‘Bị can không có nghĩa vụ chứng minh mình không phạm tội’

author 06:38 14/03/2015

(VietQ.vn) – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh, nguyên tắc bị can không có nghĩa vụ chứng minh mình không phạm tội. Cơ quan tố tụng phải chứng minh điều này…

Sáng 13/3, các đại biểu Quốc hội đã “dồn dập” chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình về các vụ án nổi cộm và “giải pháp đột phá chống oan sai” để không làm oan người vô tội.

Chỉ có vụ Nguyễn Thanh Chấn là thực sự oan sai

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu vấn đề về giải pháp nào để khắc phục oan sai, nhưng cũng không để lọt tội phạm của ngành Tòa án. Đại biểu lấy ví dụ vụ Lê Bá Mai (Bình Phước) đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp xét xử đến nay dư luận xã hội và nhân dân vẫn còn băn khoăn.

chánh án tòa án nhân dân tối cao trả lời về oan sai

Chánh án toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội - Ảnh: Nguyễn Khánh (Tuổi trẻ)

Theo đó, vụ án này đã ba lần xét xử sơ thẩm, ba lần xét xử phúc thẩm, một lần xét xử giám đốc thẩm với một lần tuyên tử hình, một lần tuyên không phạm tội, một lần tuyên chung thân, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ án này.

Đại biểu Thuyền hỏi: "Tại sao một vụ án mà lại có nhiều lần tuyên án trái ngược nhau như thế? Chánh án TANDTC đã cho rà soát những vụ án oan sai đến đâu và giải pháp chống oan sai?"

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chánh án TANDTC cho biết: Trong nhiệm kỳ này, qua xét xử có 35 trường hợp có đơn kêu oan. Các cấp Tòa án đã giải quyết 21 trường hợp, chưa thấy trường hợp nào là kết án oan người không phạm tội. Các vụ án nổi cộm hiện nay là từ nhiệm kỳ trước để lại.

Trong 5 vụ án nổi cộm hiện nay mới chỉ có vụ Nguyễn Thanh Chấn là thực sự oan sai, còn các trường hợp khác đang được xem xét cụ thể. Đối với 24 vụ án đã giải quyết có 3 trường hợp, ban hành kháng nghị để xem xét lại mức án đối với bị cáo.

Bị can không có nghĩa vụ chứng minh mình không phạm tội

Về các giải pháp chống oan sai của ngành Tòa án, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Để chống oan sai, ngành Tòa án kiên quyết thực hiện một số các giải pháp đột phá của ngành Tòa án để chống oan sai. Cụ thể là thực hiện tốt việc tranh tụng để phát huy vai trò của luật sư, người bào chữa, thực hiện tốt nguyên tắc bị can không có nghĩa vụ chứng minh mình không phạm tội. Cơ quan tố tụng phải chứng minh bên cạnh việc nâng cao chất lượng cán bộ Tòa án...

Về trách nhiệm bồi thường oan sai, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nếu vụ án đã qua xét xử từ cấp sơ thẩm thì nếu có oan sai thì Tòa án phải chịu trách nhiệm. Nếu đưa ra xét xử mà phát hiện oan sai và Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội thì cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm truy tố sai thì Kiểm sát phải chịu trách nhiệm...

“Chỉ có công an với bị can, làm gì thì không ai biết!”

Trước đó, trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đức Khiển – nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tỏ rõ thái độ quan ngại trước nạn ép cung, nhục hình đang nhức nhối ở Việt Nam.

ông Vũ Đức Khiển

Ông Vũ Đức Khiển cho rằng, bị can có quyền không phải chứng minh rằng mình phạm tội hay là người khác. Ảnh: Viết Cường

Ông Khiển cho hay, có rất nhiều trường hợp khi ra tòa, bị cáo nói rằng bị ép cung cho nên buộc phải nhận tội để chờ ra tòa khai lại, nhưng tòa lại nói “không thành khẩn, chối tội, ngoan cố”.

“Vậy là đằng nào họ cũng không thoát. Bi hài là ở chỗ ấy! Thực tế, khi bị tạm giam thì chỉ có công an với bị can, làm gì thì không ai biết. Theo luật, sẽ có luật sư được chứng kiến, ngồi dự những lần hỏi cung bị can, nhưng thực tế việc này cũng rất ít khi được thực hiện. Vì thế, nếu bị can không nhận thì rất dễ bị ép cung” - ông Khiển nói.

Cũng theo ông Khiển, chúng ta cũng đã đi xem kinh nghiệm của các nước mãi rồi, nhưng chỉ xem thôi chứ không học. Cứ nhìn sang nước gần nhất là Thái Lan, nơi tạm giam bị can là phòng kính, đi lại nhìn thấy hết, không có gì là bí mật, không tù mù như ở ta là chỉ có mấy anh công an với bị can.

Ông Khiển dẫn chứng thêm, nhiều trường hợp khi bị can kiên quyết chối tội thì điều tra viên thường hỏi lại rằng: “Thế không phải ông thì là ai?”.

Theo ông Khiển, chuyện đó là vô cùng phổ biến trong quá trình lấy cung các nghi can, bị can ở Việt Nam. Làm vậy là cơ quan điều tra đang bắt bị can phải chứng minh ai là người phạm tội. Điều này là hết sức vô lí vì theo luật quy định thì bị can có quyền không phải chứng minh rằng mình phạm tội hay là người khác. Trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền.

“Một bị can đang bị giam trong trại mà bắt người ta phải chứng minh “không phải ông thì là ai”, đó là một điều hết sức nực cười và vô lí” – ông Khiển đánh giá.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang