Bệnh sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa, cần phòng tránh như thế nào?

authorTrần Thanh 16:45 19/05/2017

(VietQ.vn) - Bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu vào mùa, mọi người cần có biện pháp phòng tránh thích hợp để không gây ra những biến chứng.

Sự kiện: Cảnh báo sức khỏe

Bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu vào mùa. Đây là căn bệnh đang có xu hướng gia tăng và nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thường xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu... nếu nặng hơn có thể gây tử vong.

Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên mọi người thường phòng tránh bằng cách phun thuốc diệt muỗi, sống trong môi trường sạch sẽ, làm sạch khu dân cư...

Theo Kinh tế đô thị, tại quận Đống Đa, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 37 ổ dịch với 165 ca mắc SXH ở 18 phường, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, hiện vẫn còn 9 bệnh nhân đang điều trị.

Trước tình trạng dịch bệnh phức tạp tại địa bàn này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã dẫn đầu Đoàn công tác của Sở trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Qua kiểm tra cho thấy, địa bàn có nhiều công trường xây dựng, nhiều khu vực giải tỏa bị bỏ hoang thiếu người quản lý. Bên cạnh đó, nhiều bể chứa nước bằng xi măng không có nắp đậy ở khu A tập thể Văn Chương, khu E tập thể Trung Liệt, khu Láng Hạ, Láng Thượng. Nhiều khu nhà ở bị bỏ hoang, không có người trông coi, quản lý… khiến cho dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp từ năm này qua năm khác.

Bệnh sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa, cần phòng tránh như thế nào?

Đoàn kiểm tra Sở Y tế khảo sát nơi phát sinh loăng quăng, bọ gậy trong lu nước nhà một người dân tại quận Đống Đa. Ảnh: Kinh tế đô thị 

Kiểm tra khu ký túc xá của Đại học Luật Hà Nội - nơi có 11 bệnh nhân mắc SXH, Đoàn công tác phát hiện có ổ bọ gậy trong bể nước đã không sử dụng từ lâu trong một phòng ở của sinh viên. Bên cạnh đó là các dụng cụ chứa nước phát sinh bọ gậy trong các khu dân cư, từ lọ hoa, hòn non bộ, dụng cụ phế thải cho đến các khay, hộp trồng rau sạch, dụng cụ chứa nước để nuôi chim, gà, vịt… Nhiều gia đình không có ý thức tự phòng chống dịch, không tìm cách diệt loăng quăng, bọ gậy, thậm chí còn vô tình “nuôi” mầm bệnh SXH.

Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 669 người mắc SXH, tăng so cùng kỳ năm 2016. Số mắc tập trung chủ yếu ở quận, huyện như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân...

Triệu chứng của bệnh và cách kết hợp thuốc

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thông tin, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhẹ thường có triệu chứng nổi ban, đi ngoài… có thể dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, uống Oresol ngay từ đầu.

Đối với bệnh nhân ở mức cảnh báo (mức nặng hơn) thường có triệu chứng đau bụng vùng hạ sườn phải, trẻ nôn nhiều, kích thích vật vã, chảy máu niêm mạc mũi, răng, lợi nhiều, có đi ngoài ra máu… cần nhập viện ngay lập tức.

Đặc biệt lưu ý đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, không được dùng ibuprofen vì dễ khiến tình trạng bệnh trầm trọng thêm.

bệnh sốt xuất huyết vào mùa cần phòng tránh như thế nào

 Tại các bệnh viện, ngày nào cũng tiếp nhận các ca bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Chất lượng Việt Nam

Đối với tình trạng bệnh ở mức nguy hiểm, thường có triệu chứng sốt khoảng 3 – 7 ngày, đôi lúc sốt cao đột ngột, đau người, đau hốc mắt, đau vùng thái dương… sau 3 ngày có biểu hiện buồn nôn; thậm chí xét nghiệm Hematocrit có thể tăng khoảng 20% so với ban đầu.

Thậm chí, bệnh nhân sẽ xuất huyết tiêu hoá, nôn ra máu... biểu hiện nguy hiểm nhất là sốc và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Phòng bệnh đúng cách

Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết được khẳng định là bệnh nguy hiểm và diễn biến cấp tính, có thể dẫn tới tử vong; tuy nhiên, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp tập trung nhất là phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, tích cực tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch khu dân cư…

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng không tự ý mua thuốc khi mắc sốt xuất huyết, không lạm dụng truyền dịch tại nhà, nên tăng cường bù dịch bằng đường uống như nước hoa quả, Oresol, nước dừa, sinh tố…

Tăng cường ăn uống đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể để tăng sức đề kháng. Tăng cường đồ uống có nhiều Vitamin C để bảo vệ thành mạch, đỡ nguy cơ xuất huyết…

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, bệnh rất dễ nặng lên nhanh chóng đối với bệnh nhân có cơ địa trẻ béo phì, trẻ dưới 1 tuổi, người già, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính khác như bệnh tim mạch, bệnh gan…

Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng Trẻ em - Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ trên báo Sức khỏe đời sống, khi bị SXH, cơ thể bệnh nhân thường mất nước nên cần bù nước, nhất là nước hoa quả (ưu tiên các loại có nhiều natri, kali như: nước dừa, nước chuối xay, nước hồng xiêm chín nghiền…) và dùng oresol để bù lại lượng nước mất đi. Không được kiêng khem quá, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, giàu vitamin, khoáng chất, đủ năng lượng để giúp cho sức đề kháng cơ thể tăng lên chống đỡ bệnh tật. Tăng cường những loại có nhiều vitamin C tốt để bảo vệ thành mạch, chống yếu thành mạch, đỡ nguy cơ xuất huyết, do đó cần tăng các loại nước quả như cam, quýt, bưởi, chanh. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa…

TS. Nga cũng lưu ý không nên dùng thực phẩm có màu sẫm quá, nhất là màu đỏ vì trong quá trình xuất huyết nếu bị nôn ra máu hoặc xuất huyết tiêu hoá mà thức ăn giống như máu thì mình không phân biệt được. Cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về chế độ ăn uống, truyền cái gì và khi nào cần thăm khám, không nên để quá nặng dẫn đến tình trạng khó cứu chữa.

Trần Thanh (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang