BHYT học sinh, phụ huynh nói gì?

author 16:14 09/09/2015

Mua bảo hiểm y tế cho con em mình là điều cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, băn khoăn của các vị phụ huynh trong quá trình sử dụng loại hình dịch vụ này.

Khám sức khỏe cho học sinh trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

Mỗi học sinh phải đóng 534.000 đồng bảo hiểm y tế bắt buộc, cao hơn những năm trước tới 1,5 lần, tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh cho biết không hề sử dụng loại thẻ bảo hiểm này mỗi khi đi khám chữa bệnh cho con. 

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, những năm trước rất nhiều trường 100% học sinh tham gia mua bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng lại rất ít sử dụng đến loại thẻ này.

Ví như, Trường tiểu học Ngọc Khánh quận Ba Đình (Hà Nội) có 1.500 học sinh, cả năm học có chưa tới 20 em khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế; Trường Lương Thế Vinh có 3.500 học sinh cả năm chỉ có khoảng hơn 10 học sinh khám, chữa bệnh theo hình thức này; Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình có 1.400 học sinh có khoảng 15 học sinh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế này tại bệnh viện…

Anh Phạm Kim Sơn có một con đang theo học lớp 11, một con đang học lớp 4 tại Hà Nội chia sẻ, từ ngày cho con đi học, anh đóng góp tất cả các loại bảo hiểm nhà trường thông báo như: bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thân thể tuy nhiên anh chưa cho các cháu dùng đến thẻ bảo hiểm y tế bao giờ. 

Theo anh Sơn, không phải vì con anh may mắn đến mức suốt chừng ấy năm học không ốm đau mà khi có bệnh anh khám chữa bệnh dịch vụ vừa nhanh, vừa yên tâm. Lý do không sử dụng dịch vụ bảo hiểm y tế cho con, theo anh Sơn, là thủ tục rườm rà, các loại thuốc được bảo hiểm chi trả hạn chế, các loại thuốc đắt tiền không dám kê...

Chị Lương Thùy Dương ở quận Tây Hồ chia sẻ, 5 năm cho con theo học tại Trường tiểu học Việt Nam - Cuba chị đều mua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi nhìn lên thẻ bảo hiểm, thấy con được khám, chữa bệnh ở Phòng khám đa khoa quận ở địa chỉ 50 Hàng Bún. 

Khi đi vào, chị thấy địa chỉ này quá chật chội, cơ sở vật chất thiếu thốn... “Vì thế, con có đau ốm gì phải cho đến vội các bệnh viện khác khám và móc túi trả tiền”, chị Dương nói.

Một phụ huynh khác chia sẻ sự bức xúc khi lần đầu tiên sử dụng thẻ bảo hiểm y tế sau 10 năm đóng bảo hiểm cho con. Phụ huynh này kể, con bị quả tạ rơi trúng chân bị dập ngón út, cả nhà lập tức đưa con đến viện Đống Đa gần nhất để xử lý vết thương tuy nhiên khi đến nhân viên ở đây giải thích, nếu muốn được bảo hiểm y tế chi trả gia đình phải đưa cháu sang bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nơi cháu được đăng ký bảo hiểm y tế.

“Lúc đó, không lẽ vì bảo hiểm mà tôi phải ôm con với ngón chân dập nát đến viện khác nên đành móc túi trả tiền để được điều trị tại bệnh viện Đống Đa luôn”, phụ huynh này cho hay.

Mỗi trường là một “đại lý bảo hiểm”?

Khi trao đổi với lãnh đạo các trường, hầu hết các đơn vị này đều cho rằng, trường chỉ là đơn vị thu hộ bảo hiểm mà không có bất kỳ khoản hoa hồng nào. Trong khi đó, các trường thu loại bảo hiểm này được trích lại 4% hoa hồng. Với những trường có hàng nghìn học sinh thì mức tiền chiết khấu không hề nhỏ.

Bà Phùng Tố Nga, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) còn cho rằng: “Chúng tôi mong muốn ngành bảo hiểm có người trực tiếp vào trường thu để trường đỡ tai tiếng”. 

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh nói, theo cách hiểu của ông thì: “Ngoài phần trăm trích từ tiền bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường, thì 4% trích này để dự phòng chi trả cho các việc như thuê xe chở học sinh đến các cơ sở y tế khi có sự cố xảy ra. Phần này, nếu trường mua các thiết bị đều phải có chứng từ để nộp lại cho đơn vị bảo hiểm”.

Tuy nhiên, tại văn bản số 1565 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi các đơn vị ngày 6/8/2015 về việc hướng dẫn bổ sung bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên ngoài việc quy định tăng mức bảo hiểm còn ghi rõ hai mức trích phần trăm lại cho các trường học.

Trong đó, một mức trích là 7% tổng thu quỹ bảo hiểm y tế tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học. Điều kiện để được trích lại 7% này là trường học phải có 1 cán bộ chuyên trách y tế, có phòng y tế với đầy đủ dụng cụ sơ cứu ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập, sinh họat tại cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, trong văn bản này cũng ghi rõ mức trích 4% cho “hoa hồng đại lý” nhân với tổng số tiền thực thu của học sinh, sinh viên. Có nghĩa là, trường thu được bao nhiêu học sinh, đơn vị bảo hiểm sẽ trích lại 4% từ mức thu đó. Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phòng bảo hiểm xã hội quận Hai Bà Trưng cho biết: “Với những trường lớn có hàng nghìn học sinh, con số được trích lại này không hề nhỏ”.  

Hiện nay, có rất nhiều loại bảo hiểm. Trong đó, nhiều phụ huynh thắc mắc, việc họ đã mua cho con gói bảo hiểm y tế của các đơn vị khác có phải tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc ở trường hay không? Theo đại diện bảo hiểm xã hội, học sinh nếu đã mua các loại bảo hiểm y tế khác, không nhất thiết phải đóng loại bảo hiểm này ở trường. 

Tuy nhiên nhiều vị phụ huynh, trong đó có chị Nguyễn Thị Hà My (Hà Nội) lại cho biết, chị đã mua gói bảo hiểm cho hai mẹ con mỗi năm gần 8 triệu đồng, trong đó khi khám, chữa bệnh được chi trả tới 100 triệu đồng nên không có nhu cầu mua bảo hiểm y tế ở trường cho con. 

“Nhưng khi đi họp phụ huynh, nghe tên bảo hiểm đã ghi “bắt buộc” nên chị đành mua. Trường học cũng lập lờ không giải thích rõ cho học sinh hiểu ở mục này”, chị My nói.   

Theo các phụ huynh, có rất nhiều lý do họ không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh. Trong đó, mức chi trả không tương xứng hay địa điểm được đăng ký khám chữa bệnh không đáp ứng được nhu cầu được nhắc đến nhiều nhất.

Theo Tiền phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang