Bí thư, chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước: Đâu chỉ là 'con ông, cháu cha'!

author 15:21 22/04/2016

(VietQ.vn) - Việc đầu tiên khi nghe đến tên của các vị lãnh đạo trẻ nhất nước, một số người thường hay quan tâm xem họ là con ai, cháu ai.

Dường như đó đã thành thói quen của một bộ phận công chúng mỗi khi báo chí truyền thông giới thiệu việc bổ nhiệm một vị lãnh đạo cấp cao nào đó khi tuổi đời còn khá trẻ.

Nhớ thời điểm ngày 16/10/2015, khi ông Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020 khi mới vừa tròn 39 tuổi, cũng là vị Bí thư Thành ủy trẻ nhất Việt Nam. Ngay lập tức, dư luận đã đặc biệt chú ý tới chi tiết ông Xuân Anh là con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi. Ít ai quan tâm, dù sinh năm 1976 nhưng thời điểm đó ông Xuân Anh đã là Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh.

Ít ai biết rằng, để được Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng khóa 21 tín nhiệm bầu vào vị trí quan trọng này, trước đó ông Nguyễn Xuân Anh đã từng khởi nghiệp từ vị trí một cán bộ bình thường tại báo Thanh Niên, rồi làm Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng. Ông đã kinh qua và làm tốt vai trò của mình ở những vị trí nhỏ nhất trước khi trở thành người đứng đầu của một thành phố trực thuộc Trung ương.

Tương tự, khi ông Nguyễn Thanh Nghị (SN 1976) được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây Dựng vào cuối năm 2011 và trở thành thứ trưởng đương nhiệm trẻ nhất Việt Nam thì một bộ phận dư luận nhanh chóng kết luận rằng, ông Nghị có thể thăng tiến nhanh như vậy bởi ông chính là con trai của đương kim Thủ tướng thời điểm đó.

Từ trái qua phải: Ông Đặng Quốc Khánh, ông Nguyễn Thanh Nghị và ông Nguyễn Xuân Anh

Không mấy ai trong một bộ phận dư luận có cái nhìn rất phiến diện đó chịu khó đọc kỹ tiểu sử của ông Nghị để thấy rằng ông từng tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP HCM. Năm 2006, ông bảo vệ luận án tiến sĩ Khoa học Kỹ thuật Xây dựng ở ĐH George Washington (Mỹ) rồi về trường giảng dạy. Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng ĐH Kiến trúc TP HCM.

Tại Đại hội Đảng XI (tháng 1/2011), ông Nghị được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Trả lời báo chí khi đó, ông khẳng định, thành công của mình nhờ truyền thống gia đình và nỗ lực của bản thân.

Tháng 3/2014, ông Nghị được luân chuyển về làm Phó bí thư tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Ngày 17/10/2015, Ban tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015-2020) công bố kết quả bầu ông Nguyễn Thanh Nghị giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.

Cùng với ông Nguyễn Xuân Anh, ông Nguyễn Thanh Nghị cũng là Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất Việt Nam.

Gần đây nhất, khi ông Đặng Quốc Khánh (SN 1976, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vào sáng 21/4/2016, trở thành chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước, thì dư luận cũng nhanh chóng nhận ra ông là con trai của ông Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 1996-2005. Một số người cũng chẳng để ý dù tuổi trẻ nhưng hiện tại ông Khánh đã là tiến sĩ chuyên ngành Quản lý đô thị và công trình.

Có thể nói, hoàn cảnh xuất thân, truyền thống gia đình là một nền tảng vững chắc để mỗi con người phát triển thành đạt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tận dụng những thế mạnh đó để đi đến thành công. Việt Nam có cả nghìn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp nhưng không nhiều người trong số đó có con, cháu chuyên tâm học tập, phấn đấu rèn luyện để trở thành những lãnh đạo trẻ như các ông Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Xuân Anh hay Đặng Quốc Khánh.

Bởi vậy, khi đọc báo chí thấy có tin về một lãnh đạo cao cấp trẻ tuổi nào đó mới được bổ nhiệm, đừng vội truy tìm xem họ là con ông nào, cháu ông nào mà hãy nhìn vào bảng thành tích học tập, rèn luyện của họ để xem họ có đúng là “hiền tài” hay không? Bởi “hiền tài là nguyên khí Quốc gia”, nếu họ thực sự là “hiền tài” thì việc họ là con ai, cháu ai hẳn sẽ chẳng còn quan trọng nữa!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Quang Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang