5 'kẻ thù' gây ra bệnh tiêu chảy trong mùa hè

author 16:40 28/03/2015

(VietQ.vn) - Một trong những bệnh thường gặp khi mùa hè đến là bệnh tiêu chảy, bởi thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển, xâm nhập cơ thể con người và gây bệnh.

Sự kiện: Bệnh theo mùa

Vào mùa hè, nhiệt độ cao rất thuận lợi cho sự thoái hóa thực phẩm và sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm nên thức ăn rất chóng hư hỏng. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống. Một trong những bệnh thường gặp khi mùa hè đến là bệnh tiêu chảy.

Các nguyên nhân gây tiêu chảy thường tạo nên tình trạng mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột. Khi các vi khuẩn có hại xâm nhập vào đường ruột và nếu chúng mạnh hơn hơn hoặc sức đề kháng cơ thể kém, thì chúng sẽ lấn áp các vi khuẩn có lợi và tiết ra độc tố gây tiêu chảy.

Có rất nhiều loại vi sinh vật có khả năng phát triển mạnh vào mùa hè, trong đó có những loại thuộc hệ tiêu hóa. Một số loại nguy hiểm nhất là vi khuẩn tả, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lỵ và vi khuẩn E.coli, virus rota.

Vi khuẩn tả

Vi khuẩn đường ruột gây bệnh tiêu chảy đáng chú là vi khuẩn tả (V.cholerae). Đây là một loại vi khuẩn có độc lực rất mạnh. Triệu chứng của bệnh tiêu chảy do vi khuẩn tả rất rầm rộ, diễn biến phức tạp, người bệnh bị mất nhiều nước và chất điện giải trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, bệnh nhân rất có khả năng bị truỵ tim mạch và có nguy cơ tử vong, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, theo ghi nhận của báo Vnexpress.

Bệnh thường gặp khi mùa hè đến là bệnh tiêu chảy

Bệnh thường gặp khi mùa hè đến là bệnh tiêu chảy

Vi khuẩn thương hàn

Vi khuẩn thương hàn (Salmonella) cũng là một loại kẻ thù đáng sợ trong bệnh tiêu chảy mùa nắng nóng. Chúng thuộc họ vi khuẩn đường ruột, chúng có khả năng gây bệnh cho nhiều người. Bệnh tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn cũng chủ yếu lây theo đường ăn uống.

Ngoài triệu chứng gây rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy) thì chúng còn gây nhiễm khuẩn huyết - một thể bệnh hết sức trầm trọng. Một số trường hợp bị bệnh thương hàn có thể bị thủng ruột, nếu không phát hiện sớm và cấp cứu không kịp thời, rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Vi khuẩn lỵ

Một kẻ đồng phạm gây tiêu chảy mùa nắng nóng là vi khuẩn lỵ (Shigella). Đây là loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa mạnh, thể hiện là tiêu chảy cấp. Tiêu chảy do vi khuẩn lỵ cũng thuộc loại tiêu chảy cấp tính, có nhiều trường hợp số lần tiêu chảy trong ngày là rất lớn, có khi không thể đếm được số lần do phân tự chảy ra hậu môn.

Vi khuẩn E.coli

 Vi khuẩn E.coli là một kẻ thù gây bệnh tiêu chảy mùa nắng nóng không thể bỏ qua. Chúng có trong phân người và động vật, vì vậy xuất hiện nhiều nơi trong tự nhiên như đất, nước, không khí, bụi, rác thải, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Mùa nắng nóng là mùa có điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn E.coli phát triển, chúng rất dễ gây bệnh vào mùa này, nhất là gây tiêu chảy cho trẻ.

Khi mắc phải một số bệnh thường gặp như tiêu chảy nên đưa trẻ đến cơ quan y tế để được  điều trị kịp thời

Khi mắc phải một số bệnh thường gặp như tiêu chảy nên đưa trẻ đến cơ quan y tế để được điều trị kịp thời

Virus rota

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, virus rota- virut gây bệnh tiêu chảy-rất nguy hiểm. Trẻ nhiễm virus này sau 2 ngày sẽ có hiện tượng nôn ói, đi ngoài nhiều lần, bệnh kéo dài từ 3-7 ngày, thậm chí trên 10 ngày, theo ghi nhận của báo Dân Việt.

Do trẻ đi ngoài nhiều, mất nước, mệt mỏi, gầy yếu nên cha mẹ thường sốt ruột muốn tìm mọi cách để chữa bệnh cho con, cho con uống thuốc kháng sinh như becberin, biseptol và các thuốc cầm tiêu chảy. Thậm chí còn cho con kiêng ăn những thứ bổ dưỡng vì sợ con đầy bụng. Do đó, trẻ vốn bị mất nước lại thêm thiếu dinh dưỡng càng mệt mỏi, suy nhược.

Tuy nhiên, khi trẻ bị virus rota nếu dùng kháng sinh thì có thể tiêu diệt vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa. Trẻ sẽ gặp thêm tình trạng loạn khuẩn đường tiêu hóa, càng tiêu chảy nhiều hơn. Nếu dùng kháng sinh nhiều lần, quá liều còn khiến trẻ bị liệt ruột, giảm nhu động ruột. Lúc này cần đưa trẻ đến cơ quan y tế để được điều trị kịp thời.

Lê Liên (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang