Bí quyết chăm sóc thận luôn khỏe mạnh

author 14:36 13/03/2015

(VietQ.vn) - Muốn phòng bệnh thận, nên giảm lượng muối ăn, uống đủ nước hàng ngày, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, theo dõi huyết áp và sống lành mạnh.

Thận là một trong những cơ quan rất quan trọng trong cơ thể con người

- Giữ cơ thể khỏe mạnh giúp làm giảm huyết áp và do đó khiến ta ít nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Hãy tham gia bất kỳ hoạt động thể chất nào theo sở thích như đi bộ, đạp xe, bơi lội... để duy trì sự năng động của cơ thể, giúp phòng tránh bệnh tật nói chung và bệnh thận nói riêng.

- Uống đủ nước mỗi ngày.

- Không hút thuốc.

- Một chế độ ăn uống cân bằng là một trong những cách đơn giản để giữ cho thận khỏe mạnh. Nên bổ sung những thực phẩm lành mạnh bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc và sữa ít béo để giúp thận có thể hoạt động bình thường, tăng khả năng lọc thải độc tố của thận. Bạn cũng nên cắt giảm bớt lượng muối trong khi chế biến thực phẩm. Bởi lượng khi ăn quá mặn, lượng muối dư thừa sẽ không được đào thải ra ngoài sẽ gây gánh nặng cho thận và sinh ra các bệnh huyết áp, tim mạch...

Bạn nên hạn chế các loại đồ lòng như gan, tim, cật... vì chúng chứa nhiều cholesterol không tốt cho tim mạch đồng thời lại chuyển hoá thành axit uric, nếu ăn nhiều và thường xuyên dễ có nguy cơ tạo sỏi urate, nhất là khi không uống đủ lượng nước.

- Kiểm soát lượng đường trong máu và thường xuyên kiểm tra chức năng thận để ngăn chặn tổn thương thận.

- Nếu huyết áp tăng cần đi khám bác sĩ để được tư vấn, điều trị bệnh và thường xuyên theo dõi huyết áp.

- Không tự dùng thuốc điều trị. Một số thuốc gây tổn thương thận hoặc bệnh thận nếu dùng thường xuyên. Cần thông báo với bác sĩ về tình trạng thận của mình và luôn tuân thủ điều trị theo toa của bác sĩ.

- Tập thể dục bảo vệ sức khỏe của bạn theo nhiều cách. Tập thể dục cũng có thể thúc đẩy thận khỏe mạnh vì vậy bạn cần đưa 30 phút tập thể dục vào thói quen của bạn mỗi ngày. Một tin tốt là bạn không cần thiết phải tập liên tục trong 30 phút . Tập thể dục 10 phút/lần và một vài lần trong ngày cũng là một ý tưởng tuyệt vời.

Bác sĩ CKII Tạ Phương Dung, Trưởng Khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ tại buổi kỷ niệm ngày Thận thế giới 12/3, các bệnh lý tiểu đường, cao huyết áp chính là yếu tố nguy cơ gây bệnh thận. Khoảng một nửa người bệnh tiểu đường có diễn biến tổn thương thận. 

"Nhiều người biết huyết áp cao có thể dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim, song ít ai nghĩ đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương thận", bác sĩ Phương Dung phân tích.

Theo bác sĩ Phương Dung, nhiều bệnh không phải tại thận nhưng có triệu chứng tương tự bệnh thận khiến dễ nhầm, như đau cột sống, bệnh cơ quan sinh dục… Trong khi đó bệnh nhân thận lại có thể có nhiều triệu chứng khiến không nghĩ đến bệnh tại thận. Bệnh thận gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể. Đây là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tim mạch, suy tim và đột quỵ, tăng huyết áp, loãng xương, thiếu máu, tổn thương thần kinh... 

"Không nên chờ khi có triệu chứng bệnh mới đến khám mà cần chủ động tìm bệnh thận trên người có nguy cơ cao", bác sĩ Dung cảnh báoCần nghĩ ngay đến bệnh thận khi có các triệu chứng như phù toàn thân, rối loạn đi tiểu, tiểu nhiều, tiểu ít, không tiểu, thay đổi màu sắc nước tiểu như tiểu máu, tiểu đục, đau vùng hông lưng...

Long Nguyễn(T/h)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang