Bí ẩn về nơi săn tìm kho báu lớn nhất thế giới

author 14:09 12/07/2013

(VietQ.vn) - Có biệt danh là Money Pit – cái hố trên đảo Oak, hiện thuộc Canada, là điểm đến cho những người muốn tìm kiếm chiến lợi phẩm.

Được phát hiện đầu tiên vào năm 1795, đây là nơi săn tìm kho báu lớn nhất của thế giới. Nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa đã diễn ra xung quanh việc tìm hiểu kho báu bên dưới cái hố này là gì. Theo như tin đồn thì ẩn sâu bên dưới cái hố (sâu ít nhất là 60m) bao gồm toàn bộ tiền của thuyền trưởng Kidd, đồ trang sức bị mất của Marie Antoinette và tài liệu xác thực nhân dạng của thi hào Shakespeare. Nhưng đó có phải là sự thật?

 

Tên của hòn đảo này gắn liền với truyền thuyết các hiệp sĩ châu Âu. Đó là những tu sĩ thiện chiến nhất, họ tham gia bảo vệ người công giáo hành hương, đồng thời cũng tham gia chống lại quân đội các nước Hồi giáo thông qua các cuộc Thập Tự chinh.

Nhờ sức mạnh cùng đức tin của mình, họ nhanh chóng trở thành một thế lực về quân sự và kinh tế ở châu Âu, sở hữu nhiều ngân hàng và nhiều bảo vật linh thiêng.

Tuy nhiên vào năm 1305, sau khi chịu sức ép của vua Pháp, giáo hoàng đã kết tội dị giáo đối với tổ chức này. Họ bị bắt và giết hại một cách ghê rợn như những phù thủy. Và từ đó, những bảo vật cùng tài sản khổng lồ của họ bỗng dưng biến mất.

Nhiều người tin rằng, trên đảo Oak chứa tất cả kho báu của các hiệp sĩ và mục sư, đồ trang sức và Chén Thánh huyền thoại. Phát hiện lớn nhất là sự xuất hiện các hố sâu tới 31m, chứa sách Kinh Thánh với một số đồ gốm của đạo Thiên Chúa càng khiến mọi người tin tưởng hơn về giả thuyết này.

Dù vậy, cho đến nay, kho báu vẫn chưa được tìm ra.

Có lẽ chẳng ai biết được những bí ẩn kỳ lạ trong khu rừng phía đông đảo Oak cho đến tận ngày nay. Đó là một vùng đất trũng rộng 13 foot (gần 5m) được các nhánh cây rậm rạp che phủ, trên một nhành cây tại trung tâm, một sợi dây thừng cũ kỹ còn treo trên cây như ai đó đã cố ý làm dấu nơi này. Đây là nơi mà cho đến mãi hai trăm năm sau những cuộc săn tìm kho báu vẫn không ngừng tiếp diễn với số tiền tiêu hao cỡ một kho báu thật sự và thậm chí đánh đổi nhiều mạng sống.

Vào những năm 1600, giới săn tìm kho báu luôn truyền miệng nhau về kho báu khổng lồ mà gã thuyền trưởng cướp biển William Kidd chôn giấu ở đâu đó “phía đông Boston“. Truyền thuyết kể rằng một thủy thủ đoàn của William đã tiết lộ điều này, nhưng hắn không kịp nói ra địa điểm nơi chôn dấu trước khi chết.

Trở lại câu chuyện của chàng trai trẻ Deniel McGinnis, sau khi phát hiện ra nơi này, trong đầu anh không lúc nào thoát khỏi ý nghĩ về một kho báu do hải tặc cất giấu. Ngày hôm sau, anh quyết định trở lại cùng với hai người bạn, John Smith 19 tuổi và Anthony Vaughan 16 tuổi. Cả ba cùng nhau vác cuốc xẻng với những háo hức khám phá kho tàng hải tặc, họ không biết rằng đã vô tình khơi dậy một câu chuyện không có hồi dứt, một kho báu không bao giờ tìm thấy và là câu chuyện gây ra những tranh cãi vô tận cho đến hàng trăm năm sau.

Đảo Oak là một trong 300 đảo nhỏ trong vịnh Mahone, Nova Scotia, nay thuộc Cannada, nó có hình như một hạt đậu rộng ba phần tư dặm và rộng 1000 feet (300m). Trở lại câu chuyện 3 chàng trai, sau khi cắt bỏ những nhánh cây, họ đào xuống ngay vùng đất trủng nới có nhánh cây cùng sợi dây thừng đánh dấu, ở độ sâu 2 feet (0.9m) họ đụng phải một tấm đá phẳng, loại đá không hề có trên đảo, cả ba nghĩ rằng chắc nó được đem đến đây từ đâu đó ở phía Bắc. Sau khi dỡ bỏ tấm đá họ mới nhận ra một miệng giếng thẳng đứng ở bên dưới tấm đá, trên thành giếng còn in những vết cuốc chứng tỏ con người đã tạo ra.

Ở độ sâu 10 foot (3m), họ chạm phải một vật gì đó bằng gỗ, ban đầu cả ba đã vui mừng tưởng rằng đó chính là chiếc rương kho báu, nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra đó chỉ là một thanh đà gỗ được gắn vào hai bên thành giếng, sau khi kéo thanh gỗ lên, họ nhìn thấy cái giếng vẫn còn khả năng sâu hơn bên dưới, tiếp tục công việc, cuối cùng họ đã đào đến độ sâu hơn 25 feet (7,5m) nhưng vẫn không thấy gì. Cuối cùng 3 chàng thanh niên đành bỏ cuộc, lấp cái giếng lại và bỏ đi mặc dù không thôi nghĩ rằng chẳng ai lại đào cái giếng sâu như vậy mà không cất giấu một thứ gì quý giá dưới đó.

Các cuộc khai quật thế kỷ XIX

Mãi cho đến năm 1802, sau khi tìm được một sự hỗ trợ tài chính cả ba đã quay trở lại cùng vớiSimeon Lynd, người quá ấn tượng với câu chuyện của 3 chàng trai, quyết định thành lập một công ty, đầu tư vào cuộc khai quật.

 

Công trình này được bắt đầu vào mùa hè năm 1803. Sau khi dọn sạch giếng đào cũ, nhóm người bắt đầu đào xuống, ở độ sâu 30 feet (9m) họ tiếp tục gặp một thanh đà gỗ sồi chắn ngang, cứ thêm 10 feet (3m) là họ lại đụng phải đá, hoặc gỗ. Cuối cùng khi độ sâu đạt đến 90 feet (27m), họ đã chạm phải lớp bùn nhão. Trước khi kết thúc công việc ngày hôm đó, họ chạm phải một vật chắn ngang, cho rằng đã đến nắp hầm kho báu cất giấu, họ quyết định đi ngủ để sáng mai có thể tận hưởng niềm vui khám phá kho báu.

Thế nhưng sáng hôm sau, tất cả mọi người trong nhóm đều chưng hửng khi thấy giếng đã lấp đầy 60 feet nước. Không có cách nào khác, họ đành đào thêm một cái giếng bên cạnh để chạm đến độ sâu cất giấu kho báu rồi sẽ đào ngách thông ngang, nhưng cũng như cái giếng trước đó, nó cũng bị ngập nước bất chấp các cố gắng.

Mọi nỗ lực đành gác lại cho đến năm 1849, một công ty khác được thành lập để tiếp tục tìm kiếm. Thế nhưng nhóm này cũng chẳng có tiến triển gì hơn, các giếng mới đào cũng đều ngập nước. Họ cố gắng sử dụng máy khoan để khám phá xem thứ gì ở bên dưới nắp hầm kia. Máy khoan được lắp đặt ngay trong giếng, bên trên mặt nước và khoan xuống. Các mẫu đất được xem xét cho thấy mũi khoan đã xuyên qua các lớp như gỗ, đá, đất sét …và trong đó có một mẫu dây xích dường như được làm bằng vàng.

Người ta cũng khám phá ra cái bẫy gây nước tràn vào giếng tại vịnh nhỏ Cove Smith cách đó 500m là nhân tạo. Các cuộc kiểm tra cho thấy đất sét nguyên thủy đã được đào lên và thay thế bằng các viên đá cụi tròn nhẳn có trên bãi biển, phủ lên trên là một lớp cỏ lươn, 2 inches lớp xơ dừa và cuối cùng phủ cát bên trên như mặt bãi biển. Ở dưới các lớp này là hệ thống như cống hộp dẫn nước từ bãi biển chạy thẳng vào “giếng châu báu“. Hệ thống này được thiết kế tận dụng các lớp cỏ lươn và xơ dừa ngăn chặn cát, sỏi từ biển làm tắc nghẽn đường dẫn nước.

Sau khi nhận ra vấn đề, nhóm bắt đầu xây dựng một đê bao để tránh nước tràn theo cống ngầm vào giếng lúc thủy triều. Sau đó họ đào các hố khác tạo ngách nối vào “giếng châu báu”. Tuy nhiên nỗ lực này cũng không thể ngăn chặn nước rò rĩ vào giếng mà không rõ nguyên nhân. Năm 1851 họ chấm dứt cuộc khai quật sau khi đã cạn tiền.

Với công nghệ hiện đại hơn, vào năm 1861, người ta sử dụng máy bơm bằng hơi nước để làm cạn giếng kho báu. Thế nhưng một tai nạn nồi hơi xảy ra cướp mất mạng sống một công nhân, chưa kể hàng loạt người bị thương. Số tử vong tăng lên khi người ta cố gắng đào thêm giếng xung quanh để tạo ngách thông qua đáy “giếng châu báu“, với cách làm này gây nên đất bên dưới yếu đi và sụp xuống. Cuối cùng vào năm 1864 công trình cũng đành chấm dứt vì không còn tiền.

Sau đó hàng loạt cuộc khai quật vào các năm 1866, 1893, 1909, 1931 và 1936. Người ta thậm chí dùng đến cả thuốc nổ để phá hũy các kênh rò rĩ nước, xây dựng đập ngăn nước ngấm vào từ Smith’s Cove. và sử dụng cả cần cẩu xúc đất. Nhưng rồi cũng chẳng ăn thua gì, nước vẫn tràn vào theo một hướng ngược lại với cái cống ngầm đã được phát hiện trước đó, theo mạch nước ngầm tự nhiên, hoặc cũng có thể do ai làm.

Các cuộc khai quật hiện đại

Năm 1959 Robert Restall, một tay liều mạng, cựu dân chơi xe mô tô đã chấp nhận thách thức tại vịnh Smith Cove với sự giúp đỡ của con trai mình, một thanh niên 18 tuổi. Lần đầu tiên mạch nước ngầm được chặn lại. Robert đã hạ mực nước xuống còn 27 feet thì thảm họa xảy ra. Đột nhiên, cậu con trai nhìn thấy Robert nằm bất động dưới đáy lớp bùn, anh ta lao xuống để cứu cha, nhưng cũng bị trượt chân ngã xuống dưới. Kal Graseser đồng sự của Robert và hai người công nhân Cyril Hitz, Andy Demonth leo xuống hỗ trợ, nhưng cũng cùng chung số phận. Edward White, một lính cứu hỏa tại Buffalo, New York có tham gia cuộc tìm kiếm, nghi ngờ giếng đã bị nhiễm độc bởi khí carbon monoxide do khí thải của máy bơm chạy bằng xăng gần đó, ông dùng dây thừng buộc ngang người để đu xuống dưới, nhưng chỉ có mỗi Demonth được cứu sống, tất cả còn lại đều đã chết. Trong một ngày đảo Oak đã lấy đi 4 mạng sống khi họ muốn khám phá bí mật của nó.

 

Năm 1965, Robert Dunfield áp dụng phương pháp khai thác mỏ lộ thiên hiện đại để truy tìm kho báu. Ông sử dụng cần cẩu 70 tấn để đào cái giếng sâu 140 feet (42.67m) rộng 100 feet (30.48m) nhưng sau khi sàng lọc cẩn thận, ông chỉ tìm thấy vài mảnh sứ của chén bát vỡ. Những cơn mưa lớn kéo dài công việc lên đến vài tháng khiến ông cạn kiệt tiền bạc. Một lần nữa cái giếng và nhà thiết kế tài ba của nó đã chiến thắng những kẻ muốn chinh phục.

Năm 1970, Liên minh Triton được thành lập để tiếp tục tìm kiếm kho báu. Nhưng cuộc chiến pháp lý tranh giành chủ sở hữu hòn đảo đã làm chậm tiến độ. Một số mũi khoan được thực hiện để xác định vị trí kho báu và thành phần địa chất của đảo. Công việc không mấy tiến triển do nền đất ở đây khá yếu. Nhiều hang động tự nhiên được phát hiện bên dưới đảo. Người ta cũng đưa cả máy ảnh vào các lỗ khoan, bức ảnh cho thấy có cái gì đó giống ngực và bàn tay đứt ngang cổ tay …do chất lượng ảnh kém, nên không có lời kết luận nào được đưa ra.

Ngoài các giếng được đào, hòn đảo này tràn ngập các loại đá đủ loại. Đặc biệt nhất trong số này là 6 hòn đá có vị trí như hình một cây thập giá dài gần 900 feet ( 274.32 m). Điều này dấy lên những tin đồn hòn đảo chính là nơi cất giấu của Chén Thánh mất tích lâu nay.

Ai là tác giả của giếng kho báu?

Rất nhiều giả thuyết được đặt ra ai là người thật sự tạo ra cái giếng kỳ lạ tại đảo Oak. Huyền thoại cướp biển William Kidd? Không có nhiều mối liên kết giữa gã cướp biển lừng danh với hòn đảo vịnh Nova Scotia. Thật ra gã đã có một chỗ cất giấu kho báu tại phía đông Long Island, nhưng sau đó bị Thống đốc New York khám phá và thu giữ.

Thuyền trưởng Râu đen – Blackbeard, tên cướp biển lừng danh nhất trong mọi thời đại, cũng được cho là tác giả của cái giếng quái quỷ này do đôi lúc hắn có những đề cập liên tưởng đến đảo Oak trong câu chuyện chôn giấu kho báu của mình “Một nơi không ai tìm ra trừ có quỷ Satan và mình ta“. Dĩ nhiên. những người săn tìm kho báu đảo Oak đều nghĩ rằng đó có thể là cái giếng kho báu trên đảo, thế nhưng trên thật tế, không có bằng chứng nào Blackbeard đã có những chuyến chu du đến miền Bắc Delaware.

Nói chung về mặt lý thuyết, sẽ không có tên cướp biển nào lại làm ra một mê cung để giấu kho báu khó đến mức hắn có thể mất hàng trăm năm mới có thể lấy lại được chiến lợi phẩm đã chôn. Đó không phải là cách thường thấy ở những gã cướp lang thang khắp vùng biển nay đây mai đó.

George Bates, một thanh tra đất ở Nova Scotia, cho rằng những tên cướp biển đã thực sự xây dựng công trình trên đảo Oak, nhưng không nhằm mục đích cất giấu kho báu. Theo ông bọn chúng đã liên kết với nhau để xây dựng một ụ tàu tại đây nhằm bảo dưỡng các con tàu cướp biển để duy trì các hoạt động cướp phá ngoài khơi vùng biển Nova Scotia vào những năm 1650 -1750. Để làm điều này, những con tàu cướp biển sẽ được neo trong vịnh Smith Cove và chúng xây dựng một đê bao, cô lập vịnh nhỏ này với đại dương. Con kênh ngầm được dùng để tháo nước giúp nâng còn tàu lên trên bề mặt khô ráo. Nước sẽ đổ vào vịnh theo các mạch nước ngầm tự nhiên của hang động nằm dưới đảo, vịnh sẽ ngập nước sau thời gian bảo dưỡng. Một cối xay gió được xây dựng tại vị trí cái “giếng khó báu” để rút nước khô cạn cho các con tàu kế tiếp vào bảo dưỡng.

Lập luận có vẻ chắc chắn này nhanh chóng bị phản bác, bời vì cách đó không xa, bên kia vịnh Nova Scotia, chỉ khoảng 100 dặm là vịnh Fundy, thủy triều rút mực nước xuống không dưới 30 feet (9m) mỗi ngày làm cho bãi biển thành một nơi bảo dưỡng tàu tự nhiên lớn nhất tại đây. Thế thì tại sao bọn cướp biển lại tốn công xây dựng một hệ thống phức tạp để thay thế những gì thiên nhiên đã ban sẵn cho chúng?

Một số người cho rằng có thể “giếng châu báu” chỉ là một phần cấu trúc do các lực lương siêu nhiên xây dựng. Một số khác thì tin rằng, thiết kế này có thể đã có hàng trăm hoặc hàng ngàn năm tuổi trước khi được phát hiện vào năm 1795. Tác giả của nó có thể là các vị khách nổi tiếng trong hàng hải cổ xưa, đó là người Viking, hoặc cũng có thể do người Micmac, cư dân bản địa tại đây tạo nên vào thời cổ đại, trước khi người Châu Âu đặt chân đến châu Mỹ. Cái bẫy nước ngầm và một cánh cửa đá làm nhiều người liên tưởng đến cách bố trí của các hầm mộ Pharaoh, Ai cập.

Tuy nhiên mọi người quên rằng, chi tiết khu rừng sồi bao phủ khu vực bí ẩn này không thể quá 50 năm trước khi MacGinnis khám phá ra nó vào năm 1795, do đó công trình này chỉ hợp lý nếu giả thuyết nào chứng minh được nó xây dựng trong khoảng thời gian đó.

Ai có thể giấu một kho báu giữa năm 1745 và 1795? William Crooker, tác giả của nhiều cuốn sách về đảo Oak bí ẩn, cho rằng các giếng được xây dựng như một phần của âm mưu của vua George III, nước Anh và một số cố vấn thân cận của ông. Vào ngày 12 Tháng Tám năm 1762, quân đội Anh chiếm được thành phố Havana, Cuba, từ Tây Ban Nha. Havana là một thành phố trù phú và quan trọng, cất giữ rất nhiều vàng bạc từ Thế giới mới, trước khi nó được vận chuyển trở lại Tây Ban Nha.

Theo tác giả Crooker, hai tàu đầy chiến lợi phẩm sau khi thu được tại Havana, dưới sự điều khiển của Bá tước Albemarle, Anh quốc, đã có chuyến hải trình đến đảo Oak. Trước đó, ông đã ra lệnh cho các kỹ sư quân đội xây dựng một kho đạn bí mật với các đường dẫn và thoát nước phức tạp. Bá tước Albemarle đã đưa kho báu khổng lồ này lên đảo trong các chiếc rương đóng kín, và các kỹ sư xây dựng vẫn ngỡ đó là các thùng đạn và họ không hề quan tâm đến kho báu khổng lồ này. Sau đó, vì một lý do không rõ, Bá tước Albemarle đã bị vua George II hạ sát, bí mật từ đó bị chôn vùi vĩnh viễn.

Đây cũng chính là giả thuyết vững chắc nhất cho đến ngày nay mặc dù vẫn không đầy đủ bằng chứng. Nó cũng là lý do bí mật về kho tàng đảo Oak chỉ vẫn là một câu hỏi lớn cho đến hàng trăm năm sau nữa, mãi mãi không được khám phá.

Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang