Biến chứng sốt xuất huyết 'lấy mạng người' chỉ 1 tuần, làm gì để tránh?

author 06:12 03/08/2017

(VietQ.vn) - Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang ở mức báo động khiến nhiều bệnh viện quá tải. Điều nguy hiểm hơn là nhiều trẻ đã bị biến chứng nặng.

Bệnh nhi bị sốt xuất huyết tăng mạnh

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi T.W cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay số trẻ đến khám sốt xuất huyết tăng cao gần 10 lần với 185 trẻ. Trong đó hiện có 28 bệnh nhi điều trị nội trú. Đáng chú ý, 5 bệnh nhi trong số này có dấu hiệu cảnh báo vì đã bị biến chứng.

Còn tại Bệnh viện E, TS.Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (BV E) cho biết, lượng bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang gia tăng, có đêm khoa Cấp cứu tiếp nhân 6 trẻ bị sốt xuất huyết. Hiện tại khoa Nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết với nhiều bệnh nhân có biến chứng nặng. Trong đó, có một bệnh nhân nhi (7 tuổi, ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc sốt xuất huyết nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi.

Bệnh nhi bị biến chứng nặng do sốt xuất huyết tăng cao tại nhiều bệnh viện. Ảnh: SKĐS

 Bệnh nhi bị biến chứng nặng do sốt xuất huyết tăng cao tại nhiều bệnh viện. Ảnh: SKĐS

Tuy nhiên, TS Hiền cho biết, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng. Các bác sĩ túc trực bên bệnh nhi theo dõi sát sao 24/24h, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Đến ngày thứ 8, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ được và cắt sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường.

Từ thực tế điều trị, TS Lương Thu Hiền khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy người lớn phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc sốt xuất huyết nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.

Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh đã bị nhiễm virus Dengue sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Người mắc bệnh dễ gặp biến chứng sốc do sốt xuất huyết khi bị thoát dịch ra khỏi lòng mạch máu.

Từ ngày thứ 4 đến ngày 6 của bệnh, khi  mọi người chủ quan do bệnh nhân đã hạ sốt thì lại là thời điểm nguy hiểm dễ xảy ra biến chứng sốc do sốt xuất huyết. Trước đó, bệnh nhân sốt cao trong 3 ngày đầu nhưng từ ngày thứ tư sốt thường sẽ giảm và có thể xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu máu gây xuất huyết và tăng tính thấm thành mạch gây thoát mạch. Bệnh nhân có thể sốc khi bị thoát mạch quá nhiều gây mất thể tích huyết tương trong lòng mạch.

Bệnh sốt xuất huyết: Nguy cơ bị tai biến khi dùng thuốc hạ sốt, giảm đau(VietQ.vn) - Người bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bị tai biến do thuốc, mất cơ hội chữa trị kịp thời nếu tự ý mua thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng sinh về điều trị.

Khi có biến chứng sốc do sốt xuất huyết, biểu hiện của bệnh nhân thường mệt lả, buồn nôn, đau tức vùng gan, đau bụng, tiểu ít, riêng với trẻ nhỏ có thể có biểu hiện li bì, mệt lả. Bệnh nhân nếu được phát hiện sớm và được bù dịch đầy đủ thì sẽ dễ dàng hồi phục. Ngược lại, nếu bệnh nhân không được phát hiện và xử trí kịp thời thì có thể rơi vào tình trạng sốc, mạch nhanh, tụt huyết áp.

Nếu để tình trạng sốc này kéo dài thì nguy cơ tiến triển thành sốc không hồi phục và có thể gây suy đa phủ tạng, dễ dẫn đến tử vong. Quá trình biến chứng sốc rất nhanh, có thể từ lúc bệnh biến chứng đến khi tử vong chỉ sau 5-6 tiếng nếu không được cấp cứu kịp thời. SXH là một căn bệnh nguy hiểm, bệnh nhân khi có các triệu chứng cần phải nhập viện ngay lập tức để điều trị.

Cách phòng tránh bênh sốt xuất huyết

Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ðể tích cực phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy.

- Thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang