Bị xử phạt 2,8 tỷ vì gian lận thuế, hàng loạt dự án ‘đắp chiếu’: CEO Group làm ăn ra sao?

author 16:24 11/06/2019

(VietQ.vn) - Dù nhiều dự án bị “đắp chiếu” nhưng CEO Group vẫn ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.041 tỷ đồng, tăng gần 250% so với cùng kỳ năm ngoái…

Sự kiện: Doanh nghiệp

CEO Group nộp phạt 2,8 tỷ đồng vì vi phạm thuế

Thông tin từ phía Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group) cho hay, ngày 24/5/2019, công ty đã nhận được quyết định số 624/QĐ-TCT và kết luận thanh tra thuế số 18/KL-TCT của Tổng cục Thuế về kết quả thanh tra trong hai năm (2016-2017). Cụ thể, qua thanh tra thuế giai đoạn này, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm về thuế đối với CEO Group tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.

Trong đó, nộp bổ sung thuế giá trị gia tăng là 1,13 tỷ đồng; bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp 665 triệu đồng; tăng thu thuế thu nhập cá nhân 377 triệu đồng. CEO cũng phải nộp tiền chậm nộp và phạt hành chính là 686 triệu đồng.

 CEO Group nộp phạt 2,8 tỷ đồng vì vi phạm thuế.

Theo báo cáo tài chính, trong giai đoạn 2016-2017, CEO Group đạt kết quả kinh doanh tăng đột biến với doanh thu thuần lần lượt đạt 1.410 tỷ đồng và 1.823 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế năm 2016 tăng vọt lên đạt 300 tỷ đồng và năm 2017 đạt 407 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2015. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 là 70,42 tỷ đồng, năm 2017 là 85,59 tỷ đồng.

Đây là thời điểm công ty ghi nhận doanh thu từ các dự án bất động sản đã hoàn thành, bàn giao nhà cho khách hàng như biệt thự, condotel, nhà phố thương mại... Trong đó, các dự án tại Phú Quốc đóng góp khoảng 60% doanh thu và lợi nhuận của CEO Group. Lợi nhuận chủ yếu đến từ các dự án căn hộ - khách sạn Condotel nên năm 2017 công ty tiếp tục đầu tư mạnh vào các dự án tại Phú Quốc và mua thêm quỹ đất 150ha.

Mới đây, trong quý 1/2019, công ty ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.041 tỷ đồng, tăng gần 250% so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ đạt 417 tỷ đồng) nhờ tiếp tục hoàn thiện, bàn giao nhà cho khách hàng tại các dự án lớn ở Phú Quốc, Hà Nam, Hà Nội... Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 104 tỷ đồng, tăng 34% so với quý 1/2018.

Theo giải trình của CEO Group, lợi nhuận sau thuế quý 1/2019 tăng mạnh là do doanh thu hợp nhất cả công ty trong quý tăng 624 tỷ đồng, tăng 149,6%, còn giá vốn tăng 506 tỷ đồng, tăng 217,5%. 

Năm 2019, CEO đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 34% so với 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 600 tỷ đồng và lãi sau thuế 445 tỷ đồng, tăng 20%.

Hàng loạt dự án “đắp chiếu”

Nhắc từ những dự án "đắp chiếu" của CEO Group, đầu tiên phải kể tới dự ánSeven Star. Đây là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp được xây dựng trên lô đất D27 thuộc KĐT mới Cầu Giấy (Hà Nội), với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo dự kiến ban đầu, Seven Star khởi công trong tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV/2013. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn dậm chân tại chỗ gây lãng phí rất lớn. Đáng nói hơn, khu đất còn xuất hiện các công trình sử dụng sai mục đích, không có dấu hiệu nào cho thấy chủ đầu tư có ý định triển khai. Thậm chí, trong Báo cáo tài chính của CEO Group từ năm 2013 trở đi, dự án Seven Star luôn nằm ngoài danh mục các dự án được đầu tư.

Được biết, Seven Star nằm trong lô đất rộng 2,2ha được UBND TP.Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty cổ phần đầu tư CEO thực hiện dưới hình thức BT từ năm 2011.

 Phối cảnh dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City mà CEO Group "mắc kẹt" bấy lâu nay.

Lô đất D27 được chia làm 4 tiểu lô. Phần BT là Tiểu lô D27.a được quy hoạch xây dựng Tòa nhà văn phòng các hội và hiệp hội. Phần đối ứng tại các Tiểu lô D27.b, Tiểu lô D27.c, D27.d quy hoạch xây dựng dự án khu hỗn hợp, trường tiểu học và trường trung học cơ sở, CEO Group góp vốn khoảng 25% tại dự án này.

Tuy nhiên, tại ĐHCĐ năm 2017, ông Đoàn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT CEO Group trả lời chất vấn của cổ đông về dự án Seven Star: “Dự án không còn thực hiện theo hình thức BT, bởi vậy liên doanh vẫn đang nghiên cứu, tìm hướng triển khai dự án và sẽ có tín hiệu mới trong năm 2017”.

Từ đó tới nay, CEO Group không nhắc tới lô đất vàng D27 Cầu Giấy nữa. Trong khi đó, theo kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của quận Cầu Giấy, trên lô đất D27 chỉ thấy giới thiệu hai dự án xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở với diện tích khoảng 0,8ha.

Tiếp theo là dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City. Năm 2019, tại ĐHCĐ thường niên, Tập đoàn CEO Group đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.544 tỷ đồng lên 2.573 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trong năm 2019.

CEO dự định chi 357 tỷ đồng vào việc phát triển dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City (huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh). Dự án được chia ra làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 chính thức khởi công vào quý III/2018 với mức đầu tư từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đầu năm 2018, thông tin Luật Đặc khu kinh tế sẽ được thông qua ở Phú Quốc - Kiên Giang, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Vân Đồn - Quảng Ninh. Động thái này khiến 3 địa phương kể trên quyết định “đóng băng” mọi giao dịch liên quan đến bất động sản mà không phải là đất ở lâu năm. Chính sách đó tác động mạnh, khiến cho tình hình “cơn sốt" đất tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhanh chóng hạ nhiệt.

Tuy nhiên, đầu tháng 1/2019, huyện Vân Đồn đã chính thức cho phép giao dịch mua bán đất đai trở lại nên thị trường bất động sản nơi đây có phần khởi sắc. Nhưng thông tin sốt đất không chính xác mà chỉ là lời thêu dệt của giới đầu cơ hòng tăng tốc rút vốn tháo chạy. Khi cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, thị trường bất động sản Vân Đồn lại một lần nữa rơi vào cảnh “hoá đá”.

Ở bối cảnh đó, với mức giá mà CEO Group đưa ra cho sản phẩm tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City có dễ dàng thanh khoản hay chỉ khiến tập đoàn rơi vào cảnh “mắc cạn”?

Một dự án khác là dự án CEO Mê Linh bị bỏ hoang nhiều năm.UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt cho Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư dự án CEO Mê Linh vào ngày 29/2/2008 (trước thời điểm Mê Linh sáp nhập về Hà Nội gần 6 tháng). Thế nhưng mãi tới năm 2018, dự án này vẫn bị bỏ hoang.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, khi trả lời chất vấn của các cổ đông về kết quả tiêu thụ bất động sản tại một số dự án Hà Nam, Hà Nội, Phú Quốc… lãnh đạo CEO Group không hề nhắc tới CEO Mê Linh mà chỉ cho biết đang tập trung vào 2 dự án chính là Bamboo Garden City và Sunny Garden City.

Câu hỏi được đặt ra là dự án tại khu đất vàng bị “đắp chiếu” nhiều năm đã gây gây lãng phí nguồn tài nguyên rất lớn cho Nhà nước, vậy UBND TP.Hà Nội có nên thu hồi lô đất D27 Cầu Giấy hay dự án CEO Mê Linh để đấu giá hay không bởi đây là lô “đất vàng” mà rất nhiều doanh nghiệp “khao khát”?

Chất lượng Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin!

Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang