Bếp gas giả, thiết bị kém chất lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro

author 15:04 08/11/2017

(VietQ.vn) - Không chỉ lo mua nhầm bếp gas giả, bình gas lậu, người tiêu dùng còn bất an với các thiết bị, như van điều áp, dây dẫn khí kém an toàn, không rõ xuất xứ đang được bán tràn lan trôi nổi trên thị trường

Bếp gas giả, thiết bị kém chất lượng

Hiện nay, nhu cầu sử dụng khí đốt hóa lỏng (thường gọi là gas), trong đời sống khá lớn, ước tính khoảng 80-90% các hộ gia đình sử dụng các loại bếp gas để nấu nướng. Việc sử dụng gas để đun nấu có nhiều ưu điểm hơn so với các loại chất đốt khác như than, củi, do khi bị đốt cháy, gas tỏa ra nhiệt lượng lớn và ít gây ô nhiễm môi trường, bếp gas lại dễ điều chỉnh độ to, nhỏ của ngọn lửa. Tuy nhiên, do gas là chất rất dễ cháy, nổ nên khi sử dụng, nếu bếp không đảm bảo an toàn sẽ xảy ra tình trạng cháy, nổ.

Theo khảo sát của PV, thị trường bếp gas hiện nay vô cùng đa dạng và nhiều chủng loại. Chỉ cần hỏi mua bếp gas giá bình dân các nhân viên bán hàng tại một số cửa hàng bán đồ bếp sẽ giới thiệu cho khách hàng chục chủng loại, có giá bán chỉ vài trăm nghìn đồng. Theo quan sát những sản phẩm bếp gas này có kiểu dáng khá đẹp, sản xuất nhái mẫu mã các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

Theo các nhà chuyên môn thì bếp gas giả thường có 2 loại: Một là bóc tem nhập khẩu từ bếp thật dán sang bếp giả; hai là giả các linh kiện như mâm chia lửa, kính, bộ phận cảm ứng nhiệt... Thủ đoạn của những đối tượng làm giả, làm nhái bếp gas là mua một bếp gas chính hãng, sau đó mua các linh kiện sản xuất thủ công hoặc từ Trung Quốc rồi lắp ráp theo đúng mẫu bếp gas của hãng.

“Họ nhập linh kiện từ Trung Quốc, Đài Loan, thuê các cơ sở trong nước gia công phần vỏ bếp. Do lắp ráp đơn giản nên sản phẩm không đầy đủ các tính năng cần thiết (bộ phận cảm ứng nhiệt, ngắt gas tự động,...) nên không đảm bảo an toàn khi sử dụng” - Một nhân viên của siêu thị điện máy Mediamart cho biết.

Không chỉ lo mua nhầm bếp gas giả, bình gas lậu, người tiêu dùng còn bất an với các thiết bị, như van điều áp, dây dẫn khí kém an toàn, không rõ xuất xứ đang được bán tràn lan trôi nổi trên thị trường. Trên một số tuyến phố ở Hà Nội, thiết bị như bộ van điều áp, dây dẫn có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan...được bày bán tràn lan. Đặc biệt, trong đó có những loại van điều áp và dây dẫn không có tem nhãn mà nhiều trường hợp mua về sử dụng vài tháng, dây gas bị gẫy gập, khí gas thoát ra ngoài.

Đại diện hãng gas Saigon Petro cũng cho biết, nhiều công ty kinh doanh gas nhập phụ kiện từ chính hãng bán cho khách hàng để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, do chênh lệch giữa hàng chính hãng và hàng trôi nổi khá cao, nên không ít người vẫn ham rẻ, mua phụ kiện trôi nổi.

Người dân cần cẩn trọng với những thiết bị như van điều áp, dây dẫn khí không rõ xuất xứ

Tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn

Anh Bùi Thế Anh (nhân viên văn phòng tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn, nghe thông tin về những vụ nổ bình gas liên tiếp gần đây khiến chúng tôi rất lo ngại. Theo dõi trên báo đời, các chuyên gia thường chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu gây nổ khí gas là do rò rỉ khí gas như: Không tắt hẳn bếp, không khóa van an toàn sau khi sử dụng; dây dẫn gas bị đứt mà người sử dụng không biết; dùng mồi lửa châm bếp khi công tắc bật bị hỏng... Tuy nhiên, việc mua và sử dụng sản phẩm bếp gas như thế nào để đảm bảo chất lượng không phải ai cũng biết.

Các chuyên gia khuyến cáo, cần chọn bếp gas, bình gas và các phụ kiện gas chính hãng và sử dụng loại bình gas phải có nhẵn mác đầy đủ, xuất xứ rõ ràng, có niêm phong tem chính hãng được in bằng công nghệ laser nền các hoa văn rất sắc nét, không nhòe, không bị nhăn. Tuyệt đối không sử dụng các bình gas quá hạn hoặc bị rỉ sét do ăn mòn kim loại, van khóa rơ lỏng. Khi bắt đầu lắp đặt và sử dụng bếp ga, người dùng cần kiểm tra thỏa mãn các tiêu chí cơ bản: Vị trí đặt bếp phải thoáng khí nhưng cần tránh gió lùa trực tiếp (gió tự nhiên hoặc từ thiết bị khác như quạt máy); Bề mặt đặt bếp ga không nên bằng chất liệu gỗ vì dễ bắt lửa, nên bằng đá, xi măng, kính; Bếp ga lắp cách trần tối thiểu 1 m, cách tường hoặc vật chắn khác ít nhất 15 cm, xa các vật liệu dễ bắt lửa hay cháy nổ, tránh gió lùa trực tiếp để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình sử dụng.

Bình ga cần đặt thẳng đứng và thấp hơn bếp ga, đặt trong tủ bếp có thể lưu thông khí (phòng trường hợp khí ga rò rỉ có thể phát hiện ngay). Bình ga cũng cần để xa bếp và các nguồn điện tối thiểu 1.5 m; Dây dẫn đảm bảo còn mới nguyên, không bị nứt gãy hay gấp khúc khi lắp đặt; Khi lắp bình ga với bếp, kiểm tra bật bếp thử để kiểm tra ngọn lửa, tắt bếp đúng quy trình để kiểm tra xem van có kín không.

Để chắc chắn toàn bộ bếp ga ở trong tình trạng an toàn nhất cho sử dụng, các chuyên gia khuyến cáo, từ 6 tháng – 1 năm cần phải tiến hành kiểm tra bếp, bình ga, dây dẫn ga và cả van khóa. Từ 2 – 3 năm thay mới ống dẫn ga, và 5 năm thay mới van điều áp.

Trường hợp bếp ga xuất hiện gỉ sét nhưng vẫn hoạt động tốt, nên thường xuyên lưu ý vị trí gỉ sét nhất là khi nó gần bộ phận đánh lửa, đầu đốt của bếp vì sẽ dễ gây rò rỉ ga và bắt lửa sang vị trí hoen gỉ đó; Nên thay mới khi bếp ga đã quá cũ và hư hỏng và không dùng bình ga quá cũ, nhất là có dấu hiệu hoen gỉ.

Huy Hùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang