Bi kịch thuốc diệt cỏ

author 05:50 17/07/2013

Thời gian gần đây, tình trạng tự tử đáng báo động bằng thuốc diệt cỏ có chiều hướng gia tăng và lan rộng ra nhiều địa phương. Nguyên nhân tình trạng này là do những mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, những suy nghĩ cực đoan của con người hay việc thứ thuốc kịch độc được bán tràn lan mà thiếu sự kiểm soát thì chưa biết

Một tối cuối tháng, Lường Văn Hòa loạng choạng trở về nhà khi trong người đã chuếnh choáng hơi men. Hòa ở xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, Hòa Bình, mới 24 tuổi nhưng đã có vợ và 2 đứa con nhỏ.

Ngả người xuống cái giường ọp ẹp, Hòa ngáy o o một giấc đến sáng. Khi mặt trời chiếu chói vào mặt Hòa mới tỉnh ngủ. Nhìn sang cái giường xập xệ kế bên, Hòa thấy hai đứa con nhỏ vẫn nằm co ro còn Hà Thị Nụ, vợ anh ta thì không thấy. Một tháng có 30 ngày, 30 buổi sáng mở mắt ra may mắn lắm thì Hòa mới nhìn thấy Nụ. Vả lại, mấy ngày gần đây vợ chồng Hòa cơm không lành, canh chẳng ngọt nên chẳng ai nói lời nào.

Cứ lặng lẽ sớm tối đi về, ai ăn thì ăn, ai ngủ thì ngủ. Nhà vốn nghèo, quanh năm đua với đói lại thêm cái chuyện “giận hờn vu vơ” kia nên không ít lần Hòa tay đấm, chân đá với vợ.

Nhưng kể từ hôm nay thì chuyện đó chấm dứt hẳn. Hòa trở dậy. Anh ta luồn ra sau nhà đi vệ sinh. Đến chỗ chứa củi, Hòa giật mình khi thấy vợ nằm bất động ở đó. Tưởng vợ cũng giống mình uống rượu say, Hòa dùng chân đá nhẹ vào Nụ, nhưng không thấy cử động. Bất ngờ anh ta nhìn thấy bên cạnh vợ là lọ thuốc diệt cỏ. Tá hỏa, Hòa bế thốc vợ chạy ra trạm xá. Nhưng đến nơi, họ bảo Nụ đã chết.


Các ngành chức năng của huyện Đà Bắc (Hòa Bình) tìm hiểu thực trạng về thuốc diệt cỏ tại cơ sở

Sau đó mấy ngày, tại xóm Mạ, xã Tu Lý, Triệu Văn Đạt (40 tuổi) cũng dùng thuốc diệt cỏ để chết một cách đau đớn. Đạt có vợ, con gái đã học đến lớp 11 nhưng lại chẳng chí thú làm ăn. Đã vậy, hễ cứ ai nhắc nhở đến mình là Đạt nổi khùng. Vợ Đạt khuyên mãi chẳng ăn thua. Mà mỗi lần có ý định khuyên chồng, chị ta cứ phải thủ thế để tránh đòn. Xích mích vợ chồng đã đành lại thêm cả những xung đột với người cha đẻ đã hơn 60 tuổi. Sau trận cãi vã nảy lửa vào đầu tháng 4 với bố đẻ, Đạt trở nên lầm lì, ít nói. Sáng hôm ấy, ở nhà một mình, nghĩ quẩn Đạt vào góc nhà lôi ra lọ thuốc diệt cỏ rồi ngửa cổ tu bằng sạch. Trước khi uống thuốc, Đạt lấy mảnh ngói vỡ viết lên cánh cửa nhà 3 chữ: “Tao chết đây”. Đi làm đồng về, vợ Đạt phát hiện chồng nằm vật ra nhà, vội đưa đi viện cấp cứu nhưng 2 ngày sau thì Đạt tử vong.

Ở Đà Bắc còn có những cái chết vô cùng ngớ ngẩn vì những lý do lãng xẹt. Điển hình là chuyện của vợ chồng anh Xa Văn Lung (32 tuổi) và chị Triệu Thị Mừng (30 tuổi) ở xã Yên Hòa. Bao nhiêu năm tích cóp bằng công việc làm mướn ở Hà Nội, Lung về quê mua được cái xe máy hơn chục triệu đồng. Ngay tối hôm mua xe, Lung mời anh em, họ hàng sang nhà làm một bữa túy lúy gọi là “rửa xe”. “Rửa xe” xong, ngày hôm sau Lung dạy vợ tập đi xe. Được hai ngày, thì Mừng cũng thành thạo việc tăng ga, vào số.

Hí hửng vì có xe máy mới, lại vừa biết đi nên chị Mừng xin chồng cho mình lấy xe phóng sang nhà ngoại ở xã bên chơi cho oách. Nghĩ vợ chưa thạo đi xe nên Lung từ chối: “Em mới vừa biết đi. Để dạo nữa thành thạo hẳn thì sang chơi. Hôm nay thì không được”. Đang vui, nghe chồng nói thế Mừng giận dỗi. Lời qua tiếng lại bỗng chốc hai vợ chồng cãi nhau to. Cả ngày hôm đó, Lung khóa cổ xe đi ra quán ngồi nhậu. Ngồi ở nhà khóc rấm rứt, đã không được đi xe lại bị chồng mắng nên Mừng thấy uất ức. Càng nghĩ càng quẩn, Mừng lấy lọ thuốc diệt cỏ trong nhà ra uống cho bõ tức. Có lẽ, Mừng cũng chỉ muốn dọa chồng thế thôi, ai ngờ… Mừng được phát hiện đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu. Sau một tuần trời điều trị tích cực, cuối cùng các bác sĩ cũng không thể giữ được tính mạng cho cô.

“Sát thủ” Paraquat

Nếu như trước đây, giận nhau ăn lá ngón, cùng quẫn ăn lá ngón cho đến thất tình cũng dùng lá ngón thì giờ họ đều tìm đến thuốc diệt cỏ. Mỗi lần muốn tự tử chẳng phải cất công lên rừng hái lá cứ thò tay xuống gầm giường là có sẵn độc dược.

Trong xó nhà của bà con dân tộc miền núi này, thóc gạo có thể thiếu chứ thuốc diệt cỏ thì bao giờ cũng sẵn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì 100% chất độc được sử dụng để tự tử đều là loại thuốc diệt cỏ mang tên Paraquat với nhiều thương hiệu khác nhau. Số lượng người dùng thuốc diệt cỏ này để tự tử tăng theo thời gian và giảm dần về độ tuổi.

Riêng năm 2011 đến giữa năm 2012, trên địa bàn huyện Đà Bắc đã xảy ra hai chục ca tự tử bằng Paraquat, trong đó chỉ có 6 người được cứu sống. Còn từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 8 ca và có 5 người đã tử vong. Điều đáng báo động, là những người tìm đến Paraquat đều ở lứa tuổi còn rất trẻ chỉ từ 18 đến 30.


Người dân vùng cao thực sự lo lắng trước vấn nạn mang tên “thuốc diệt cỏ”

Không chỉ những vụ cố tình uống thuốc diệt cỏ, mà ngay cả những trường hợp vô tình uống phải thứ chất độc này cũng tăng nhanh. Là loại thuốc chứa chất kịch độc nhưng lại được bảo quản rất sơ sài trong những vỏ chai nước khoáng, vỏ chai bia… Nhiều trường hợp trẻ em cứ khát nước là uống nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Theo bác sĩ Hoàng Đại Tá, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đà Bắc (Hòa Bình) thì đa phần những ca cấp cứu do uống thuốc diệt cỏ đều đưa đến muộn. Trong khi đó, thời gian vàng để cứu sống là 6 tiếng đồng hồ sau khi uống phải chất độc này. Thậm chí, có trường hợp điều trị về nhà được gần nửa năm nhưng do biến chứng, bệnh viện cũng đành bó tay và bệnh nhân qua đời. Cũng theo bác sĩ Tá thì hiện nay, thuốc diệt cỏ mang tên Paraquat được trên 90% người dân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Nó có hiệu quả rõ rệt trong nông nghiệp nhưng sử dụng trái mục đích thì hậu quả không thể lường trước. 

Để cấp cứu người ngộ độc Paraquat thì phải rửa sạch dạ dày, cho uống dung dịch đất sét mịn Fuller earth, lọc máu hấp thụ hay vừa lọc máu hấp thụ vừa tách huyết tương, chạy thận nhân tạo. Song để thực hiện kỹ thuật này cũng không hề dễ dàng vì một lần thực hiện cần tới 4 – 5 lít máu, chi phí điều trị cao, thấp nhất cũng 2 triệu đồng một ngày.

Tuy vậy, khả năng cứu sống thì lại rất thấp. Nếu được cứu sống thì bệnh nhân vẫn phải đối diện với những biến chứng muộn do độc chất gây ra như xơ phổi, suy hô hấp, vô sinh (ở phụ nữ)… Trên thị trường, Paraquat thường được đóng loại 100ml dung dịch 20% (nghĩa là có 20 gam độc chất trong 100ml). Mỗi khi sử dụng, nhà sản xuất khuyến cáo phải pha loãng 200 lần bằng nước. Vì thế, khi chỉ chỉ cần uống vào người chục ml đã có thể dẫn đến tử vong, ít hơn có thể loét niêm mạc miệng, suy hô hấp và những tổn thương da khác.

Thời gian gần đây, tình trạng tự tử đáng báo động bằng thuốc diệt cỏ có chiều hướng gia tăng và lan rộng  ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Nguyên nhân tình trạng này là do những mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, những suy nghĩ cực đoan của con người hay việc thứ thuốc kịch độc được bán tràn lan mà thiếu sự kiểm soát thì chưa biết. Nhưng có một điều thấy rất rõ là số người chết vì chất độc này thì đang tăng lên từng ngày.

“Trong sự phát triển của xã hội thì sang chấn tinh thần, bức xúc, stress... càng làm nhiều người tự tử hơn. Do mua được thuốc bảo vệ thực vật quá dễ dàng, số người tự tử bằng thuốc diệt cỏ được đưa đến Trung tâm cấp cứu cũng ngày càng nhiều" – bác sỹ Tá cho biết. 

Cuộc sống của bà con vùng cao Đà Bắc vốn khó khăn, thiếu thốn, lại thêm bi kịch từ thuốc diệt cỏ càng trở nên cơ cực hơn. Thực trạng trên trở nên đáng báo động, thiết nghĩ các cấp, ngành trong tỉnh không thể đứng nhìn mà cần có biện pháp cụ thể để giải quyết vấn nạn trên.

Hoàng Việt/CATP

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang