Bị vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, doanh nghiệp loay hoay 'vác đơn' đi kiện

author 11:16 24/11/2018

(VietQ.vn) - Thực trạng vi phạm nhãn mác hàng hoá, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng hiện nay là một vấn nạn xã hội chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí đang ngày một gia tăng.

Người tiêu dùng luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ mua phải hàng giả, hàng nhái và doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng vô cùng hoang mang khi uy tín bị ảnh hưởng.

Ông Đỗ Thanh Lam- Tổng thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, theo thống kê đa số các mặt hàng bị làm giả nhiều là mặt hàng có giá trị cao, có thuế suất cao và được tiêu thụ nhiều, nhất là hàng gia dụng. Thậm chí có nhiều mặt hàng sản xuất ở nước ngoài được nhập khẩu vào nước ta theo đường chính ngạch nhưng lại gắn mác giả.

Tọa đàm "Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hoá" được tổ chức tại Hà Nội ngày 23/11 (Ảnh: Vneconomy)

Tại tọa đàm: "Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hoá" được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFood) chia sẻ: "Chúng tôi sản xuất dầu gấc Vinaga. Sau khi ra đời 3 - 4 năm thì có rất nhiều hàng giả, hàng nhái. Họ chỉ thêm bớt chính tả vào tên thương hiệu trong khi vẫn giữ nguyên font chữ, màu sắc bao bì… Theo chúng tôi ghi nhận được, hiện nay đã có tới hàng chục loại chế phẩm từ gấc "nhái" tương tự sản phẩm của chúng tôi, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng".

Chẳng hạn, cùng màu sắc, cùng thiết kế mẫu mã, đến tên gọi cũng gần như y hệt khi chỉ thay thế chữ N bằng chữ T, một sản phẩm là dầu gấc Vinaga loại còn lại là dầu gấc Vitaga. Những điểm trùng hợp này thực sự khiến người dùng gặp khó khi lựa chọn sản phẩm dầu gấc trên thị trường. Nhất là có nơi bán cùng lúc cả 2 loại sản phẩm này.

Sự khác biệt lớn nhất của 2 loại dầu gấc chỉ đến từ nơi sản xuất khi sản phẩm Vinaga là của Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam, còn sản phẩm Vitaga là của công ty Cổ phần Dược phẩm Hight tech USA.

Cho rằng sản phẩm bị xâm phạm quyền sở hữu, phía doanh nghiệp dầu gấc Vinaga đã gửi đơn yêu cầu giám định tới Viện khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Theo kết luận của cơ quan giám định, sản phẩm dầu gấc VITAGA đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu VINAGA đã được bảo hộ thương hiệu. 

 

Vị CEO Vinaga cho rằng mình xuất thân là bác sĩ, rất lúng túng trong xử lý vấn đề trong khi thiệt hại do hàng giả hàng nhái không thể đong đếm hết. Đọc báo thấy chế tài xử còn quá nhẹ, thậm chí còn không biết báo ai xử lý vấn đề.

 
Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, dù hành vi vi phạm này có thể bị xử lý đến cấp độ hình sự nhưng gần như rất khó, vì buộc phải chứng minh được cả hậu quả đến sức khỏe người sử dụng khi dùng hàng nhái. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe, dù mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 500 triệu đồng.
 

Bị xâm phạm nhưng cũng không biết báo ai xử lý. Những chia sẻ của người đứng đầu doanh nghiệp sản xuất dầu gấc này tưởng chừng như "đùa" nhưng lại đang là một sự thật với nhiều doanh nghiệp hiện nay, khi mà chính bản thân họ chưa biết bắt đầu từ đâu để ngăn chặn những sản phẩm có tên và nhãn mác tương tự với đơn vị mình.

"Thời gian qua doanh nghiệp đã tập trung cho chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty luôn nỗ lực thực hiện công tác quản trị thương hiệu, kiểm soát các kênh phân phối và theo dõi thị trường. Tuy nhiên, vấn nạn vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái ngày một diễn ra phức tạp và tinh vi hơn. Chúng tôi đã và đang nỗ lực, nhưng cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và đồng hành của người tiêu dùng.

Việc bảo vệ thương hiệu, đấu tranh với những vụ việc vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái, không chỉ vì sự sống còn của công ty mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với người dùng", ông Suất nói.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Kết quả giám định là chứng cứ ban đầu cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi, ví dụ như bên Quản lý thị trường, lúc đó doanh nghiệp sẽ đến với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý".

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, chúng ta có hệ thống cơ quan nhà nước, ví dụ thẩm quyền xử lý có cơ quan công an, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có chữ thanh tra. Để xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái cần phải đi theo quy trình và không có gì khó.

Quy trình mà lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường nhắc đến có một điều kiện bắt buộc là phải có đơn khiếu nại của chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm thì cơ quan chức năng mới có thể kiểm tra, xử lý.

"Chủ sở hữu phải có yêu cầu, nếu không yêu cầu thì không làm được. Đối với hành vi vi phạm phải yêu cầu cũng giống như trộm vào nhà mình phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền. Khi Viện sở hữu trí tuệ người ta đã cấp cho anh xác nhận đơn vị này đã xâm phạm quyền nhãn hiệu của anh, thì anh cầm toàn bộ kết luận và đơn sang bên chỗ chúng tôi. Thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và kiểm tra ngay", ông Lộc nói với ông Suất.

Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, vấn đề nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu và quản trị thương hiệu được xem là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu của mình trước sóng gió của thị trường, trong đó có vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Sản phẩm dầu gấc VINAGA và VITAGA có cùng màu sắc, cùng thiết kế mẫu mã. Tên gọi của 2 sản phẩm cũng gần giống y hệt nhau khi chỉ thay thế chữ N bằng chữ T.

Những điểm trùng hợp này khiến nhiều người tiêu dùng gặp khó khi lựa chọn sản phẩm dầu gấc trên thị trường, đặc biệt có nơi bán cùng lúc cả 2 loại sản phẩm này.

Sự khác biệt lớn nhất của 2 loại dầu gấc chỉ đến từ nơi sản xuất. Sản phẩm dầu gấc VINAGA là của Công ty chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam. Còn sản phẩm VITAGA là của Công ty cổ phần dược phẩm High Tech USA.

Theo kết luận giám định, sản phẩm VITAGA đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu VINAGA đã được bảo hộ thương hiệu. Điều này cũng trùng với quan điểm của đại diện Phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ)

 

‘Ma trận’ hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng Việt khó thoát(VietQ.vn) - Thị trường hàng hóa tại Việt Nam đang gặp nhiều biến động bởi ‘ma trận’ hàng giả, hàng nhái được thực hiện ngày càng tinh vi khiến người tiêu dùng quay cuồng.

Uyên Chi (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang