Bí quyết thành công của kinh tế Đức

author 23:08 21/10/2013

(VietQ.vn) - Bất chấp khủng hoảng nợ công Châu Âu, kinh tế Đức vẫn tăng trưởng đều đặn, tạo thêm nhiều việc làm và làm đầy thêm ngân khố quốc gia.

 

german economy

Vậy bí quyết nào đã làm cho “mô hình Đức” hoạt động hữu hiệu đến như vậy?

“Nền kinh tế thị trường mang tính xã hội”

Đã thành quy luật, hệ thống kinh tế là rất quan trọng đối với sự thành công của một nền kinh tế. Ở Đức, hệ thống này là “nền kinh tế thị trường mang tính xã hội”: một mặt dựa trên sự cạnh tranh tư bản chủ nghĩa, nhưng mặt khác nó vẫn cho phép nhà nước có công cụ điều chỉnh xã hội.

“Nền kinh tế thị trường mang tính xã hội” này có nguồn gốc từ thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, “Thủ tướng sắt” Bismarck đã ban hành luật xã hội, tạo ra các chương trình hưu trí và chăm sóc sức khỏe... dựa trên nguyên tắc cân bằng: một nửa do những người làm công và nửa kia do giới chủ đóng góp.

Nguyên tắc này hiện vẫn còn là trọng tâm của luật xã hội Đức. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, luật xã hội mở rộng bổ sung thêm chính sách gia đình, phúc lợi xã hội và nhiều biện pháp khác. Ngoài ra, “nền kinh tế thị trường mang tính xã hội” của Đức còn bao gồm các nguyên tắc tự chủ thuế quan. Điều đó có nghĩa các nghiệp đoàn và giới chủ sử dụng lao động thương lượng lương với nhau mà không có sự can thiệp của nhà nước.

Cải cách thị trường lao động

Quan hệ đối tác giữa công đoàn và người sử dụng lao động trong vài thập kỷ qua đã dẫn đến một thực tế là ít có các cuộc đình công và đây là một điểm sáng nữa của nền kinh tế của Đức. Vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao kỷ lục ở tất cả các nước xung quanh, một phép lạ về thị trường lao động đã xuất hiện ở Đức.

Hiện thời, nước Đức có 42 triệu người có việc làm, nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Một phần của sự thành công này là nhờ Chương trình nghị sự 2010 (Agenda 2010), một chương trình cải cách thị trường lao động được ban hành cách đây 10 năm.

Giáo sư Uli Bruckner của Đại học Stanford nói cải cách thị trường lao động là chìa khóa dẫn đến thành công ở Đức. Ông nói: “Một phần quan trọng của Agenda 2010 là việc tạo ra một khu vực có mức lương thấp, bãi bỏ quy định và linh hoạt hóa thị trường việc làm. Điều đó tạo ra thêm nhiều chỗ làm việc, nhưng cũng tạo ra nhiều việc làm bị trả lương thấp”.

Các chính phủ Đức sau năm 2013 đều cố loại bỏ một số hậu quả tiêu cực của cải cách này và đó là những sự điều chỉnh nhỏ.

Giáo sư Bruckner nói với DW: “Nước Đức có một sự đồng thuận xã hội… Hệ thống chính trị của Đức giống như hệ thống bánh răng của hộp số và các tổ chức liên kết với nhau trong khuôn khổ pháp lý”.

Trong khi các bánh răng chính trị đôi khi vẫn còn vênh nhau, các bánh răng kỹ thuật ở Đức lại rất hoàn hảo. Mỗi năm, nước Đức có khoảng 100.000 kỹ sư và các nhà khoa học mới ra trường và gia nhập thị trường lao động. Đó là lực lượng lao động trẻ được đào tạo trong một nền giáo dục có đẳng cấp cao nhất bao gồm 200 trường và khoa kỹ thuật của các trường đại học ở nước Đức.

Thêm vào đó, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề cũng góp phần đáng kể vào năng suất cao của nước Đức.  Đây là kết quả của hệ thống giáo dục kép, có nguồn gốc nằm trong các nghề thủ công thời trung cổ và hệ thống các trường dạy. Thông qua hệ thống này, các lao động trẻ của nước Đức được trang bị kiến thức cơ bản cần thiết và có tay nghề cao.  

Điều này cung cấp cho nền kinh tế Đức với một nguồn cung công nhân lành nghề đáng tin cậy và các công ty cỡ vừa hưởng lợi nhiều nhất. Theo định nghĩa, các công ty cỡ vừa không tuyển dụng quá 500 lao động và là “xương sống của nền kinh tế Đức”. Các công ty cỡ vừa  chiếm 99% trong tổng số khoảng 3 triệu công ty ở Đức. Hầu hết các công ty cỡ vừa thuộc về sở hữu gia đình.

Hầu hết các công ty gia đình ở Đức đều có dự trữ vốn khá dồi dào và do đó, không bị thả nổi trên thị trường chứng khoán. Các công ty gia đình theo đuổi kế hoạch dài hạn, không vội vàng mở rộng qui mô sản xuất.

 "Made in Germany"  

 Việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao hiện không còn đủ để cạnh tranh với các nền kinh tế có mặt bằng lương thấp ở Châu Á. Các sản phẩm "Made in Germany" hiện bao gồm một số dịch vụ bổ sung. Một công ty bây giờ không chỉ bán máy móc mà còn lắp đặt, đào tạo nhân viên vận hành của bên mua và cung cấp một dịch vụ sửa chữa 24/24 giờ.  

Một đảm bảo cho sự thành công của “mô hình Đức” là công nghệ tiên tiến. Nước Đức buộc phải sáng tạo, bởi vì nước này không có nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể. Hiện có 11% lực lượng lao động Đức làm việc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, cao hơn tỷ lệ trung bình của Liên minh Châu Âu (EU).

Mỗi năm, nước Đức chi khoảng 70 tỷ euro cho nghiên cứu & phát triển, nhiều hơn mọi quốc gia ở Châu Âu. Chính phủ Đức tài trợ cho một mạng lưới các viện nghiên cứu như Viện Max-Planck và Viện Fraunhofer. Các viện này được rải đều trên khắp cả nước và đang phối hợp với các ngành công nghiệp chuẩn bị sản phẩm tương lai.

Ngoài việc chú trọng đến nghiên cứu & phát triển, nước Đức còn có cơ sở hạ tầng khá hoàn hảo. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới lại có mạng lưới năng lượng, viễn thông, đường bộ, đường sắt…tốt như nước Đức.  

Không những thế, nước Đức lại có khí hậu ôn hòa, ít phải chịu những đợt nắng nóng hoặc lốc xoáy có thể tạo ra những cú sốc cho hệ thống. Khí hậu ôn hòa cũng là một điều kiện mang lại thêm lợi thế cạnh tranh của kinh tế Đức đối với các nước Châu Âu và trên thế giới. 

Lê Chân (theo Deutsche Welle)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang