Bí thư TP HCM Đinh La Thăng: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi đơn vị có tham nhũng

author 06:32 09/03/2016

(VietQ.vn) - Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, người đứng đầu sẽ bị thay thế nếu có nhiều dư luận không tốt, có dấu hiệu tham nhũng, uy tín giảm sút.

Bí thư Đinh La Thăng - Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi đơn vị có tham nhũng

Tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 8/3, đại diện Văn phòng Thành ủy cho biết: Sẽ sớm có quy định về việc thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có nhiều dư luận không tốt, có dấu hiệu tham nhũng, uy tín giảm sút, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chủ trì hội nghị.

Ông Đinh La Thăng cho rằng, cơ quan có tham nhũng người lãnh đạo phải chịu trách nhiệmÔng Đinh La Thăng cho rằng, cơ quan có tham nhũng người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý kiến lần thứ nhất về dự thảo quy định này và đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện, ban hành. Cùng với đó, để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thành phố cũng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, người đứng đầu trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; hoàn thiện các quy định về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng cho sát với thực tiễn thành phố và phù hợp với các quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói: “Người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng xảy ra tại địa phương, cơ quan đơn vị mình và chịu trách nhiệm khi để cơ quan, địa phương do mình lãnh đạo xảy ra tham nhũng, lãng phí. Tất cả các cơ quan đơn vị đừng nghĩ tham nhũng là ở chỗ khác, mà phải luôn luôn rà soát, kiểm tra lại đơn vị mình xem có việc đó không”.

Năm 2015, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra, dù đã có một số kết quả cụ thể. Tham nhũng còn phức tạp và nghiêm trọng, các hành vi tham nhũng còn tiềm ẩn, có tổ chức chặt chẽ, khó phát hiện, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn… Chỉ riêng về thái độ ứng xử của công chức, viên chức trong giải quyết công việc hàng ngày, năm 2015, qua kiểm tra ở 593 cơ quan, đơn vị, tổ chức, đã có 974 trường hợp thuộc 33 cơ quan phải thay thế, chuyển đổi do có dấu hiệu nhũng nhiễu hoặc không phù hợp.

Ông Đinh La Thăng cho rằng, công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong thời gian qua còn nhiều hạn chế so với mục tiêu yêu cầu đề ra và sự kỳ vọng của người dân. Trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tính tiên phong của một số cán bộ đảng viên chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

“Tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến với những biểu hiện tinh vi, phức tạp hơn. Một số cấp ủy chưa xác định trọng tâm công việc và đề ra các giải pháp hiệu quả để phòng chống tham nhũng. Công tác chống tham nhũng của cấp ủy còn yếu.

Tỷ lệ tài sản thu hồi sau kết luận thanh tra rất thấp. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được dư luận quan tâm còn chậm. Quyết tâm chống tham nhũng chưa thật sự trở thành động lực hành động cho tất cả các cấp, các ngành. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn nhiều bất cập”, ông Thăng nói.

Đừng nghĩ phòng chống tham nhũng là việc của hàng xóm

Để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu: “Các cơ quan, đơn vị phải rà soát lại chính đơn vị mình xem có chuyện tham nhũng không... Đó là chưa kể việc tham nhũng, lãng phí xảy ra từ các cơ quan, đơn vị ban hành chính sách, xây dựng chiến lược quy hoạch của thành phố…

Cho nên chúng ta đừng nghĩ phòng chống tham nhũng là việc của hàng xóm. Không thể chủ quan trong vấn đề này”, Bí thư Thăng nói và cho biết sắp tới, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều biểu hiện tham nhũng, lãng phí.

Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo, xử lý cán bộ gây nhũng nhiễu, phiền hà, làm khó cho doanh nghiệpBí thư Đinh La Thăng chỉ đạo, xử lý cán bộ gây nhũng nhiễu, phiền hà, làm khó cho doanh nghiệp

Đề cập đến vấn đề lãng phí, Bí thư Thăng nói sắp tới sẽ làm việc với Sở Y tế để giải quyết những tồn đọng, bất cập của sở này. “Không thể để tình trạng tiền của bệnh viện mà đưa lên Sở Y tế để tập trung đấu thầu. Bệnh viện dưới Củ Chi nhắn tin cho tôi đã xây dựng xong hơn 2 năm nay rồi nhưng không mua sắm được thiết bị nào cả vì không đấu thầu được. Đó cũng là một kiểu lãng phí chứ gì nữa?”, ông Thăng đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh.

“Chậm nhất là tháng 4 phải trả lại quyền tự chủ cho các bệnh viện. Tại sao bệnh viện tư nhân người ta mua thuốc với giá thấp, mà bệnh viện nhà nước đấu thầu mua thuốc giá cao:”, Bí thư Thăng gay gắt.

Bí thư Thăng cũng yêu cầu, từ năm 2016 phải công khai, minh bạch các khoản thu, chi của thành phố trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển giao thông… cho người dân biết, để người dân và các đoàn thể xã hội giám sát, phản biện…

“Thông tin bưng bít thì làm sao giám sát được. Cái gì công khai được thì phải công khai hết. Cần công khai với báo chí, mở cửa với báo chí để báo chí là một kênh quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”, ông Thăng nói.

Bí thư Thăng còn đề nghị, đẩy nhanh công tác điều tra, khởi tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nhằm đem lại sự công bằng, niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Ông cũng yêu cầu rà soát tổng thể các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cảnh báo răn đe nhưng không lạm dụng hình sự hóa các quan hệ kinh tế để cho doanh nghiệp có niềm tin mà kinh doanh.

“Chúng ta phòng, chống tham nhũng tốt thì góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Thăng nói.

Theo VOV/Dantri


 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang