Bia không cồn: Không say nhưng liệu có đứng vững?

author 15:15 13/08/2014

(VietQ.vn) - Gần đây, việc một công ty bia ở TP.HCM tung ra sản phẩm “bia không say” đã gây xôn xao dư luận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, rất nhiều người cho rằng, loại đồ uống này sẽ sớm biến mất vì không thể cạnh tranh với các dòng bia truyền thống.

Mới đây, một dòng bia được quảng cáo là không chứa cồn, được DN tung ra thị trường. Theo nhà sản xuất, dòng bia này vẫn đảm bảo mùi vị, màu sắc giống các loại bia truyền thống. Tuy nhiên, vì không chứa cồn nên nó còn được gọi là “bia không say”, uống nhiều cũng không gây nhức đầu, choáng váng, mất tỉnh táo. 

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra e ngại trước chất lượng và sức cạnh tranh của dòng bia không cồn này. Bởi, trước đó vào năm 2007, Vinamilk cũng đã cho ra đời bia ZoRok với nồng độ cồn rất thấp. Tuy nhiên, loại bia này đã vĩnh viễn biến mất chỉ sau 2 năm tồn tại trên thị trường.

Chuyên gia khẳng định không tồn tại khái niệm bia không cồn

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, T.S  Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học bách khoa Hà Nội khẳng định, đây là một ý tưởng kinh doanh độc đáo, song khó có cơ hội đứng vững ở thị trường bia Việt Nam.

Nói về thuật ngữ bia không cồn, ông Thịnh cho rằng, không tồn tại một khái niệm nào như vậy. “Đã là bia, tức là phải có cồn. Bia, rượu chính là các chất kích thích mà nguyên nhân dẫn đến sự kích thích ấy, chính là do cồn. Việc tồn tại một loại bia không chứa cồn là một mẫu thuẫn về mặt nguyên lý. Chúng ta nên gọi thứ đồ uống đó là một dạng nước giải khát có gas thì sẽ đúng hơn!”.

Giải thích cách thức chế biến loại bia không cồn hiện nay, ông Thịnh cho biết, công nghệ tách cồn ra khỏi bia, rượu khá đơn giản. Trong quá trình lên men, nhà sản xuất sẽ tách cồn bằng phương pháp chưng cất để cồn bay hơi, thu lại bia với hàm lượng cồn ở mức độ thấp. 

Ông Thịnh quả quyết: “Việc loại bỏ hoàn toàn cồn là rất mất công. Hầu hết các cơ sở sản xuất vẫn để lại một chút cồn trong bia. Tuy nhiên, vì nồng độ thấp nên người uống khó phát hiện ra”.

Ông Thịnh cũng khuyến cáo người dân không nên tin rằng có một loại bia uống không say mà dẫn đến tâm lý uống thả ga. Lý do là loại bia này vẫn còn một hàm lượng cồn nhất định, đối với những người có tửu lượng thấp, khi uống nhiều vẫn có thể say.

Nhận định về chất lượng của thức đồ uống này, T.S Thịnh cho rằng, nếu mọi công đoạn sản xuất đều đảm bảo vệ sinh thì bia không cồn là một thức uống an toàn nhưng ít có giá trị. Bởi, khi chưng cất, mùi vị của bia sẽ bị biến đổi do cồn cùng các chất dễ bay hơi có trong bia sẽ bị phân tách. “Tóm lại, đó sẽ là một thức uống không ngon, không kích thích vị giác. Những người nghiền bia, rượu sẽ chẳng bao giờ uống loại bia đó vì nó có ít giá trị trong bàn nhậu. Những người tửu lượng kém cũng sẽ không chọn loại đồ uống này vì chúng nhạt nhẽo và kém hấp dẫn hơn nước ngọt hoặc các loại nước giải khát có gas khác” – T.S Thịnh khẳng định.

Theo ông Thịnh, cồn chính là một thành phần quan trọng của rượu, bia, tạo cho chúng nét khác biệt so với những đồ uống khác. Cồn thấm qua máu, tác động lên hệ thần kinh, giết chết các tế bào não, gây ra ảo giác, rối loạn cảm xúc và nhiều tác hại khác. Tuy nhiên, những người nghiện bia, rượu rất khó cai vì khi uống rượu, cơ thể phóng thích một chất gây hung phấn nhất thời được gọi là “thuốc phiện nội sinh”. Hoạt chất này có khả năng gây nghiện và kích thích cảm giác thèm uống.Đối với bia không say, người ta sẽ không có cảm giác thèm uống vì các chất gây kích thích cũng đã mất đi cùng quá trình phân tách cồn.

“Đây là một ý tưởng kinh doanh độc đáo. Nếu có thể phát triển, nó sẽ giúp hạn chế tình trạng say xỉn, nguyên nhân dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát ở con người”.Tuy nhiên, T.S Nguyễn Duy Thịnh cũng e ngại rằng, đó sẽ là một hướng đi mạo hiểm.“Người Việt thích men say, thích có chất đưa mồi trong khi nhậu nhẹt nên họ khó mà ưa thích loại đồ uống này. Làm sao để người dân Việt Nam tiêu thụ loại bia không cồn mạnh mẽ như thị trường các nước phát triển (Mỹ, Tây Ban Nha…) e vẫn còn là một dấu hỏi chấm khó trả lời đối với nhà sản xuất”.

Trương Thu Hường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang