Bí quyết dạy con thông minh từ trong bụng mẹ

author 07:08 25/10/2014

(VietQ.vn) - Bụng mẹ chính là thế giới đầu tiên của con và những kích thích từ bên ngoài như vuốt ve qua bụng, âm nhạc du dương,… cũng có thể giúp bé trở nên thông minh

Theo các chuyên gia thai sản, mẹ có thể dạy con từ lúc còn là thai nhi. Vì thế khái niệm "thai giáo" ra đời để chỉ quá trình giáo dục, điều chỉnh hoàn cảnh trong và ngoài cơ thể mẹ giúp bé phát triển thể chất và tinh thần bằng các biện pháp thích hợp. Đôi khi mẹ sẽ cảm thấy mình trở nên buồn cười khi "độc thoại" liên tục nhưng điều đó là thật sự cần thiết.

Giúp con phát triển trí thông minh và tăng cường thị giác

Mẹ cũng có thể tắm nắng 15-20 phút mỗi ngày để con được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, trong suốt thai kỳ, mẹ cần bổ sung 150-200mg DHA mỗi ngày, để cải thiện chức năng võng mạc

Các nhà khoa học đã chứng minh cùng sự phát triển và hoàn thiện của các giác quan khác như thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, kích thích thị giác chính là cách giúp bé cải thiện trí thông minh và phát triển não bộ toàn diện.

Dạy con giao tiếp bằng ngôn ngữ

dạy con thông minh

Nói chuyện, thủ thỉ... với con thường xuyên là cách dạy con giúp hoàn thiện não bộ thai nhi và trở nên thông minh. Ảnh minh họa

Từ tháng thứ 3, hãy cho bé làm quen với ngôn ngữ bằng cách trò chuyện với con thường xuyên. Đặc biệt, nếu có sự tham gia của bố, thai giáo sẽ càng hiệu quả. Bố có thể vừa ấn nhẹ vào bụng vừa nói: “Bé ơi, bố đây”, con sẽ đạp chân trả lời. Một nghiên cứu khoa học tại Mỹ đã chứng minh khi thực hiện bài tập thai giáo này, bé sẽ phát triển ngôn ngữ sớm hơn sau khi sinh. Cùng các tác động thông minh, chăm sóc dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển và hoàn thiện não bộ của thai nhi, đồng thời giúp mẹ và bé có một cơ thể khoẻ mạnh.

Thư giãn tối đa

Khi bị stress, người khỏe mạnh đã khó để vượt qua huống hồ là các bà mẹ đang trong thời kỳ thay đổi nội tiết, ốm nghén, áp lực công việc… Nhưng tất cả rồi sẽ đâu vào đấy nếu là một mẹ bầu thông minh. Người mẹ hãy biết cân đối và giải quyết công việc thật khoa học.

Do thay đổi về nội tiết, mẹ bầu sẽ có những trạng thái tâm lý hơi khác thường: có lúc nóng giận, có lúc lại hưng phấn vui vẻ nhưng ngay sau đấy lại u uất, buồn bực…
Sống điều độ là cách giúp cơ thể khỏe mạnh, hãy ngủ sớm, đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý.

Lưu ý rằng sự căng thẳng của người mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Trong khoảng thời gian này, em bé hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ không chỉ về thể chất mà còn về tâm lý, tình cảm. Khi nằm trong bụng, cảm xúc của bé cũng mỏng manh như thể chất của bé.

Để em bé có một tinh thần tốt, không hoang mang, hoảng sợ, trong thời gian mang bầu, cha mẹ cần sống tình cảm và tránh cãi vã. Khi được nghe những lời nói nhẹ nhàng và cử chỉ âu yếm của chồng sẽ giúp người vợ thoải mái tâm lý, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, dù thế nào, bà bầu cũng nên kiểm soát bản thân và giữ một trạng thái tâm lý thoải mái nhất.

Kích thích khả năng vận động của thai nhi

dạy con thông minh

Không chỉ tập những bài tập được thiết kế riêng, các mẹ bầu cũng nên kích thích vận động cho bé. Ảnh minh họa

Khoảng tuần lễ 20 của thai kỳ, mẹ có thể kích thích cho bé vận động bằng cách dùng đầu các ngón tay ấn nhẹ vào bụng ở các vị trí khác nhau ta sẽ thấy bé đạp phản ứng lại.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống của mẹ cũng ảnh hưởng đến sự vận động của bé. Nhà khoa học người New Zealand, Ebert chứng minh nếu mẹ ăn quá nhiều dầu mỡ, làm thay đổi nồng độ chất béo trong nước ối, thai nhi sẽ có biểu hiện bất an với nhiều cựa quậy bất thường.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống trong thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu mà còn tác động rất lớn đến thai nhi. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng với nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng và phát triển của thai nhi, giúp em bé luôn khỏe mạnh và duy trì thói quen “ăn ngon, ngủ kỹ” ngay từ trong bụng mẹ. Theo các nhà nghiên cứu, thời gian phù hợp để mẹ bầu “nạp năng lượng” là 7 – 8h (ăn sáng), 12 – 13h (ăn trưa) và 18 – 19h (ăn tối).

Mẹ bầu cần đảm bảo ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, không được bỏ bữa cũng như ghép bữa, không thể lấy lí do bận việc mà chỉ ăn uống qua loa. Ngoài ra, tốt nhất mẹ bầu không nên có thói quen ăn đêm. 

Về cách chế biến, chú ý giữ được hương vị thuần chất và độ tươi ngon của thực phẩm, nên hầm, hấp nhiều hơn là chiên, nướng. Cũng không nên sử dụng quá nhiều gia vị tẩm ướp vì dễ làm thay đổi hương vị ban đầu của thực phẩm. 

Tập thể dục

Các bài tập tập thể dục có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể của mẹ bầu, bên cạnh đó còn giúp lưu thông máu, hỗ trợ chức năng tim, phổi, tiêu hóa. Vì vậy, thai phụ nào thường xuyên tập thể dục sẽ luôn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Các mẹ nên tập các bài tập thể dục được thiết kế riêng cho phụ nữ mang thai, các hoạt động ngoài trời như hít thở không khí trong lành, đi dạo…

Một số môn thể thao như điền kinh, lặn, cưỡi ngựa, trượt tuyết… không những quá sức mà còn có thể khiến mẹ bầu bị thương. Vì thế, trong thai kì, dù yêu thích cỡ nào, mẹ bầu cũng nên tránh xa các môn thể thao này và những hình thức vận động gây mệt mỏi, căng thẳng. 

Nguyễn Huyền

 (tổng hợp từ Vnexpress, Megafun, aFamily)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang