Bí mật thực sự ít người biết về Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy

author 10:00 25/12/2015

Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy là ba người đẹp nổi tiếng sân khấu và màn ảnh Việt suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, có những điều về họ chỉ người thân mới biết...

Sau tự truyện "Lê Vân yêu và sống", Vân không còn hoạt động nghệ thuật nữa. Lê Vy cũng đã bỏ "cuộc chơi" để chuyên tâm cho gia đình ở thành phố Amboise (Pháp). Chỉ còn Lê Khanh, giờ là đạo diễn, diễn viên kiêm Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ.

3 tài nữ nhà họ Lê: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy.

Dù vậy, những thông tin, hình ảnh về 3 người đẹp nhà họ Lê vẫn luôn làm công chúng quan tâm.Tuy nhiên, những góc nhìn về họ từ chính người thân mới là bức chân dung đáng xem nhất.

Cậu út của 3 người đẹp này chính là nghệ sĩ ưu tú Lê Chức hiện đang là Phó Chủ tịch thường trực Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Ông đã dành cho tôi những thông tin riêng về ba cô cháu gái tài sắc vẹn toàn trong một ngày đẹp trời cùng ông ăn trưa.

Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức (giữa) cùng Lê Vân, và vợ chồng Lê Vy trong chuyến về nước hồi tháng 8-2015.

Với Vy là những năm tháng nghèo mà thân thiết

Năm 2011, nghệ sĩ ưu tú Lê Chức có dịp sang Pháp công tác cùng các đồng nghiệp thuộc Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Ông đến Paris, Mác-Xây và thành phố lễ hội nghệ thuật Avignon phía nam nước Pháp. Tại đây, ông gặp gia đình của cô cháu gái Lê Vy.

Ông mang từ Việt Nam sang cho cháu gái mình chùm nhãn, vài quả ổi... Còn Lê Vy biếu lại cậu Út những trái đào to được hái ở chính vườn do chị trồng và chăm sóc hàng ngày. Ông bảo: "Nói thế để hiểu là gia đình của Vy được ở rộng, có đất vườn và trồng được rau quả".

Cậu cháu ôn lại với nhau nhiều kỷ niệm. Về những ngày cậu Út sẻ cơm và chia bớt thức ăn cho cháu ở Mai Dịch, có khi chỉ là gói muối vừng...

"Đó là vào quãng năm 1979-1980, tôi học đạo diễn ở trường Đại học Sân khấu còn Vy là học sinh khóa 13 trường Múa Việt Nam. Hai trường liền kề nhau. Khi ấy tôi là cán bộ có lương đi học nên gọi là có chút dấn vốn ra vào", nghệ sĩ ưu tú Lê Chức kể.

3 tài nữ nhà họ Lê chụp ảnh cùng mẹ, nghệ sĩ Lê Mai và cậu út, nghệ sĩ ưu tú Lê Chức.

Ngày ấy, ông thường đi xe đạp vào trường để còn chủ động quay ra thu thanh các chương trình. Nhưng cũng có nhiều khi, hai cậu cháu gặp nhau trên xe bus, vừa đông, vừa nóng, vừa thiếu không khí.

Khi đó, cậu lại phải chen chân để cho cháu có một chỗ gần cửa... để thở.

Ông kể: "Những năm đầu, Vy không bật lên được trong học tập. Đến khi gần kết thúc thì có chuyên gia, biên đạo người Mônđavi qua dạy, đây là giai đoạn Lê Vy được phát hiện trong các điệu múa cổ điển châu Âu".

Nhờ những năm tháng đó mà sau này, Lê Vy lập nên điệu "Múa Công", "Bến lụy"...

Rồi Vy dấn bước vào điện ảnh cùng hai chị Lê Vân, Lê Khanh và ghi lại dấu ấn trong "Cổ tích tuổi 17", "Giải hạn", "Cây bạch đàn vô danh" và đạt giải Diễn viên xuất sắc, cho bằng với hai chị Vân, Khanh.

Tháng 8 vừa qua, Lê Vy cùng chồng và 3 đứa con đã có chuyến về thăm gia đình. Chị ở Việt Nam tròn 40 ngày. Chị không gặp báo chí nhưng những hình ảnh về chị và gia đình vẫn được đăng tải trên một số tờ báo.

Lê Vy vẫn đẹp ở tuổi 40 và hơn thế, chị đang sống hạnh phúc cùng chồng và 3 đứa con rất đáng yêu. Đó là một cuộc sống đầy đủ, vui vẻ.

Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức bảo: "Cuộc sống đã và đang trả lại cho Vy những năm tháng đã dành mình cho chồng và gia đình".

Tôi như gần với Vân lúc bé hơn

Trong cuốn tự truyện "Lê Vân, yêu và sống", Lê Vân gọi nghệ sĩ ưu tú Lê Chức bằng một cái tên rất thân mật với nhiều tình cảm: Cậu bé.

Ông kể: "Chị Lê Mai tôi sinh Vân năm 1958, khi đó tôi theo mẹ là bà Đinh Ngọc Anh lên chăm chị ở 136 Quán Thánh.

Việc của tôi hàng ngày là ra chợ Đồng Xuân mua thịt bò, khoai tây, cà rốt để nấu súp cho chị. Sau đó đi ra Bách hóa Tràng Tiền xếp hàng mua đường".

Rất ít khi cả gia đình nhà họ Lê mới đông đủ thế này.

Sau này khi cả bố Trần Tiến và mẹ Lê Mai cùng đi đâu đó biểu diễn theo đoàn thì lại gửi Vân về Hải Phòng. Tôi cho cháu ngồi vào xe mây, đẩy ra đầu phố khi làm “Thiếu niên cờ đỏ”. Do đó mà tôi như gần với Vân lúc bé hơn.

Ở Hải Phòng, tôi mua sách về múa bằng tiếng Nga, Pháp cho Vân ngay từ những năm đầu Vân học khóa 7 để cháu có hình ảnh để xem và tập theo.

Trên cả màn ảnh phim truyện và sàn múa, Lê Vân đều có được một vị trí của mình ở một thứ hạng cao".

Sau này, "Cậu bé" của Lê Vân còn giúp cháu dọn vườn, nhặt lá, hái từng rổ ổi ở nhà Thụy Khuê. Khi Lê Vân theo nhà hát sang Máy-xcơ-va để đi Bê-la-rut biểu diễn, "cậu bé" lại được dịp đón cháu tại sân bay ngày giá lạnh, được đưa cháu ra cửa hàng để mua thực phẩm, trái cây, sữa chua...

Ông nói: "Tôi đáp ứng được sở nguyện của cháu là ăn gà không chặt, ăn cá thu không đầu, ăn táo không phải cắt, mua va li, mua đồ Nga cho Vân mang trở về Hà Nội, lúc đó là phích sắt nóng lạnh, bàn là, phim ảnh, thuốc..."

Khi chia sẻ về chuyện Lê Vân chia tay với nghề, ông nói: "Vân chia tay với nghề cũng vừa đúng lúc – cả về tuổi đời lẫn các điều kiện khác".

Khi sinh, Khanh không được 2 cân!

"Tôi nhớ là chị Lê Mai sinh cháu ở tình trạng thiếu tháng. Khanh lúc sinh không được đủ 2 cân! Mẹ cho vào cái làn to, ngoắc vào ghi đông xe đạp thiếu nhi Liên xô ngày đó để cùng đi làm tại Đoàn kịch Hà Nội!

Và cứ thế… Khanh lớn lên.

Nhớ ngày mẹ gửi Khanh còn bé xuống Hải Phòng, khi cháu phải uống thuốc, thì Khanh uống hết cốc nước đường mà cậu pha cho nhưng thuốc ở trong miệng vẫn còn, cháu nhè ngay ra và không “nuốt” nữa...".

Những kỷ niệm về Lê Khanh, cô cháu gái thứ hai, cứ thế ùa về trong đôi mắt xa xăm của cậu út khi chất giọng trầm ấm của ông như lắng xuống với bao cảm xúc.

Ông bảo, với Lê Khanh, ông còn là đồng nghiệp sân khấu. Hai cậu cháu đã diễn cùng nhau vở “Hoàng tử học nghề” của tác giả Tất Đạt, nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành đạo diễn khi Nhà hát Tuổi trẻ ngày đầu thành lập.

Lê Khanh lại thể hiện vai chính trong vở “Người con trai cả” của tác giả A.Vanpilov, khi ông về nước dựng vở thực tập tốt nghiệp năm 1985 tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Rồi hai cậu cháu lại cùng là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh và cậu út, nghệ sĩ ưu tú Lê Chức.

Ông bảo: "Gương mặt Khanh có nhiều nét đẹp của bà ngoại Đinh Ngọc Anh" (người đầu tiên thể hiện hình tượng Võ Thị Sáu, năm 1957 tại Đoàn kịch “Gió biển” Hải Phòng mà kịch bản và đạo diễn là kịch sĩ, nhà thơ Lê Đại Thanh, cũng chính là ông ngoại của ba người đẹp).

Ngồi ở phòng khán giả để xem Lê Khanh thể hiện Detđêmôna, NôRa, J’anĐa, rồi trong “Bến bờ xa lắc”, “Lời thề thứ 9”… thì không ai dám nghĩ đó là đứa bé mà mẹ sinh thiếu tháng năm 1963.

Theo Vietnamnet

 

 




Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang