Chăn nuôi lợn năng suất cao với mô hình trang trại ‘miễn nhiễm’ dịch bệnh

author 16:25 14/04/2015

(VietQ.vn) - Gần chục năm chăn nuôi, với quy mô trang trại lợn nái hàng trăm con, trang trại của ông Ngô Văn Tiếp (xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) chưa một lần nào bị dịch bệnh xâm nhập và nơi đây được coi là một trong những trang trại lợn điển hình nhất miền Bắc.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Nam, đi dọc theo đường Chợ Vài là thôn Ái Nàng, xã An Phú, Mỹ Đức sẽ đến trang trại nuôi lợn của ông Ngô Văn Tiếp nằm khá xa khu dân cư, nơi trước đây được xem là bãi đất trống, có đầm lầy hoang hóa. Nhưng kể từ khi ông trực tiếp thầu khu đất này của địa phương, ông đã mạnh dạn đầu tư vào đó một hệ thống đường giao thông và các cơ sở hạ tầng khác.

Chia sẻ với báo Dân Việt về vấn đề vệ sinh thý y cho lợn, ông Tiếp đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh của lợn: thứ nhất là do thời tiết quá nóng, quá lạnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột; hai là yếu tố vận chuyển đường dài, thay đổi chuồng trại và môi trường nuôi; ba là nuôi, nhốt quá chật hoặc nhốt chung với gia súc khác; bốn là thay đổi về sinh lý theo giai đoạn phát triển của cơ thể, năm là do lượng thức ăn không đầy đủ hoặc không đảm bảo chất lượng; sáu là do nước uống không đủ, không đảm bảo vệ sinh hoặc do ký sinh trùng sống ký sinh bên ngoài (ruồi, ve, ghẻ,…), hoặc bên trong cơ thể (giun, sán), vi trùng, virut có hại, xâm nhập vào cơ thể gia súc.

trang trại của ông Ngô Văn Tiếp (xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) chưa một lần nào bị dịch bệnh xâm nhập

Trang trại nuôi lợn của ông Ngô Văn Tiếp (xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) chưa một lần nào bị dịch bệnh xâm nhập. Ảnh Dân Việt

Để có trang trại nuôi lợn miễn nhiễm với dịch bệnh, ông Tiếp đã tỉ mỉ từ khâu chọn giống. Sở dĩ, trang trại của ông chọn giống lợn Landrace để kinh doanh là vì giống lợn này được coi là giống lợn tốt nhất trên thế giới hiện nay và được nuôi rất phổ biến ở nhiều nơi. Lợn Landerace có khả năng sinh sản cao, mắn đẻ và đẻ nhiều. Trung bình đạt 2 - 2,5 lứa/năm. Mỗi lứa đẻ 10 -12 con, trọng lượng sơ sinh trung bình đạt 1,2 – 1,3 kg, trọng lượng cai sữa từ 12 – 15 kg.

Trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc theo quy trình khép kín của ông Ngô Văn Tiếp được xây dựng và quản lý một cách khoa học. Khu chuồng lợn được xây dựng cạnh hồ nước rộng khoảng 4 ha, không khí xung quanh trong lành, yên tĩnh, thông thoáng đủ ảnh sáng và được chia làm ba khu riêng biệt gồm: Khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản (trong đó có chuồng dành riêng cho lợn đẻ); khu chuồng chăn nuôi lợn mang bầu rộng và khu chuồng chăn nuôi mới nhập được cách ly riêng biệt với các chuồng khác. Ngoài ra, các khu chuồng thường xuyên được quét dọn, tẩy uế, khử trùng,…

Phân, rác và chất thải trong chuồng cần được thu gom thường xuyên, đưa ra chỗ tập trung riêng để giữ chuồng luôn sạch sẽ. Có thể ủ phân bằng phương pháp ủ phân vi sinh vật, xử lý phân và nước thải bằng hệ thống biogas. Hạn chế người và vật lạ vào khu vực chăn nuôi để tránh mầm bệnh từ khu vực khác vào khu vực chăn nuôi.

Ông Tiếp thường xuyên sử dụng ánh nắng mặt trời để phơi máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi hoặc dùng nước sôi để khử trùng máng ăn, máng uống. Đồng thời  luôn chú trọng tới việc rắc vôi bột hoặc quét nước vôi pha loãng (cứ 2kg vôi tôi thì sủ dụng 10 lít nước) ở xung quanh và bên trong chuồng nuôi, để 3-5 ngày rồi quét dọn và rửa lại rồi mới cho lợn vào.

Thực tế hiện nay, trang trại chăn nuôi heo của anh Tiếp đã có quy mô khoa học và lớn nhất trong hộ chăn nuôi heo ở Mỹ Đức

Thực tế hiện nay, trang trại chăn nuôi lợn của ông Tiếp đã có quy mô khoa học và lớn nhất trong hộ chăn nuôi heo ở Mỹ Đức

Các loại thức ăn thô xanh luôn được rửa sạch sẽ trước khi cho lợn ăn, ông bao giờ không sử dụng thức ăn bị ôi, thiu, mốc, cũng như đảm bảo không cho lợn ăn thức ăn không rõ nguồn gốc hoặc đã quá hạn sử dụng. Ông Tiếp cho biết, nê cho lợn nước uống sạch, không dùng nước đục, nước ao hồ tù đọng hoặc nước giếng có hàm lượng sắt cao.

Ông khuyến cáo, khi phát hiện lợn ốm, cần ngay lập tức cách ly lợn ốm ngay để theo dõi. Nếu lợn chết, cần đưa lợn ra khỏi chuồng nuôi và báo cán bộ thú y đến để có biện pháp xử lý thích hợp. Tăng cường các biện pháp vệ sinh và sát trùng chuồng trại. Tuyệt đối không thả rông lợn, không bán chạy lợn ốm, không mổ lợn ốm gần khu vực chăn nuôi và không cho lợn và gia súc khác ăn các phụ phẩm của lợn bị bệnh. Đồng thời, hạn chế đi lại hoặc vận chuyển các vật dụng, dụng cụ chưa được tẩy uế sát trùng từ các chuồng trại khu vực có lợn ốm đến khu vực lợn khỏe.

Nhờ có chiến dịch phòng bệnh hơn chữa bệnh mà đến thời điểm hiện tại sau nhiều năm chăn nuôi, trang trại của ông Tiếp chưa một lần nào bị dịch bệnh xâm nhập. Thực tế hiện nay, trang trại chăn nuôi heo của ông Tiếp đã có quy mô khoa học và lớn nhất trong hộ chăn nuôi heo ở Mỹ Đức, trang trại của ông đạt năng suất cũng như chất lượng lợn cao.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang