Bi hài chuyện canh ngày "rụng trứng"

author 09:37 24/11/2012

(VietQ.vn) - Đang họp cơ quan, thấy điện thoại trong túi rung, anh Hoà cúi xuống gầm bàn nghe. Nửa phút sau anh đứng dậy, đến bên anh trưởng phòng báo cáo: “Xin phép cho em về nhà, vợ em… rụng rồi”. Mọi người ngơ ngác không hiểu, còn anh trưởng phòng vẫy tay, cười và bảo: Về nhanh lên, chúc thành công…

“Anh ơi ! Em…rụng rồi”

Lấy nhau năm năm mà vợ chồng anh Hoà vẫn chưa có con. Gia đình anh nghi tại vợ. Có người lại bảo hay là tại anh “không có khả năng”, hoặc “chỉ có nước chứ không có cái”, khiến cả hai cùng buồn. Không ai dám đi khám, bởi ai cũng sợ nếu chẳng may nguyên nhân tại mình thì liệu “anh ấy” hay “cô ấy” có bỏ mình không. Nỗi lo chung, nhưng không ai dám nói ra, bởi họ rất yêu nhau, không ai muốn có sự thay đổi, mất mát, tan vỡ.

Được một người bạn làm tư vấn động viên đi khám, vợ anh Hoà rủ chồng cùng đi. Trước khi đi, họ làm cam đoan miệng với nhau rằng “Khám cho biết, chứ dù có tại ai cũng … không bao giờ bỏ nhau”.

Bác sĩ nói cả hai đều có khả năng sinh đẻ, chỉ có điều hơi khó khăn. Vợ chồng anh phải kiên trì “canh trứng”, tức là theo dõi xem thời điểm nào vợ anh rụng trứng, thì hai vợ chồng phải “yêu nhau ngay” để tăng cơ hội thụ thai. Việc xác định ngày rụng trứng cũng chẳng dễ dàng với những người không có chuyên môn, nên bác sĩ khuyên chị gần đến ngày đó thì vào viện nằm để theo dõi. Khi nào bác sĩ nói “rụng rồi”, thì chị phải gọi điện cho chồng đến ngay hoặc về nhà khẩn trương để gặp nhau.

Anh ơi, về đi em... rụng rồi ! (ảnh minh họa)
Anh ơi, về đi em... rụng rồi ! (Ảnh mang tính minh họa)

Chuyện liên quan đến thời gian, đến công việc, nên anh Hoà phải “nói nhỏ” với trưởng phòng của anh để cơ quan không bố trí cho anh đi công tác xa và nếu có tin nhắn khẩn cấp thì cứ việc về, “tiền trảm hậu tấu” cũng được. Chuyện này chỉ có anh Hoà và anh trưởng phòng biết với nhau.

Vậy mà cũng không dễ dàng. Chuyện “yêu nhau” không phải muốn lúc nào cũng được, phải có hứng cơ. Có hôm vợ gọi điện, anh Hoà phóng xe máy từ Mê Linh, Vĩnh Phúc về, mệt đứt cả hơi. Nhưng giữa thanh thiên bạch nhật, lại hồi hộp lo lắng kết quả, nhìn bộ dạng vợ năn nỉ chờ đợi… anh Hoà chẳng làm ăn gì được. Có tháng, vào đúng dịp cô vợ “rụng”, thì anh Hoà lại bị sốt, cũng bỏ qua cơ hội. Cũng có một hai lần cố gắng, cũng “làm được”, rồi hai vợ chồng hồi hộp chờ đợi xem có kết quả không. Nhưng tháng sau, vợ vẫn có “đèn đỏ”, hai vợ chồng lại buồn. Chưa bao giờ hai người lại khát khao cái sự “tắt” của vợ đến thế!

“Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”

Nằm “canh trứng rụng” trong bệnh viện, vợ anh Hoà đi thang thẩn khắp các phòng ngang, buồng dọc để “tham quan”. Nhiều hôm chị cứ đứng ở khu “nạo hút”, nhìn các em, các cháu trẻ măng vào để “phá bỏ”. Chị đã nghe hai “cô bé quàng khăn đỏ” bảo nhau: “Sao tao nhạy thế mày ạ? Vừa tháng trước phải điều hoà, lần này lại dính, mà chỉ có “mỗi lần” thôi đấy. Còn cô nọ bảo bạn: “Mày phải vứt đến 5 đứa con đi rồi đấy nhỉ!”, cô bạn chẩu môi cãi: “Hơn chứ”. Họ nói chuyện về “vứt bỏ con” nhẹ nhàng như người ta nói chuyện nhổ một cái tóc. Họ đâu có để ý đến một người phụ nữ ngậm ngùi, rơm rớm nước mắt, thầm trách ông trời bất công, kẻ “ăn không hết, người lần không ra”. Rồi chị lại trách cái bệnh viện này kì thật, bố trí khu điều trị hiếm muộn ngay gần khu “nạo phá”, khiến cho nghịch cảnh càng trở nên lớn hơn!

Không biết trong số những người khách thường xuyên của khu “nạo phá”, sau này có bao nhiêu người lại phải đến khu điều trị hiếm muộn, với khát khao có một đứa con?

Đôi khi việc quá căng thẳng, mong có thai cũng khiến cơ hội thụ thai giảm đi
Đôi khi việc quá căng thẳng, mong có thai cũng khiến cơ hội thụ thai giảm đi

Kết:

Theo các chuyên gia, việc canh trứng sinh con là không nên đặc biệt với những cặp vợ chồng có sức khỏe sinh sản bình thường. Với những phụ nữ có sức khỏe bình thường hoàn toàn có thể tự theo dõi được ngày trứng rụng qua sự thay đổi nhiệt độ cơ thể cũng như tiết dịch âm đạo. Chị em nên học cách tính ngày trứng rụng để có nhiều cơ hội thụ thai.

Với những cặp vợ chồng quá mong ngóng có tin vui mà đi soi trứng sẽ bị áp lực tâm lý nặng nề. Điều này có thể gây phản tác dụng. Rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, những cặp đôi càng mong ngóng có tin vui, làm “chuyện ấy” với tâm lý lo lắng sẽ rất khó thụ thai. Vì vậy, tốt hơn hết là nên để mọi chuyện thuận theo tự nhiên, lúc đó đảm bảo “tin vui” sẽ bất ngờ đến với vợ chồng bạn.

Gia Bảo

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang