Các triệu chứng bệnh đáng chú ý ở trẻ mùa hè

author 17:45 06/04/2015

(VietQ.vn) - Nắng, nóng và bụi là những điều kiện lý tưởng cho một số bệnh dịch mùa hè phát triển trong đó đặc biệt lưu ý thủy đậu, tay chân miệng, sốt xuất huyết,vân vân, trẻ em với sức đề kháng còn non kém, là đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc những căn bệnh này.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay thành phố đã có nhiều ca bệnh trong các trường học, trong đó có tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, đáng lưu ý đây là những ổ dịch bệnh như bệnh thủy đậu , tay chân miệng thường xuất hiện trong điều kiện nắng nóng và bụi bẩn của mùa hè. Dưới đây là các bệnh thường gặp và cách phòng ngừa điều trị bệnh cho trẻ nhỏ.

Bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh hay gặp ở trẻ học mẫu giáo (dưới 5 tuổi). Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao vào tháng 4 đến tháng 5 và tháng 10 đến tháng 11. Bệnh nguy hiểm thật sự nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run tay chân, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ …Bệnh tay chân miệng có diễn tiến nhanh, nguy hiểm nhưng lại chưa có văcxin ngừa. Trẻ có thể bị mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần do bệnh có nhiều dạng virút. 

Tay chân miệng là bệnh thường gặp vào mùa hè ở trẻ nhỏ

Bệnh thủy đậu là căn bệnh thường gặp vào mùa hè ở trẻ nhỏ bên cạnh tay chân miệng

Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, các phụ huynh nên cho trẻ ở nhà để theo dõi, chăm sóc. Ngoài ra, các trường học cần vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần phòng chống bệnh tay chân miệng. Nhà trường cũng nên cho học sinh rửa tay với xà phòng dưới vòi nước thường xuyên, theo Tuổi trẻ.

Bệnh thủy đậu

Người bệnh là nguồn lây duy nhất. Virut từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt trẻ ốm bắn sang người lành khi nói, ho hoặc hắt hơi, xâm nhập vào cơ thể qua mũi-họng, rồi theo đường máu đến cư trú ở lớp tế bào thượng bì da và niêm mạc (niêm mạc miệng, kết mạc mắt...) và gây nên những nốt phỏng ở đó.

Triệu chứng gồm có:  sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, không chịu chơi, đau mỏi các khớp, dễ kích thích, ngứa, rồi 24-36 giờ sau đậu mọc. Ban mọc khắp nơi, không theo một trình tự nhất định: ban mọc nhiều ở da đầu, trong các kẽ chân tóc.

Thủy đậu là một bệnh nhẹ, song rất cần được chăm sóc chu đáo để không xảy ra biến chứng. Biện pháp chủ yếu là cho trẻ cách ly tại nhà, giữ cho da của trẻ luôn sạch sẽ. Khi nốt phỏng vỡ, chỉ nên bôi thuốc xanh metilen; không được bôi mỡ tetraxiclin, mỡ penixilin hay thuốc đỏ. Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh. Khi thấy trẻ đột nhiên sốt cao hoặc nốt phỏng mọc dày chi chít, hoặc chảy nước mắt tự nhiên, sợ ánh sáng cần cho trẻ đi khám bệnh ngay.

Sốt xuất huyết

Bệnh chủ yếu gồm hai giai đoạn: sốt và xuất huyết. Giai đoạn đầu sốt với các triệu chứng: sốt cao, phát ban ra ngoài da, biếng ăn, đau nhức người,… tương tự với các bệnh nhiễm vi-rút khác như sốt siêu vi, sốt phát ban.…nên rất khó phát hiện.

Sau đó là giai đoạn xuất huyết, biểu hiện rõ nhất khi thấy sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, kèm theo một trong các dấu hiệu: nổi chấm đỏ ở da, nôn ói có máu, tiêu phân đen, chảy máu mũi, chân răng.… Ngoài ra, các triệu chứng có thể kèm theo như đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau quanh hốc mắt, chán ăn, buồn nôn. Khi bệnh nặng, có thể sốc, xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan như gan, não, tim, phổi….

Để tránh biến chứng nguy hiểm, cần phát hiện sớm và chăm sóc trẻ đúng cách, bằng cách: hạ sốt đúng cách với thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất liều 10-15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 4-6 giờ một lần nếu trẻ sốt, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật. Cung cấp nhiều hơn ngày thường năng lượng và nước cho trẻ nhỏ. Cho trẻ nhập viện kịp thời khi thấy trẻ sốt liên tục 2 ngày mà không rõ nguyên nhân.

Vào mùa hè các phụ huynh cũng nên chú ý phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ

Cần ngừa bệnh thủy đậu và sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ vào mùa hè

Tuyệt đối không cạo gió, cắt lễ do có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ; tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen, có thể gây chảy máu dạ dày; cho trẻ ăn, uống những thực phẩm có màu đen hoặc đỏ vì có thể gây nhầm lầm với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ; cho trẻ truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện, theo báo Dân trí.

Trang Thùy (T/h)


 

 

 

 

 

 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang