Biến cút non thành... chim sẻ

author 16:53 27/06/2014

Mỗi ngày, hàng vạn con chim cút được các lò mổ tại tỉnh Long An, Tiền Giang cung cấp các quán nhậu, nhà hàng tại TP.HCM “đội lốt” thành món chim sẻ, bồ câu non đánh lừa người tiêu dùng…

Chim sẻ giả từ cút non qua mắt người tiêu dùng

Tại nhà hàng Hương Đ ở khu vực quận Bình Thạnh (TP.HCM), chúng tôi kêu món chim sẻ nướng muối ớt và xôi bồ câu gói lá chuối. Một lúc sau, đĩa chim sẻ nướng vàng ươm nóng hổi được đặt xuống mặt bàn. Anh T bạn tôi - một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, lắc đầu khẳng định: “Đây toàn là chim cút, lấy đâu ra chim sẻ mà bán hàng ngày. Nếu không tin, cứ theo tôi xuống Tiền Giang hoặc Long An tìm hiểu thực tế sẽ biết liền chứ gì…”.

Cảnh giác với món chim cút bị “hô biến” thành chim sẻ, bồ câu

Cảnh giác với món chim cút bị “hô biến” thành chim sẻ, bồ câu

Nói rồi anh T lôi con chim nằm trong gói xôi bọc lá chuối ra bảo, đây cũng chỉ là con chim cút lớn thôi vì nhìn mỏ nó ngắn hơn mỏ con chim bồ câu, thịt ăn không thơm ngon bằng bồ câu hay sẻ.

Công nghệ làm giả chim cút non thành chim sẻ

Trong vai người đi tìm mối thu mua chim cút về mở nhà hàng lớn trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi theo chân anh T tới một cơ sở chuyên nuôi chim cút và giết mổ tại chỗ nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở TP Tân An (Long An). Người ở cơ sở này cho biết, ông chủ đi giao hàng chưa về, rồi đon đả mời khách vào nhà ngồi đợi.

Chúng tôi để ý trại nuôi phía sau nhà có gần chục dãy chuồng đang nhốt hàng vạn con chim cút lớn nhỏ. Đây cũng là lò giết mổ rất thô sơ, chỉ gồm khoảng sân trống nền xi măng, hệ thống vòi nước, bếp gas nấu nước nóng và chiếc máy quay tự chế vặt lông chim, có vài chiếc xe honda gắn thùng hàng dựng phía ngoài. Khoảng một tiếng sau, ông D (chủ trại chim cút) mới về tới nhà. Sau khi biết được nhu cầu của khách, ông D rất vui vẻ dẫn chúng tôi ra tham quan khu chuồng trại rồi hào hứng khoe: “Nhiều năm nay, mình chuyên nhập chim cút non về nuôi rồi xử lý giết mổ tại chỗ, đóng bịch xong mới “bắn” hàng thịt tươi cho các vựa lớn nhỏ trên Sài Gòn, họ chỉ việc đưa vào cung ứng cho các nhà hàng là xong”.

Nói rồi, ông D tranh thủ đi đổ thức ăn, thay nước cho các dãy chuồng chim cút để chiều kịp xử lý hàng giao cho mối. Theo ông D, đầu vào mỗi lần ông nhập từ các trại lớn ở Tiền Giang cả mấy vạn con chim cút nhỏ về nuôi, hàng ngày “xử lý” cả ngàn con tùy theo nhu cầu để giao cho các vựa thu mua.Tính ra từ lúc nhập hàng chim cút non (1 ngày tuổi) về, gia đình ông D chỉ nuôi thêm khoảng một tuần đã bán hết để tiếp tục nhập đợt cút mới về gối đầu.

Chúng tôi nhìn đàn chim cút nhỏ đang nhốt trong chuồng, hỏi: “Sao nhìn nó giống chim sẻ vậy?”. Ông D cười bảo: “Chính vì giống như thế mình mới bán được để các nhà hàng “chế biến” thành món chim sẻ chứ. Do thịt chim cút nuôi không ngon và giá cũng rẻ hơn nhiều, nên họ mới làm vậy…”.

Cận cảnh công nghệ hô biến chim cút non thành chim sẻ

Công nghệ biến chim cút non thành chim sẻ

Theo tìm hiểu của PV, trước đây gia vị dùng để tẩm chim cút gồm bột điều, hoa hồi, hoa quế, đường, ớt, tiêu… Tuy nhiên, việc dùng bột điều để cho vào tạo màu hiện nay chỉ những nhà hàng lớn, uy tín thực hiện do bột điều đắt. Thay vào đó, một số nơi (nhất là quán nhậu vỉa hè) đã dùng bột sắt, một loại phẩm màu công nghiệp được bán với giá rẻ để tạo màu, “hô biến” thành các loại chim đắt tiền hơn để đánh lừa thực khách!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá chim cút ông D bán cho các vựa chỉ khoảng 2.000 đồng/con, nhưng khi nhà hàng cho “đội lốt” chim sẻ giá bán lên tới chục nghìn/con.

Mặc dù mỗi ngày giao cả ngàn con chim cút cho các vựa thành phố nhưng cơ sở của ông D cũng chỉ cần vài người làm công. Lúc này đã đến giờ làm hàng, ông D huy động mọi người vào việc để kịp giao cho vựa trong ngày.

Nước được nấu sôi tại chỗ, ông D cầm cái thùng vào chuồng bắt cả mớ chim cút đem ra đổ ào vào nồi nước nóng pha sẵn. Xong, ông vớt ra đem đổ vào máy quay vặt lông, chỉ một lúc mẻ chim cả trăm con đã sạch lông trần trụi. Sau đó, chim được đổ ra nền xi măng xối nước rửa qua để mấy nhân viên bắt đầu “xử lý” ngắt đuôi, moi ruột... Dọc một số tuyến đường vùng ven TP.HCM, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều điểm bày bán các loại chim sẻ, bồ câu, chim “chằng nghịch” và “ốc cao” với giá siêu rẻ, được làm sẵn, tươi sống hoặc đã quay vàng ươm.

Một chủ vựa bán chim dọc đường giới thiệu: “Đây là chim sẻ, chim bồ câu chính hiệu, do là chim non nên rất bổ”. Chúng tôi thắc mắc: “Sao thịt chim bồ câu mà giá rẻ bất ngờ như vậy?”. Bà này cười bảo: “Chỉ thấy người mua kêu giá đắt, chứ mở hàng bán rẻ mà cũng thắc mắc thì chỉ có mình chú thôi đấy!”. Nói rồi, bà này liên tục chạy ra giữa đường vẫy chào khách.

Chị Anh Thư, một bạn đọc của Báo NNVN ngụ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) tâm sự: “Tôi cũng đã có vài lần mua chim bồ câu ở những tuyến đường này về hầm cháo. Ấy vậy mà, có lần mẹ tôi từ quê ra, nhìn những con chim này, bà khẳng định đây là chim cút. Chim bồ câu non nhiều người thích, giá lại cao nên họ tìm cách đánh lừa thôi".

Tại một số chợ nhỏ vùng ven ngoại thành TP.HCM, PV cũng bắt gặp bày bán loại chim có hình dáng y hệt như chim sẻ hay bồ câu non, nhưng thực tế chỉ là chim cút làm sẵn. Những sạp bán chim ngoài chợ chủ yếu mua chim cút cấp đông, sau đó dùng hóa chất tẩm ướp để thịt chim trở nên tươi ngon như vừa mới giết mổ. Hàng không bán hết họ lại đem vào cất giữ trong tủ lạnh, có chim để cả tuần, thậm chí cả tháng cũng không bị bốc mùi.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang