Bia tăng giá do nhà máy cắt giảm sản lượng?

author 07:41 03/02/2013

(VietQ.vn) - Một nhà phân phối bia khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) tiết lộ, các loại bia phục vụ cho nhu cầu Tết của người dân bắt đầu có từ tháng 12/2012. Mặc dù các nhà sản xuất bia thông tin rằng sản lượng dịp Tết tăng nhưng đây thực chất chỉ là “nói hươu nói vượn”!

Ngoài việc đồng loạt tăng giá, một số loại bia Tết còn rơi vào tình trạng “cháy hàng”. Các nhà máy bia khẳng định mình đã tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu bia Tết của người dân, giá bán nhích lên không đáng kể. Nhà phân phối, đại lý lớn lại cho rằng không nhập được bia vì hàng khan hiếm. Quan điểm hai bên không có sự thống nhất. Vậy “quả bóng” trách nhiệm thực sự thuộc về ai?

Thời điểm trước Tết, theo tổng hợp số liệu từ các nhà sản xuất, thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ hơn 500 triệu lít bia các loại. Các công ty bia rượu, nước giải khát có thị phần lớn như tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), công ty TNHH nhà máy bia Việt Nam (VBL), tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) đều khẳng định rằng đã tăng sản lượng, phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Quý Tỵ 2013.

Với những khẳng định như vậy, người dân đã phần nào mừng rỡ bởi hàng hóa dịp Tết mà bình ổn thì túi tiền của người tiêu dùng sẽ đỡ hao. Thế nhưng thực tế là khoảng 1 tuần trở lại đây, giá các loại bia: Hà Nội, Heniken, Tiger, Sài Gòn… đồng loạt được đẩy lên cao hơn thông thường từ 5.000 – 10.000 đồng/thùng, thậm chí có nơi tăng 20.000 đồng/thùng.

Người tiêu dùng chưa kịp vui mừng vì giá bia được dự đoán ổn định dịp Tết thì đã ngay lập tức "choáng" với cơn lốc tăng giá bia
Người tiêu dùng chưa kịp vui mừng vì giá bia được dự đoán ổn định dịp Tết thì đã ngay lập tức "choáng" với cơn lốc tăng giá bia

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì mỗi nơi lại trình bày mỗi kiểu. Nhà sản xuất, người phân phối và các đại lý đưa ra các quan điểm trái chiều. Điểm chung duy nhất là bên nào cũng khẳng định việc loạn giá bia không phải lỗi của họ.

Theo chị Mến, một đại lý online chuyên bán buôn bán lẻ cho khách hàng địa bàn Hà Nội trong dịp Tết, nguyên nhân chính của việc tăng giá bia do quá khan hàng. Đã hơn một tuần nay, kho hàng của chị vắng bóng hoàn toàn những thùng bia Hà Nội lon Tết, chỉ còn bia Hà Nội lon thường.

Chị cho biết, nhà máy bia giờ không sản xuất bia Tết, chỉ sản xuất bia thường nên bia Hà Nội lon Tết mới xảy ra tình trạng “cháy hàng”. Nhiều khách hàng gọi tới đặt song chị cũng đành từ chối và khuyên họ nên liên hệ với các đại lý hoặc nhà phân phối khác. Với đánh giá của bản thân, chị cho rằng từ giờ đến Tết, tình hình này chưa chắc được cải thiện.

Anh Long, một nhà phân phối bia khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) tiết lộ với PV Chất lượng Việt Nam rằng, các loại bia để phục vụ cho nhu cầu Tết của người dân bắt đầu có từ tháng 12/2012. Mặc dù các nhà sản xuất bia thông tin rằng sản lượng dịp Tết tăng nhưng đây thực chất chỉ là “nói hươu nói vượn”, để làm an lòng dư luận. Bởi trong một năm kinh tế đầy rẫy bất ổn, nguồn tiền trong dân không nhiều, người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu, các nhà sản xuất không dám mạo hiểm sản xuất số lượng lớn. Lượng hàng tung ra thị trường ít đi, cầu thì vẫn cao nên đây là lý do khiến bia tăng giá.

Anh này cũng cho biết thêm một nguyên nhân phụ. Đó là quy trình cung cấp bia hiện nay đã có nhiều sự khác biệt. Cụ thể, không phải nhà phân phối nào cũng trực tiếp lấy hàng từ nhà máy sản xuất. Đa phần, bia được nhà phân phối nọ đẩy cho nhà phân phối kia. Sau đó bia mới đến tay các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ. Hàng đã khan lại qua nhiều khâu nên giá cả càng cao. Nhà sản xuất sau khi cấp cho bên phân phối, đại lý lớn lại không có cơ chế để kiểm soát giá bia bán ra thị trường. Cuối cùng người người tiêu dùng phải gánh vác thêm toàn bộ các chi phí ấy.

Trong khi đợi các bên phân rõ trách nhiệm, người tiêu dùng vẫn phải "còng lưng" gánh giá
Trong khi đợi các bên phân rõ trách nhiệm, người tiêu dùng vẫn phải "còng lưng" gánh giá

Trả lời báo giới, ông Lê Tấn Hùng - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL), đơn vị sản xuất các sản phẩm Heineken, Tiger và La Rue thì cho rằng nhà máy vẫn đang hoạt động hết công suất để cung ứng dịp Tết nên không có tình trạng cung thiếu. Do áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt nên một số loại bia có tăng giá nhưng không đáng kể, riêng bia Heniken vẫn ổn định mức giá cũ.

Có thể thấy rõ sự mâu thuẫn thông tin giữa nhà sản xuất với nhà phân phối và các đại lý. Bên nào cũng khẳng định mình không có động thái nào khiến bia đột ngột tăng giá. Thế nhưng có một thực tế buộc phải thừa nhận là để giá bia “loạn” và tăng “chóng mặt” từng ngày như hiện nay, chắc chắn phải có bên hưởng lợi. Và trong khi trắng đen chưa phân, người tiêu dùng lại đành “còng lưng” chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.

Thiết nghĩ, đây không phải là lần đầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết lên cơn “sốt” giá. Người tiêu dùng đã từng bàng hoàng bởi sự “điên cuồng” của giá trứng gia cầm suốt một tháng gần đây. Chính sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng đã khiến giá trứng bình ổn trở lại.

Có lẽ, việc cần nhất của cơ quan chức năng hiện nay là tìm hiểu sự thật về tình trạng khan hiếm bia trên thị trường cũng như vai trò của từng bên (từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ bia). Liệu rằng sự khan hiếm này chỉ là khan hiếm ảo? Ai đang đầu cơ, tích trữ hoặc dùng thủ thuật để “moi” tiền từ túi khách hàng? Chỉ khi mọi chuyện được sáng tỏ thì quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo vệ. Lúc đó, người dân mới yên tâm, không còn phập phù vừa ăn Tết vừa đợi bia "hạn nhiệt" để "rình" mua”.

Thanh Thu 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang