Bí mật đằng sau sản phẩm hàng hóa “Made in China”

author 06:56 17/09/2013

(VietQ.vn) - Khi mở cửa cho các hãng điện tử như Sony, Samsung, LG... vào thị trường Việt Nam, nhiều chuyên gia điện tử đã lạc quan cho rằng, những doanh nghiệp nước ngoài này sẽ giúp nền Công nghiệp điện tử trong nước có thể học hỏi các công nghệ và bức phá. Nhưng thực tế, tư tưởng này gần như ... phá sản.

Lời tòa soạn: Trong những năm qua,  sản phẩm hàng hóa gắn mác “Made in China” tràn ngập thị trường trong nước bất chấp sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Nguy hiểm hơn, hàng Trung Quốc tuy “dính” hàng loạt nghi án nhiễm độc, hóa chất, kém chất lượng vẫn “bóp nghẹt” hàng Việt Nam. Để có cái nhìn tổng quát về thực trạng đáng buồn này, Chất lượng Việt Nam khởi đăng tuyến bài : Bí mật đằng sau sản phẩm hàng hóa “Made in China”.

Bài 1: "Hồn trương ba da hàng thịt" 
Hiện nay, thị trường hàng điện tử đã xuất hiện nhiều loại máy tính, điện thoại di động, tivi – đầu máy thương hiệu Việt ... với giá rẻ hơn những sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, những sản phẩm “Made in Vietnam” này chỉ là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
“Mác” Việt nhưng linh kiện sản xuất ở Trung Quốc
Hầu hết các nhà sản xuất điện tử của Việt Nam hiện nay đều chỉ tập trung lắp ráp các mặt hàng điện tử, hoặc là nhập linh kiện để lắp ráp sản phẩm trên những dây chuyền khá đơn giản hoặc đặt hàng cho các nhà sản xuất bên Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… sau đó dán nhãn hiệu của doanh nghiệp đặt hàng để bán tại thị trường Việt Nam. Do đó, chỉ cần các nhà cung cấp linh kiện hoặc gia công “hắt hơi sổ mũi” hay chuyển đổi công nghệ, mặt hàng sản phẩm điện tử mang thương hiệu Việt sẽ suy giảm rất nhiều.
Sự chi phối của các hãng điện tử nước ngoài so với năng lực yếu kém của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơ cấu sản phẩm của ngành điện tử Việt Nam mất cân đối khá nghiêm trọng. Trong nước không đáp ứng đủ, tất yếu các ngành công nghiệp phải nhập khẩu để sản xuất.
Điển hình nhất là ngành điện tử - tin học, cơ cấu sản phẩm mất cân đối nghiêm trọng khi mới chỉ dừng ở sản xuất sản phẩm dân dụng, thiếu nhiều sản phẩm điện tử chuyên dụng; công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp cũng như nguyên vật liệu đang phụ thuộc phần lớn vào nhà cung cấp nước ngoài.
Những tên tuổi “vang bóng một thời” như điện tử Bình Hòa, Viettronic Thủ Đức, Viettronics Tân Bình, nhiều năm qua đã chuyển sang gia công sản phẩm, hợp tác sản xuất với các đơn vị nước ngoài. Các doanh nghiệp điện tử này còn đang tập trung nghiên cứu kinh doanh những mặt hàng, dịch vụ có lãi cao hơn như: phân phối, kinh doanh địa ốc, tham gia sàn giao dịch chứng khoán… để cứu vãn cho mặt hàng điện tử ế ấm. Thương hiệu điện tử đã từng là “đầu tàu” của ngành như Công ty TNHH Đèn hình Orion-Hanel cũng đã tuyên bố phá sản.
 
Khi mở cửa cho các hãng điện tử như Sony, Samsung, LG... vào thị trường Việt Nam, nhiều chuyên gia điện tử đã lạc quan cho rằng, những doanh nghiệp nước ngoài này sẽ giúp nền Công nghiệp điện tử trong nước có thể học hỏi các công nghệ và bức phá. Nhưng thực tế, tư tưởng này gần như ... phá sản.
Giám đốc 1 công ty Bóng đèn ở TPHCM chuyên sản xuất kinh doanh đèn led cho biết, đa số đèn led có mặt trên thị trường Việt Nam là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng kém hoặc rất kém. Chip led và bộ phận tản nhiệt của đèn led Trung Quốc được làm bằng vật liệu rẻ tiền để tiết kiệm chi phí, dẫn đến việc cháy bóng đèn do quá nóng. Trong khi đó, doanh nghiệp trong ngành chiếu sáng Việt Nam, hoặc do đã đầu tư quá nhiều vào việc sản xuất truyền thống, hoặc dè dặt vì e ngại phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc nên không dám đầu tư sản xuất.

Chỗ đứng khó soán ngôi của hàng Trung Quốc
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, phân phối dẫn đến các sản phẩm điện tử nguyên chiếc nhập khẩu có chất lượng cao tràn vào, càng gia tăng sức ép lên thị phần yếu ớt của các nhà sản xuất trong nước. Trung Quốc từ lâu đã được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” nhờ nền sản xuất công nghiệp khổng lồ. Với nền sản xuất sẵn có, hàng điện tử “made in China” từ chính hãng cho đến hàng nhập lậu, hàng nhái dễ dàng “thắng thế” hàng điện tử “non yếu” của Việt Nam là điều dễ hiểu. 
Anh Minh Quang, một nhân viên văn phòng, cho biết “Ngay khi ra mắt dòng điện thoại “made in Vietnam” F-mobile của hãng FPT, tôi đã mua một chiếc F-99. Nhưng sau một thời gian sử dụng, tôi thấy chiếc điện thoại này có giao diện y hệt những chiếc điện thoại Tàu rẻ tiền. Hầu hết các linh kiện như pin, main, vỏ máy đều có chữ tiếng Trung. Kiểu dáng bên ngoài thì ná ná BlackBerry với bàn phím QWERTY, nhưng chất lượng đàm thoại, nghe nhạc hay chụp ảnh đều kém hơn”.
Trong khi đó, điện thoại Trung Quốc lại “được lòng” giới trẻ vì mẫu mã và giá cả phong phú hơn. Chỉ với vài trăm nghìn đồng, rẻ hơn nhiều so với điện thoại “made in Vietnam” là đã có chú “dế” Tàu có đủ chức năng cần thiết như nghe nhạc, chụp ảnh… Điện thoại “fake” cũng bán khá chạy vì nhái lại giống hệt những chiếc điện thoại thông minh “tầm cỡ” như iphone 5, Samsung galaxy S4, HTC One…
Không chỉ có mặt hàng điện thoại, các sản phẩm điện tử gia dụng “made in China” khác như tivi, đầu đĩa, máy xay sinh tố, quạt điện…. cũng là sự lựa chọn số một của những người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình. Còn với những người ở mức thu nhập cao, họ cũng sẽ lựa chọn những mặt hàng điện tử chính hãng có tên tuổi mà không hề ngần ngại những cái mác “made in China” (Còn nữa).
Khánh Ngọc - Thanh Phong

Đính chính thông tin (Cập nhật ngày 19/9/2013)

Trong bài viết "Bí mật sau những sản phẩm hàng hóa Made in China” của chúng tôi có đoạn “Thương hiệu điện tử đã từng là “đầu tàu” của ngành như Công ty điện tử Hà Nội - Hanel cũng đã tuyên bố phá sản…”

Chúng tôi xin được đính chính lại thành: “Thương hiệu điện tử đã từng là “đầu tàu” của ngành như Công ty TNHH Đèn hình Orion-Hanel cũng đã tuyên bố phá sản.”

Ban biên tập Chất lượng Việt Nam xin được cáo lỗi cùng độc giả cùng Công ty TNHH MTV Hanel


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang