Bí mật mỏ vàng huyện Giằng và sự tàn độc của nhóm cướp cạn

author 14:33 18/11/2015

Trò chuyện, ông Tría bảo, đến giờ ông vẫn vô cùng ân hận bởi chính bản thân mình lại là mồi lửa để tập tục kinh hãi trên bùng lại bằng một thảm án đau lòng.

LTS: Để thay đổi những tập tục lạc hậu của một số đồng bào dân tộc thiểu số, là hành trình đầy nỗ lực và gian khó, của các cấp chính quyền.

Kể lại câu chuyện rúng động ở Quảng Nam mấy chục năm về trước, để thấy ngày hôm nay, những vùng sâu, xa đã có những bước tiến dài như thế nào cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bây giờ, để tế thần linh người Cơ Tu tổ chức đâm trâu chứ không vấy máu người như trước.

18 người vô tội đã tức tưởi chết chẳng toàn thây cũng chỉ bởi quyết định điên dại của ông, một người cha đang trong cơn đau đớn, tuyệt vọng khi mất đi đứa con thành đạt, hiếu thuận nhất nhà.

Chuyến đi tìm vàng đen đủi

Như đã nói, vợ chồng ông Tría 9 lần sinh nở. Tuy nhiên, các con ông đã lần lượt bỏ vợ chồng ông mà về với Giàng ở nơi xa lắc.

Anh con cả là người sáng dạ, được tập kết ra Bắc rồi được cử đi học ở Trung Quốc, nhưng cũng không hiểu vì lý do gì mà chết mất xác ở xứ người.

Bởi thế, khi về hưu năm 1986, ông Tría dồn tất cả hy vọng vào người con thứ ba, anh A Lung Nờ, sinh năm 1958. Anh Nờ khi đó là giáo viên, dạy học ở trường nội trú huyện.

Trưởng Công an xã Tà Pơơ, anh Kriêng Diệu bảo, nơi đồng bào Cơ Tu sinh sống là một mỏ vàng khổng lồ. Người Pháp tìm đến đây cũng chỉ bởi mục đích tìm vàng.

Con sông Bung chạy qua xã ngày trước vàng sa khoáng cũng ràn rạt. Bởi thế, ngay sau giải phóng, người dân tứ xứ đã đổ về đây để tìm vàng.

Có một điều lạ, chỉ những người Kinh ở các huyện đồng bằng mới ham hố chuyện tìm vận may với những “giấc mộng vàng”. Người Cơ Tu bản địa thì thờ ơ với chuyện đó.

Cuộc sống hoang dã dựa vào rừng, vào nương vào rẫy khiến họ thấy vàng bạc hay sự giàu có chỉ là thứ phù phiếm xa xôi.

Bản làng của ông A Lung Tría cũng vậy. Dù người dưới xuôi nườm nượp kéo về, lần mò vào tận những sông sâu, suối cạn dưới những cánh rừng ở tít mù xa cũng chẳng khiến mọi người bận tâm.

Theo ông Tría, ngày ấy, chỉ cần vài ngày vạt đất đá tìm vàng cũng đủ mua lương thực cho một gia đình sống sung túc cả năm.

“Thằng A Lung Nờ số nó phải chết thảm mà. Giá nó không theo người ta vào khe núi tìm vàng thì đâu nên chuyện”, ông Tría xót xa. Ông Tría kể, lần đó từ trường về, con trai ông bảo muốn đi vào núi tìm cái vàng về bán để lấy tiền xây dựng quỹ cho trường.

“Đám học sinh không có đủ gạo ăn, không có chăn đắp cho mùa đông sắp tới, các thầy giáo phải giúp thôi. Thằng Nờ đã nói với tôi như thế và để có tiền, nó rủ mấy thanh niên vào núi tìm vàng”, ông Tría kể lại.

Vợ ông A Lung Tría, người từng nhiều lần đau đớn bởi mất con.

Ngày ấy, ở Tà Pơơ, khe Vinh và những bãi đá dọc sông Bung được nhiều người tìm vàng gửi gắm vận may rủi. Là người bản địa, anh Nờ biết chỗ nào có thể có vàng. Chính vì thế, anh không tìm đến những địa điểm trên mà tìm vào khe A Ooi còn gọi là khe Gấu nhỏ.

Vào đây, chỉ vài ngày tìm kiếm, anh Nờ và hai người bạn đã tìm được rất nhiều vàng. Đang định khai thác thêm vài ba hôm nữa, khi số gạo mang theo vừa hết thì cả bọn sẽ kéo nhau về thì nhóm của anh Nờ bất ngờ gặp một tốp phu vàng đến từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Nhóm phu vàng này bảo, họ đã lên đất này nhiều ngày, đã ăn gần hết số gạo mang theo mà chưa thấy vàng đâu.

Thấy đám phu vàng ấy tiều tụy, đói khát, nhóm của anh Nờ đã san sẻ cho họ gạo và với bản tính thật thà, anh Nờ cũng chỉ cho họ chỗ mà nhóm mình tìm thấy vàng và khoe cả chiến quả mà nhóm mình làm được.

Anh Nờ đâu biết sự thật thà ấy là không cần thiết và anh đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Những kẻ mà nhóm anh Nờ gặp ở khe Gấu nhỏ ấy không phải là những phu vàng khốn khổ mà là những tên cướp cạn.

Chúng đến bãi vàng dò la xem nhóm nào trúng vàng rồi ra tay trấn cướp.

Khi thấy nhóm anh Nờ khoe là tìm được nhiều vàng, chúng đã bổ đến dùng xà beng tấn công tới tấp. Bị đánh bất ngờ, anh Nờ không kịp phản kháng, đổ gục như thân chuối.

Hai người bạn bởi đứng ở khoảng cách xa hơn nên đã liều lĩnh phá vòng vây khi thân thể đã bê bết máu.

Thạo đường rừng, lại quen vượt núi tìm săn con hoẵng, con mang nên họ đã chọn những cung đường hiểm trở để chạy.

Đám cướp cạn kia cố sức phóng theo những mong đuổi cùng giết tận. Tuy nhiên, khi hai người Cơ Tu đó chạy ra khỏi bìa rừng, nơi tiếp giáp với cộng đồng dân cư thì những kẻ cướp cạn kia không dám theo tiếp nữa.

Cái gật đầu chết chóc

Ông Tría kể, sẩm tối ấy, thấy hai người đi đào vàng cùng con ông lết về làng báo tin dữ, ông như thấy trời nghiêng đất sập.

“Tôi như thấy mặt mình bị ai đó hất ớt cay, tôi thấy người mình như điên như dại, tôi muốn trèo lên cây cao để buông mình xuống, tôi muốn ra sông sâu để nước cuốn đi, tôi thấy quần áo mình mặc trên người là thừa thãi, bùng nhùng”, ông Tría bàng hoàng nhớ lại.

Sau phút bàng hoàng, ông Tría cùng với mấy người khác cuống cuồng đi tìm con. Bước thấp bước cao, ông chạy vào khe núi. Đám dân bản cũng đèn đuốc sáng bừng chạy theo. Ai cũng ngùn ngụt căm phẫn.

Thấy thi thể con trai nằm co quắp bên khe suối, ông Tría như thấy ai đó bóp nát tim mình. Niềm hy vọng của gia đình ông, niềm tự hào của gia đình ông và của cả bản làng nơi ông ở giờ chỉ còn là cái xác vô tri. Như con thú bị trúng tên độc, ông hét lên đau đớn.

Thi thể thầy giáo A Lung Nờ được mọi người đưa về làng ngay đêm ấy. Đương nhiên, với tất cả sự tôn kính dành cho thầy giáo Nờ thì đêm đó, từ trẻ con đến người già, không một người Cơ Tu nào chợp mắt. Mọi người ai nấy đều sùng sục căm hờn.

Giống như nhiều tộc người khác ở cửa ngõ Tây Nguyên, người Cơ Tu, với quan niệm lạc hậu, cũng rất kiêng kỵ những cái “chết xấu”.

Theo quan niệm của đồng bào sống dưới tán rừng, chết xấu là những cái chết để lộ máu, thường là chết do bị thú dữ vồ hay tai nạn trong quá trình mưu sinh, kiếm sống.

Lạc hậu hơn nữa, nhiều nơi, gia đình có người chết xấu phải trâu, bò, lợn, gà để làng làm lễ tế. Thậm chí, đã có nhiều làng phải di chuyển chỗ ở chỉ vì trong làng có người không may vướng phải cái chết không đúng với quy luật tự nhiên này.

Trước đây, với cuộc sống hoang dã, mỗi khi cái chết xấu tìm đến thì chẳng cần bàn tính nhiều, già làng sẽ triệu tập những người có uy tín trong làng ra nhà Gươl để bàn tính một cuộc trả thù để xua đi vận hạn.

Như đã nói ở phần trước, bởi là người có công với làng nên gia đình ông A Lăng Tría được dân làng hết mực tôn kính.

Thầy giáo A Lung Nờ vốn là người hiền lành, hết lòng mang cái chữ đến cho con em đồng bào nên được mọi người vô cùng quý mến. Thầy Nờ chết thảm, cái bụng của ông Tría không yên, cái bụng của dân làng cũng không yên.

Không những thế, khi ấy, trong cơn bấn loạn, ông Tría còn có một nỗi sợ hãi dị đoan.

Nỗi sợ hãi như bóng ma, khi thì chập chờn, khi thì rõ mồn một. Có lẽ nào việc các ông hết đứa này đến đứa khác cứ lần lượt bỏ vợ chồng ông mà đi là bởi do thần linh trách phạt?

Ông Tría ân hận vì đã quyết định trả thù cho con trai.

Ông Tría bảo, khi đó, trong cơn đau rã rời, ông đã nghĩ rất sai lầm là có lẽ do mình vận động đồng bào xóa nhiều tập tục, thói quen lạc hậu nên đã làm thần linh phật lòng. Nếu đúng là như vậy thì ông là người có tội với các con ông, có tội với dân làng.

Và rồi, chính những ý nghĩ điên dại này đã khiến ông đi đến một quyết định mà cả quãng đời về sau ông phải sống trong dằn vặt, ăn năn.

Ông Tría kể, đêm đó, bên thi thể con mình, khi nghe dân làng bàn chuyện trả thù, như quỷ khiến ma xui, ông đã gật đầu chấp thuận.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tría bảo cho đến bây giờ ông cũng không hiểu vì sao mình lại gật đầu đồng lõa với cơn giận dữ vô lương tâm ấy của dân làng.

Chính bởi cái gật đầu ấy mà 18 người đã phải chết một cách oan uổng, tức tưởi. Cái gật đầu ấy đã khiến ông và cả chục người khác phải trả giá bằng những án tù đằng đẵng.

Công bố rúng động

Đại úy Le Pichon, một lính viễn chinh của thực dân Pháp, khi được bổ nhiệm làm trưởng đồn ở An Điềm (thuộc huyện Nam Giang bây giờ) đã có những ghi chép về cuộc sống của đồng bào Cơ Tu ở đây.

Trong đó có tập tục “săn máu” kinh hãi.

Ghi chép “Les Chasseurs de Sang” (Kẻ săn máu)  của Le Pichon được công bố năm 1938 trên Tạp chí Những người bạn Cố đô Huế đã khiến nhiều người sửng sốt.

Theo ghi chép của viên đại úy này thì những cuộc săn máu thường được quyết định tại nhà Gươl của làng, nơi tập trung những người đàn ông khỏe mạnh.

Có nhiều nguyên do để một làng Cơ Tu bước vào một cuộc săn ghê rợn.

Có thể là do mất mùa, hay do những tai ương, địch họa, thậm chí là làng chuẩn bị có việc lớn. Săn là để yên lòng thần linh và để thần linh ủng hộ cho việc lớn sắp đến ấy.

Nếu cuộc săn đã được quyết định thì người ta phải tìm xem ai sẽ là nạn nhân. Nhiều người, bởi thù ghét riêng tư đã xướng tên mình cần trừ khử.

Nếu không tìm được người sẽ là “vật thế thần” thì thầy cúng lại xem bói chân gà.

Chân gà sẽ chỉ đường cho những người Cơ Tu man dại đó. Trong cuộc đi săn ấy, sẽ có những người vô tội bị tước đi sinh mạng.

Theo Trí Thức Trẻ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang