Bệnh quai bị vào mùa: Cẩn thận bởi những biến chứng nguy hiểm gây vô sinh

authorTrần Thanh 16:30 19/02/2017

(VietQ.vn) - Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Độ tuổi nào cũng có khả năng nhiễm bệnh. Nam giới mắc bệnh có thể bị biến chứng viêm tinh hoàn.

Sự kiện: Bệnh theo mùa

Ở Việt Nam tuy bệnh quai bị đã giảm rất nhiều so với ngày xưa vì đã được tiêm phòng, nhưng vẫn còn khá nhiều người mắc bệnh quai bị. Nếu như theo điều bạn biết thì tất cả những chàng mắc bệnh quai bị đều vô sinh thì nguy hiểm quá. Nếu thế ở Việt Nam mình có rất nhiều người không thể sinh con.

Bạn phải biết rằng, dù kể cả con trai và con gái khi bị quai bị được chữa trị kịp thời, có biện pháp kiêng khem cẩn thận thì tỷ lệ biến chứng gần như không có, như vậy thì họ vẫn có khả năng sinh sản bình thường.

 Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh quai bị, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, xử trí sớm các biến chứng viêm màng não... Ảnh minh hoạ.

Còn nếu coi thường không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh quai bị có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, đái tháo đường do viêm tụy kéo dài đặc biệt có thể gây vô sinh đối với bé trai sau này do viêm tinh hoàn...

PGS.TS Đỗ Duy Cường, khoa truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, bệnh quai bị xảy ra quanh năm nhưng thường gây dịch vào mùa Đông - Xuân. Từ sau Tết đến nay, Khoa thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị quai bị vào viện khám và điều trị nội trú. Nhiều trường hợp mắc bệnh quai bị khi trước đó tiếp xúc với một người bạn mắc căn bệnh này.

Bệnh quai bị còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 18-21 ngày.

Theo Bác sĩ Khương Thành Vinh, BV Nhi tỉnh Nam Định, hiện diễn biến về dịch bệnh đối với trẻ em nói chung không phức tạp. Các bệnh nhi đến khám hầu như không phải nhập viện, đều được về điều trị ngoại trú.

Lứa tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị nhưng ít gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Sau 2 tuổi, tần suất mắc bệnh tăng dần. Bệnh quai bị hay gặp ở lứa tuổi học đường và hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường mẫu giáo, trường học… Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền tồn tại nhiều năm và rất hiếm khi tái phát.

Khi mắc bệnh, trẻ chỉ hơi sốt, sau đó sưng một bên mang tai, một hai hôm sau sưng cả hai bên. Bệnh quai bị ở trẻ nhỏ thường rất lành tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách vẫn có khả năng gây biến chứng như viêm não - màng não, viêm tinh hoàn ở trẻ trai, hoặc viêm buồng trứng ở trẻ gái và có thể dẫn đến vô sinh ở tuổi trưởng thành, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống.

Cho đến nay biến chứng của quai bị khiến nhiều người lo sợ đó là khả năng gây vô sinh.

Đối với biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn:

Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời.

Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.

Nhồi máu phổi:

Là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.

Viêm buồng trứng:

Có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh .

Viêm tụy:

Có tỷ lệ 3-7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.

Các tổn thương thần kinh:

Viêm não có tỷ lệ 0,5%, bệnh nhân có các hiện tượng như: thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy.

Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.

Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai:

Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

Một số biến chứng khác:

Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.

Vì viêm tuyến mang tai còn có thể gây ra do các virus khác (Coxackie, Influenza), do vi trùng (Staphylococcus aureus), do tắc ống dẫn tuyến nước bọt vì sỏi và viêm tinh hoàn còn có thể do lao, Leptospirose, lậu nên trong một số trường hợp khó chẩn đoán.

Bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm như: Phân lập virus từ máu dịch họng, dịch tiết từ ống Stenon, nước tiểu hay dịch não tủy. Các phản ứng huyết thanh học: Test ELISA, miễn dịch huỳnh quang, trung hoà bổ thể.

Vaccin phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh kháng thể kháng quai bị kháng thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6 – 7 tuần.

Để phòng chủ động phòng chống bệnh quai bị, người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị.

Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị (vắc xin dịch vụ, người tiêm tự chi trả kinh phí), vắc xin quai bị rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch.

Khi có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho các người khác. Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang