Bí quyết làm giàu của chàng trai trẻ bỏ Nhật Bản về Việt Nam... trồng rau

authorThu Thảo 17:35 07/11/2016

(VietQ.vn) - Hải Thiên (33 tuổi) sau nhiều năm sống, học tập, làm việc ở tập đoàn xây dựng danh tiếng Nhật Bản, đã quyết định về VN trồng rau sạch để làm giàu.

Bỏ Nhật Bản về Việt Nam... trồng rau

Báo Thanh niên có đưa tin về  thương hiệu nông sản rất lạ: Pihka. Huỳnh Hải Thiên (33 tuổi), một trong “3 anh nông dân Pihka”, cho biết cái tên này thể hiện ý chí và quyết tâm “khởi nghiệp” bằng nông nghiệp sạch của nhóm.
Pihka được ghép bởi 5 chữ cái đầu của: patience (kiên nhẫn), intelligent (thông minh), health (sức khỏe), kind (tử tế) và achievement (thành tựu). “Pihka phát âm theo tiếng Nhật còn có nghĩa là “lóe sáng”. Chúng tôi cùng tin rằng sản phẩm sạch mà chúng tôi xây dựng bằng tâm huyết thực sự sẽ là điểm sáng trong bức tranh nông sản hiện tại, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin”, Thiên lý giải về thương hiệu của mình.
Hải Thiên sau nhiều năm sống, học tập và làm việc ở tập đoàn xây dựng danh tiếng Nhật Bản Tokyu Land, đã quyết định về Việt Nam trồng rau sạch. Quyết định này của Thiên không phải ai cũng có thể chấp nhận được, nhất là những người thân.
Nhưng “người trong cuộc” chia sẻ: “Tôi làm xây dựng ở Nhật, được đi nhiều qua những vùng nông trại xanh, sạch và hiện đại, thấy người Nhật an tâm sử dụng nông sản do chính tay mình trồng ra. Tôi thực sự bị mê hoặc bởi một nền nông nghiệp “xanh, sạch, an toàn, hiện đại” và muốn những người thân của mình cũng được sống, thụ hưởng thực phẩm an lành như vậy”.
Ngay khi viết xong dự án rau an toàn tiêu thụ trong ngày, Thiên bắt đầu đi tìm cộng sự và gặp Trần Khắc Hạnh (34 tuổi), Trần Văn Bảy (40 tuổi). Anh Hạnh là kỹ sư nông nghiệp, còn anh Bảy là “một người nông dân thực thụ” với đầy đủ kiến thức nhà nông.
“Ba chúng tôi xác lập một thế kiềng 3 chân gồm nhà nông, người kinh doanh, người cung cấp kỹ thuật và khởi nghiệp bằng niềm tin sẽ đưa nông sản sạch đến tận tay người dùng chỉ trong 1 ngày”, anh Hạnh vui vẻ cho biết.
 
Làm giàu bằng cách trồng rau sạch là ước mơ ấp ủ bấy lâu của ba chàng trai

 Làm giàu bằng cách trồng rau sạch là ước mơ ấp ủ bấy lâu của ba chàng trai

Đặt mục tiêu cung ứng rau sạch trong ngày cho người tiêu dùng, 3 anh nông dân bắt đầu bằng những loại rau củ truyền thống, sản xuất gối đầu trên diện tích gần 4 ha mà nhóm thuê được ở thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương, H.Hòa Vang) - một trong những vùng quy hoạch rau sạch của Đà Nẵng.

Cứ cuối ngày, anh Hạnh có nhiệm vụ cập nhật đơn hàng cần giao của ngày hôm sau và chuyển cho bộ phận thu hoạch do anh Bảy phụ trách. Căn cứ đơn hàng, vào sáng sớm, tổ thu hoạch (nhóm 5 người dân địa phương tham gia lao động thời vụ) thu hoạch nông sản tươi mang đi giao tận tay người mua, để họ được ăn nông sản sạch trồng ngay tại địa phương.

“Vì công việc mới bắt đầu, diện tích canh tác còn nhỏ nên tôi kiêm luôn nhiệm vụ ship sản phẩm, đương nhiên cực hơn làm xây dựng ở Nhật nhiều. Nhưng khi mang nông sản tươi ngon, giữ nguyên vi chất dinh dưỡng trao đến tận tay người dùng, thấy dự án khởi động trơn tru, tôi tin mình đã đi đúng hướng. Nông sản thu hoạch và tiêu thụ trong ngày, không qua tay trung gian phun tẩm bảo quản chính là tiêu chí hoạt động của Pihka. Hiện mỗi ngày chúng tôi giao khoảng 400 kg sản phẩm đến tay người tiêu dùng”, Thiên tâm sự.

Hoài bão làm giàu của 3 chàng trai

Với ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ những sản phẩm thiết thực cho người tiêu dùng, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và có công việc ổn định tại Nhật Bản, Huỳnh Hải Thiên quyết định quay về Đà Nẵng tìm một hướng đi để có thể “làm chủ”. Tháng 1/2016, Thiên bắt tay vào viết dự án sản xuất rau an toàn và đem đi thuyết trình ở nhiều hội thảo.

Thiên nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị về dự án này và anh bắt đầu đi tìm kiếm thị trường cũng như các đối tác để thực hiện. Trong quá trình đó, anh gặp Trần Khắc Hạnh - lúc này đang là chủ của hai cơ sở phân phối giống, vật tư nông nghiệp.

Thiên đem ý tưởng rau an toàn ra trình bày và nhận được sự hưởng ứng từ anh Hạnh. Tiếp đó, anh Thiên và anh Hạnh trong quá trình đi tìm vùng đất mới để trồng rau an toàn lại gặp anh Trần Văn Bảy, một nông dân cũng vừa từ bỏ nghề cầm bút để về quê làm nông dân. Họ cùng bắt tay khởi nghiệp từ cuối tháng 3-2016, cả ba người, mỗi người phụ trách một lĩnh vực khác nhau: anh Thiên kinh doanh, anh Hạnh làm kỹ thuật và anh Bảy sản xuất.

Điểm khác biệt giữa dự án rau an toàn của ba chàng thanh niên này với những dự án rau an toàn khác có lẽ chính ba con người ở ba chuyên ngành khác nhau đã chung một ý tưởng và mong muốn đem đến một sản phẩm an toàn cho thị trường, vực dậy nền kinh tế nông nghiệp cho địa phương.

Giấc mơ làm giàu chân chính của 3 chàng trai dần được hiện thực hóa

 Giấc mơ làm giàu chân chính của 3 chàng trai dần được hiện thực hóa.

 Anh Hạnh cho biết, vốn là “dân” kỹ thuật, anh đã đi rất nhiều nơi khác nhau, nhận thấy bà con nông dân vất vả quá mà thu nhập không bao nhiêu nên anh muốn làm một cái gì đó để trước hết là giúp bản thân mình vững vàng kinh tế, sau giúp bà con bớt khổ, bớt chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Cùng chung suy nghĩ, anh Bảy cho biết, xã Hòa Khương là mảnh đất có tiềm năng để phát triển nông nghiệp với những sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, nông dân lại không mạnh dạn làm bởi họ lo sợ không có đầu ra cho sản phẩm và kỹ thuật chăm sóc không đúng quy trình. Vậy nên anh từ bỏ công việc của mình để về khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Ngủ 3 tiếng/ngày để có những “trái ngọt” đầu tiên

Chia sẻ trải nghiệm của mình với báo Đà Nẵng, ba chàng trai cho biết khởi nghiệp từ cuối tháng 3, đến nay, sau gần 5 tháng trồng thử nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà, mô hình rau an toàn của ba thanh niên đã cho “trái ngọt”.

Tại khu sản xuất rau quả an toàn của họ tại thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) vào một buổi chiều muộn, anh Bảy hướng dẫn những nông dân cắt rau, hái quả để rửa và đóng sản phẩm, anh Hạnh kiểm tra lại các kỹ thuật đảm bảo quy trình, còn anh Thiên bốc xếp sản phẩm lên xe chuẩn bị đưa đi phân phối.

Khu sản xuất trĩu quả mướp, bí xanh, dưa chuột… xen lẫn bên dưới là những luống rau khoai, dền, sam, muống… xanh ngát. Luống này cắt đi, luống kia tiếp tục cho ra rau mới, cứ thế gối đầu nhau để ngày nào cũng có rau an toàn đưa ra thị trường. Các anh cho biết, việc bán hàng khởi động từ đầu tháng 8 nhưng khách hàng đã biết đến và đặt hàng ngày càng nhiều.

“Những ngày này, chúng tôi phải “vặn hết công suất” để phục vụ khách hàng bởi sản phẩm của mình mới tung ra thị trường nên rất cần sự uy tín và chất lượng. Anh em vì thế có ngày ngủ 3-4 tiếng đồng hồ là chuyện bình thường nhưng ai cũng vui vẻ và hăng say”, anh Hạnh cho biết thêm.

Theo kế hoạch sản xuất của Công ty CP Pihka, trước mắt, công ty trồng thử nghiệm để xác định kỹ thuật, quy trình trồng và hiệu quả kinh tế. Hiện, công ty đầu tư theo vùng và từng bước hoàn thiện các khâu trồng, chăm sóc, phân phối sản phẩm.

Tiếp đến, sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư thêm diện tích trồng rau để có thể đáp ứng thị trường tiêu dùng các tỉnh miền Trung, trong nước và xuất khẩu. Khách hàng theo đó có thể đặt hàng trực tuyến hoặc điện thoại, công ty sẽ chuẩn bị sản phẩm giao hàng đến tận nơi. Anh Thiên cho biết thêm, công ty đang hướng đến phân khúc thị trường cho những người sử dụng Internet và người nước ngoài sống tại Đà Nẵng, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, sau khi đã ổn định sẽ mở rộng hướng đến xuất khẩu.

Bằng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến, sản phẩm được trồng trong nhà lưới, tưới theo phương pháp thủy canh…, các chàng trai hy vọng những sản phẩm rau quả của họ sẽ an toàn cho người sử dụng từ vườn đến bếp ăn, không qua trung gian và vì thế cũng không ai có thể làm giả được thương hiệu rau quả Pihka.

Theo tính toán, 3 thanh niên sẽ mất khoảng 1,5 năm đầu tư ban đầu cho dự án. Hiện nay, công ty đã giải quyết cho 8 lao động có thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng. Giấc mơ làm giàu của ba chàng trai đã dần được hiện thực hóa. 

Thu Thảo (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang