Bí quyết chăm sóc để con trẻ không chán học sau kì nghỉ Tết

author 11:05 24/02/2016

(VietQ.vn) - Nếu tình trạng này không được giải quyết, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài và nhận thức của các con.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Không nên cho trẻ “thả phanh” hoàn toàn

Rất khó để cha mẹ có thể bắt con cái chú tâm vào chuyện học hành trong dịp nghỉ Tết, các bé sẽ biết đưa ra lí do để phản đối yêu cầu bắt học bài của mẹ. Trẻ mong đến tết hay nghỉ hè, chỉ vì chúng không phải vướng bận chuyện bài vở, do đó cha mẹ sẽ không thể nào bắt con ngồi yên một chỗ học bài được, hãy để các con vui chơi và phát triển theo đúng độ tuổi của mình.

Khi bắt đầu kỳ nghỉ, cha mẹ nên yêu cầu con dành hẳn một đến hai ngày đàu tiên để hoàn thành toàn bộ bài tập được giao về nhà và nên có thời gian biểu học và chơi cụ thể cho kỳ nghỉ dài cả tuần để bé không mải chơi mà quên nhiệm vụ chính của mình.

 cứ mỗi dịp Tết qua đi, nhiều phụ huynh và giáo viên phải đau đầu về vấn đề học hành của trẻCứ mỗi dịp Tết qua đi, nhiều phụ huynh và giáo viên phải đau đầu về vấn đề học hành của trẻ

Những ngày nghỉ có thể trẻ dành nhiều thời gian để chơi game hoặc xem tivi, hay đi chơi cùng bạn bè, bố mẹ cũng đừng cấm đoán bé quá, hãy cho bé thực sự được “tận hưởng” những ngày vui chơi thật thoải mái theo cách của con. Tuy nhiên, cái gì cũng nên có giới hạn, chẳng hạn như không nên để con ngồi quá lâu xem tivi, chơi game, hay thức khuya quá ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Cùng con chuẩn bị bài vở cho ngày học mới

Trong kỳ nghỉ, bố mẹ không nên quên nhắc nhở trẻ biết ngày nào phải quay lại trường học tập, tránh tình trạng ngày mai đi học thì tối muộn mới giục con học, điều này sẽ không đạt kết quả gì. Buổi tối cuối cùng của kỳ nghỉ, các bậc phụ huynh có thể đề nghị bé soát thời khóa biểu và kiểm ra xem con đã chuẩn bị tốt tất cả các môn chưa. Nếu bé có điều gì chưa rõ, cha mẹ nên giúp trẻ.

Làm mới góc học tập của trẻ với việc lau chùi cẩn thận bàn ghế, kê ngay ngắn gọn gàng, sắp xếp giá sách khoa học... cũng sẽ tạo không khí mới mẻ, sinh động, kích thích trẻ muốn ngồi vào bàn học và “chăm” ngồi vào bàn học hơn. 

Phá nếp

TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý – nguyên giảng viên khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, bình thường trẻ em đã vào nếp nhưng do nghỉ quá dài nên nếp cũ bị phá, tất cả những nỗi lo thường ngày của trẻ được nhường chỗ cho thời gian vui chơi. Trẻ thức khuya, dậy muộn, chán học. Trẻ được chơi đùa cùng gia đình, cùng bạn bè, được xem phim, chơi game… không phải lo làm bài tập, không phải lo bị cô giáo quở trách, không bị mẹ bắt ép học bài vào mỗi buổi tối. Vì vậy, cần lặp lại được tính kỉ luật trước đây.

sau Tết, thậm chí nhiều bé sẽ không mấy hứng thú khi trở lại trườngSau Tết, thậm chí nhiều bé sẽ không mấy hứng thú khi trở lại trường

Theo TS Lê Văn Hảo (Viện Tâm lý học Việt Nam), nghỉ Tết dài ngày, trẻ rất cần sự giám sát và tổ chức của gia đình. Nhiều bậc cha mẹ vì bận bịu hay nhiều lý do khác ít để ý đến điều này. Kết quả là trẻ được nghỉ theo cách hoàn toàn tự do. Kỳ nghỉ như vậy thường thiếu cấu trúc, giờ giấc ăn ngủ, sinh hoạt đảo lộn. Đặc biệt, trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều người cho là có phần quá tải. Vì thế cần phải cải thiện phương pháp giảng dạy thì cả học sinh và thầy cô giáo mới mong muốn có cơ hội được nghỉ những dịp như Tết và nhiều ngày lễ khác.

Không nên bắt trẻ học cường độ cao

Cũng theo TS Lê Văn Hảo, chẳng cứ riêng dịp Tết, nói chung khi được nghỉ dài, trẻ thường phải mất một ít thời gian mới lấy lại “phong độ” và “phong cách” cũng như hiệu quả học tập trước đây. Điều này cũng có thể đúng với cả người lớn. Tuy nhiên, với một số trẻ, nếu nghỉ ngơi lành mạnh, trẻ lại nhớ trường, nhớ bạn và muốn đến trường. Như thế nghỉ dài chưa chắc đã làm trẻ chán học mà có khi là ngược lại.

Để lấy lại “phong độ”, dù có thể bận, cha mẹ hay ông bà có thể cùng với con hay cháu lập kế hoạch, thống nhất một số qui ước về việc ngày lễ, Tết nên/cần được sử dụng ra sao, theo cách nào cho vui vẻ, thoải mái, hữu ích và mang tính giáo dục. Trong đó có thể đan xen ít nhiều thời gian, cơ hội ôn luyện chút ít các kiến thức, đặc biệt là kiến thức, kinh nghiệm xã hội theo một cách thức mới mẻ, vui thú mà chỉ ngày Tết mới có.

Có thể để trẻ tự chọn môn học bé ưa thích và cho con làm những bài tập dễ, sau đó mới đến các lĩnh vực khác. Nếu thấy trẻ không hào hứng lắm khi học ở nhà, các bậc phụ huynh có thể bắt đầu với trẻ bằng một cuốn truyện tranh, mở những bản nhạc mà trẻ thích hay gợi lại những niềm vui của trẻ trong dịp Tết vừa qua để lấy lại hứng thú.

Mỹ Linh (T/h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang