Bí mật đằng sau Công ty con của Vietnam Airlines

author 10:33 19/11/2013

Chiều 18.11, PV nhận được đơn kêu cứu của một người xưng là “đại diện các anh em đang làm việc tại Công ty Kỹ thuật hàng không (VAECO) – một công ty con của Vietnam Airlines, đang bị ép phải ký hợp đồng ràng buộc 20 năm.

Hé lộ bí mật từ 1 lá đơn

“Tôi gửi các thông tin này để kệu cứu cho các anh em đang làm việc tại Công ty Kỹ thuật hàng không (VAECO), là công ty con của Vietnam Airlines. Chẳng đặng đừng tôi mới phải lên tiếng thế này chẳng khác gì vạch áo cho người xem lưng.

Trước giờ nội tình bên trong luôn là cánh cổng bí mật với báo giới. Tuy nhiên, do mọi người đang bị ép quá mức chịu đựng nên mới phải lên tiếng để nhờ bên ngoài hỗ trợ. Chúng tôi muốn lấy làm tiếc khi phải hành động mạo hiểm như thế này…” – lá đơn viết.

Đọc qua lá đơn, có thể khái quát sự việc: Do nhu cầu phát triển, Vietjet Air đang cố gắng tìm cách lôi kéo  những nhân viên kỹ thuật hàng không của Vietnam Airlines bằng cách trả lương cao gấp 3 lần so với mức lương họ đang hưởng ở Vietnam Airlines, đạt mức xê xích từ 21 – 58 triệu đồng tùy trình độ.

Tuy nhiên, để có được một nhân viên kỹ thuật CRS (tạm hiểu nhân viên dịch vụ khách hàng), Vietnam Airlines đã phải chi ra những khoản tiền lớn gọi là chi phí đào tạo, trong khi Vietjet Air không phải bỏ ra khoản chi phí này.

Đây cũng chính là lý do khiến Công ty Kỹ thuật hàng không VAECO đưa ra qui định bắt nhân viên phải ký hợp đồng ràng buộc từ 10 – 20 năm, nếu không phải đền bù một số tiền lớn cho chi phí đào tạo.

“Công việc của chúng tôi là chịu trách nhiệm về kỹ thuật cho máy bay sau các chuyến đi, áp lực cao, trọng trách nhiều vì ảnh hưởng đến an toàn các chuyến bay.

Trước đây, công việc này do các chuyên gia nước ngoài đảm trách với mức chi trả hậu hĩ… Khoảng 10 năm trở lại đây, công việc dần chuyển giao cho người Việt đảm trách….. Tuy nhiên, mức chi trả cho kỹ thuật máy bay khá chênh lệnh so với chuyên gia nước ngoài.

Ví dụ thực tế: trả cho một ông chuyên gia nước ngoài từ 8.000 – 12.000 USD, một phi công từ 1.500 – 4.000 USD trong khi 1 kỹ thuật máy bay cho vị trí tập sự là 350 USD, trình độ A là 500 USD và chuyên gia là 1.000 USD.”… lá đơn viết.

Chính lý do này khiến một số nhân viên VAECO đã nghỉ việc để sang công ty mới có mức đãi ngộ cao hơn. Và cũng vì như vậy, Công ty VAECO đã “vội vã” xây dựng các văn bản qui định về mức chi phí đào tạo và các khoản bồi thường, buộc những nhân viên đã nghỉ việc phải bồi 500 triệu đồng/người cho chi phí đào tạo nếu đạt trình độ A, còn đạt trình độ B1 hoặc B2, con số lên đến trên 1 tỉ đồng. Cách tính chi phí này bị những người làm đơn đánh giá là “không xác đáng”.

Những người ở lại cũng bị bắt ký hợp đồng cam kết phục vụ công ty, tùy mức chi phí công ty bỏ ra đào tạo mà mọi người phải làm việc từ 10 – 20 năm.

Chuyện gì đang diễn ra?

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Hoàng Đăng Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kỹ thuật Máy bay (VAECO), nhìn nhận đúng là có chuyện công ty này yêu cầu người lao động ký cam kết làm việc lâu dài sau khi được đào tạo.

“Bên chúng tôi đào tạo một người lành nghề có khi mất từ 10 – 15 năm và tốn rất nhiều chi phí nhưng các công ty khác hiện đang lôi kéo người của chúng tôi bằng lương cao”, ông Toàn, nói “Có 1 – 2 công ty đang tìm cách lôi kéo người của chúng tôi mà rõ nhất là Vietjet Air” trong khi “chúng tôi là cơ quan nhà nước nên không thể trả mức lương quá cao được”.

Theo ông Toàn, những ai muốn được tiếp tục làm việc tại VAECO thì phải ký cam kết về thời gian làm việc nhưng “không ép buộc” và “phù hợp với luật lao động”.

“Họ hoàn toàn chẳng bỏ đồng nào để đào tạo, bây giờ chỉ cần trả lương cao để lấy người của chúng tôi, như vậy là hoàn toàn không công bằng”, ông Toàn, nói “Hiện nay nhiều thành viên trong Ban Giám đốc như tôi mà lương không cao bằng một kỹ thuật viên kinh nghiệm. Tuy chúng tôi cố gắng có nhiều đãi ngộ, chế độ cho người làm việc nhưng không thể cản nếu họ muốn chuyển đi nơi khác”.

Theo Quy định về bồi thường chi phí đào tạo, huấn luyện do ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Kỹ thuật Máy bay, ký vào ngày 30.7, những người được đào tạo phải thực hiện thời gian làm việc nghĩa vụ tương ứng theo chi phí bỏ ra.

Các mức thời gian này được quy định như sau:

5 năm nếu tổng chi phí từ 10 triệu đến 100 triệu đồng

10 năm nếu tổng chi phí từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng

15 năm nếu tổng chi phí từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng

20 năm nếu tổng chi phí từ 500 triệu đồng trở lên

Theo bảng tính chi phí đào tạo, thi cấp chứng chỉ CRS máy bay cho 1 người thì chi phí rẻ nhất là trên 700 triệu cho đến hơn 1,4 tỷ đồng.  Mức chi phí đào tạo, huấn luyện này được áp dụng cho tất cả các loại tàu bay.

Phí đào tạo này ngoài nguồn kinh phí của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam hoặc của Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay mà còn nằm trong kinh phí do các đơn vị trong và ngoài nước tài trợ cho Vietnam Airlines.

Đối với trường hợp người lao động hoặc học viên và Công ty không thỏa thuận được việc bồi thường, theo quy định của VAECO, cần phải lập Hội đồng xét bồi thường chi phí đào tạo, huấn luyện.

Hội đồng này phải do Tổng Giám đốc Công ty VAECO ra quyết định thành lập và phải có ít nhất 7 thành viên là những nhân sự chủ chốt trong công ty.

Người lao động chỉ có 3 tháng để thực hiện quyết định bồi thường do Hội đồng này đưa ra, nếu trễ hơn mọi việc sẽ được VAECO đưa ra tòa án phân xử.

Luật sư phân tích đúng sai

Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM, luật sư Trần Mỹ Thoa, phân tích: nhân viên kĩ thuật là người lao động và VAECO là doanh nghiệp sử dụng lao động. Như vậy, những ràng buộc giữa hai bên phải căn cứ trên Luật Lao động và thỏa ước của người lao động với doanh nghiệp.

“Phải xem giữa VAECO và các nhân viên kĩ thuật có cam kết các điều khoản về bồi thường chi phí đào tạo, thời gian làm việc không. Những ràng buộc này thường nằm trong hợp đồng lao động. Nếu có thì bên nào vi phạm các điều khoản của hợp đồng sẽ phải bồi thường”, Luật sư Trần Mỹ Thoa nói.

Về tình huống ngay sau khi có sự chiêu mộ nhân viên từ Vietjet Air thì VAECO mới ban hành quy định bắt buộc thời gian làm việc và khoản tiền bồi thường chi phí đào tạo, luật sư Thoa nói:

“Quy định về thời hạn và bồi thường phải trên tinh thần tôn trọng và tự nguyện. Nếu VAECO ép người lao động kí thì đã vi phạm pháp luật về lao động. Ngoài ra, thỏa ước kí kết giữa nhân viên kĩ thuật và doanh nghiệp phải thể hiện tính dân chủ, được thông qua trước toàn thể doanh nghiệp”.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Phan Minh, đoàn luật sư TP.HCM, nói thêm: Hiện nay với nhu cầu lao động tay nghề cao rất lớn nên phát sinh những tình huống buộc pháp luật phải thay đổi cho phù hợp.

Thời gian lao động và các khoản chi phí bồi thường, chi phí đào tạo… thường sẽ được doanh nghiệp ghi rõ trong hợp đồng. Điều này sẽ rất đơn giản nếu người lao động bỏ doanh nghiệp ra đi “tìm bến đỗ mới”, thì chủ doanh nghiệp căn cứ theo hợp đồng mà đòi hoàn trả. Còn ngược lại thì không thể trách được người lao động.

“Tâm lí thông thường của người làm công lãnh lương là nơi nào có thu nhập cao hơn thì đi. Vì thế, những thỏa ước chung trước khi làm việc giữa hai bên là rất quan trọng”, Luật sư Minh phân tích.

Bình luận về tình huống sau khi có câu chuyện Vietjet Air thu hút người của VAECO, luật sư cho biết:

“Thỏa ước được VAECO thành lập sau tình huống Vietjet Air kéo người muốn có giá trị thì nó phải được VAECO thông qua tại đại hội công nhân viên chức và công đoàn cơ sở chứ không thể là ý muốn chủ quan của ban giám đốc.

Trên cơ sở ý kiến số đông tán thành thì thỏa ước mới mới hợp pháp. Còn ban giám đốc VAECO tự ý ra thỏa ước rồi buộc người lao động kí thì chưa đúng với quy định. Như vậy, người lao động bị ép buộc phải kí và họ có quyền không chấp nhận”.

Theo Motthegioi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang