ở trẻ luôn phải được đặt ra hàng đầu. Do đó, khi cho trẻ nhỏ ăn, hạn chế nô đùa, hỏi chuyện trẻ; cho trẻ ăn thức ăn thích hợp theo tuổi; cho trẻ ăn miếng nhỏ và dừng ngay khi trẻ có biểu hiện ho khi đang ăn; khi ăn nên bế trẻ hoặc để trẻ ngồi, không cho ăn khi trẻ đang nằm, khi trẻ còn ngái ngủ, khi đang khóc; đối với trẻ lười ăn, không chịu há miệng khi cho ăn, một số bà mẹ thường bịt mũi để trẻ phải há miệng ra, điều này hết sức nguy hiểm bởi trẻ sẽ hít vào kèm luôn cả thức ăn qua đường miệng.

Đặc biệt, khi trẻ đang bị khó thở do bệnh lý phổi, tim, hết sức chú ý khi cho ăn vì trong trường hợp này trẻ rất dễ bị sặc hoặc bị trớ, nôn.

Dùng nấm lim xanh thận trọng kẻo 'tiền mất tật mang'(VietQ.vn) - Mặc dù nấm lim xanh là loại nấm có rất nhiều dưỡng chất cho cơ thể con người nhưng sử dụng không đúng cách có thể là con dao 2 lưỡi cực đáng sợ.

Ngoài ra, không cho trẻ chơi với những đồ vật như hòn bi, hạt quả... khi trẻ còn nhỏ. Các bà mẹ, những người chăm sóc trẻ, cô giáo tại các trường mầm non phải được tập huấn về phương pháp cho trẻ bú mẹ, ăn uống sao cho đúng cách cũng như cách phát hiện và xử trí cấp cứu các tình huống sặc xảy ra ở trẻ em.

Trường hợp trẻ bị sặc nặng, có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, khóc nghẹn, cò cử... cần hết sức bình tĩnh xử trí. Trước hết hãy làm thông thoáng đường thở bằng cách móc bỏ thức ăn và dị vật trong miệng, hút sạch mũi, đờm dãi sau đó nhanh chóng làm một thủ thuật để tống dị vật trong đường hô hấp ra (thủ thuật Heimlich đối với trẻ nhỏ) bằng cách đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực, lòng bàn tay đỡ lấy cằm trẻ (nếu trẻ nặng quá thì đặt tay đỡ trẻ lên đùi người cấp cứu), dùng cườm tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) 4-5 lần lên tiếp, tốt nhất là vỗ nhanh khi trẻ thở ra để phối hợp đẩy dị vật ra. Cũng có thể đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp sau đó dùng tay còn lại để ấn ngực (vùng xương ức, giữa hai núm vú).

Khi dị vật đã bật ra, trẻ sẽ hồng hào trở lại, khóc to và khi đó, người cấp cứu nên kiểm tra lấy bỏ dị vật đã được tống ra miệng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị sặc, cần nhanh chóng tiến hành cấp cứu bằng thủ thuật trên đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người chung quanh và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất sau đó. Tại cơ sở y tế, trẻ sẽ được khám, kiểm tra và lấy bỏ dị vật (nếu còn) bằng chiếu chụp X quang phổi và nội soi khí phế quản.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang