Bệnh sán hoành hành do ăn nhiều đồ sống

author 14:17 02/11/2014

(VietQ.vn) - Tình trạng nhiễm sán, ký sinh trùng đã tăng vọt trong những năm gần đây. Điều này có lẽ là cái giá đắt nhất cho món đồ sống được nhiều người ưa thích.

Sán chui vào tim do ăn đồ sống

Bệnh Viện Nhi Trung ương vừa cấp cứu cho cháu Phàng Thị C. (bốn tuổi, dân tộc Mông, Sơn La) bị tràn dịch màng tim do nhiễm sán lá gan rất lớn (kích thước 3-4 cm).

Sán chui vào tim do ăn đồ ăn sống

Sán chui vào tim do ăn đồ ăn sống. Ảnh Báo Pháp luật

ThS.BS Nguyễn Văn Lâm, Phó khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, ngày 31/10 cháu bé nhập viện trong tình trạng khó thở, nôn liên tục. Siêu âm tim phát hiện tràn dịch màng tim mức độ nặng, dẫn tới chèn ép tim, gây khó thở. Theo gia đình, trước đó hai tuần người nhà có cho cháu ăn thịt bò tái và cua nướng, một tuần sau cháu xuất hiện sốt, đau đầu, đau bụng và trướng bụng.

Điều đặc biệt là dịch màng tim của cháu bé có màu vàng, lẫn nhiều sợi trắng và mảnh, nhìn như đốt sán. Kết hợp với dấu hiệu bạch cầu trong máu tăng cao, các bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị nhiễm ký sinh trùng. Tiếp tục xét nghiệm dịch màng ngoài tim thì phát hiện bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn.

Người đàn ông bị sán chui khắp cơ thể

Tình yêu sushi của một người đàn ông Trung Quốc gần như đã tắt lụi sau khi món ăn này khiến cơ thể anh “thủng lỗ chỗ” với đầy sán dây (sán xơ mít). Đây có lẽ là cái giá đắt nhất cho món đồ sống được nhiều người ưa thích. 

Trước đó, người này đã đến bác sĩ khám và than phiền về việc đau bụng, ngứa da. Kết quả quét toàn bộ cơ thể cho thấy sán dây ký sinh trên khắp cơ thể của bệnh nhân. Người này cho biết trong thời gian dài, anh là tín đồ của món sashimi (cá sống). Do đó, các bác sĩ tin rằng nguyên nhân người đàn ông nhiễm sán là do ăn quá nhiều cá và thịt chưa nấu chín kiểu Nhật.

Sau đó, anh được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân số 8 ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn việc ăn đồ sống hoặc đồ nấu chưa chín có thể khiến cơ thể nhiễm nhiều loại giun, sán. Người bệnh nhiễm sán dây sau khi ăn phải ấu trùng diphyllobothrium, được tìm thấy trong các loại cá nước ngọt như cá hồi sống, các loại cá tẩm gia vị, cá hun khói... Bệnh giun sán thường xuất hiện nhiều ở các nước nghèo, nước đang phát triển do điều kiện vệ sinh, môi trường ở đây chưa được quan tâm đúng mức.

 Những biểu hiện nhiễm sán, ký sinh trùng

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi (TP.HCM), với những trường hợp nhiễm sán, ký sinh trùng ở đường ruột do ăn đồ tái, sống thường có biểu hiện người hay mệt mỏi, uể oải, ăn uống nhiều mà vẫn xanh xao. Có trường hợp triệu chứng không rõ ràng, người bệnh khó biết, nhưng có thể phát hiện đốt sán vương ở quần trong, ngứa hậu môn… Còn với trường hợp sán, ký sinh trùng tấn công lên não sẽ có những biểu hiện chung của thần kinh là đau đầu, nôn ói…

TS-BS Nguyễn Thu Hương, Phó trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), lưu ý nếu 7 - 10 ngày sau ăn thịt heo mà có biểu hiện sốt, đau nhức cơ, đau đầu, tiêu chảy có thể phù mắt, phù chân nên khám, xét nghiệm. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hợp (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), nếu nhiễm sán lá phổi (do ăn tôm, cua nước ngọt  chưa nấu chín), biểu hiện chính là ho kéo dài, có khi nhiều tháng, nhiều năm; ho ra máu đỏ tươi hoặc nâu…

Bởi ngày càng xuất hiện nhiều ca nhiễm sán, ký sinh trùng, các bác sĩ khuyến cáo để đề phòng mắc bệnh người dân cần tuân thủ vệ sinh ăn uống, không ăn thức ăn tái, uống nước lã. Trong trường hợp thấy có biểu hiện mệt mỏi, gầy yếu, vàng da, rối loạn tiêu hóa kéo dài nên đưa đến cơ sở khám, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Linh Mỹ (Tổng hợp từ Báo Pháp luật, Người lao động, Thanh niên)


 





Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang