Biển Đông khóa chặt tàu ngầm Trung Quốc

author 08:57 01/09/2014

Đội tàu hạt nhân Trung Quốc có quá ít cửa tiến ra Thái Bình Dương và dễ dàng bị khóa chặt ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Hy vọng duy nhất'

Chiến lược phát triển đội tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) cho thấy Trung Quốc coi trọng lực lượng này như thế nào. Giới phân tích thậm chí còn nhận định SSBN đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng đối với năng lực phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc hơn bất kỳ cường quốc nào.

Bên cạnh đó, giới nghiên cứu cũng đánh giá việc sở hữu các tàu ngầm trang bị tên lửa với tầm bắn có thể vươn tới Mỹ mà không bị phát hiện khi hoạt động ngoài khơi xa trên Thái Bình Dương là "hy vọng duy nhất của Trung Quốc trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân, bởi họ có thể đe dọa trả đũa nếu bị không kích. Việc triển khai các tàu này chắc chắn sẽ phức tạp hóa các tính toán của Mỹ và có thể sẽ gây ra không ít ảnh hưởng trong thời gian tới".

Tàu ngầm lớp Hạ (Type 092) trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc

Sự hấp dẫn của SSBN là ở chỗ nó rất khó bị phát hiện và tiêu diệt, đặc biệt là khi được bố trí bí mật trong một "pháo đài" hoặc ẩn náu trong các vùng nước sâu ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và bên dưới lớp băng ở Bắc Cực.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cường quốc hạt nhân chủ chốt trong thời Chiến tranh Lạnh gồm Mỹ, Liên Xô, Pháp và Anh phát triển lực lượng tàu ngầm này với các căn cứ tàu ngầm được bố trí ở nơi có thể tiếp cận trực tiếp các khu vực thuận lợi cho việc triển khai.

Với góc nhìn này thì căn cứ tàu ngầm mà Trung Quốc đặt ở phía Nam đảo Hải Nam, nơi có các tàu ngầm cỡ lớn được trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, chính là nhân tố then chốt trong chiến lược phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc.

Một trong những tàu ngầm quan trọng bậc nhất thuộc loại này là tàu ngầm lớp Tấn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc đã sẵn sàng triển khai 3 hay 4 tàu lớp Tấn.

Một chuyên gia am hiểu về lực lượng hạt nhân của Trung Quốc là Zhang Baohui thuộc Đại học Lingnan ở Hong Kong cho rằng: "Trong dài hạn, các tàu ngầm này là tất cả những gì Trung Quốc có để đảm bảo hoạt động phòng thủ vững chắc".

Tự 'sa lầy' ở Biển Đông

Việc tập trung phát triển lực lượng SSBN cho thấy Trung Quốc đang lo sợ các tên lửa được triển khai trên đất liền có nguy cơ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mở màn của đối phương.

Tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc

Trung Quốc hiện ngày càng chú trọng đến việc đảm bảo khả năng tồn tại của lực lượng hạt nhân bằng cách phân tán các hệ thống tên lửa của mình. Với các hệ thống DF-31 và DF-31A, Trung Quốc không còn phụ thuộc vào hệ thống đặt trong hầm ngầm duy nhất của họ là loại ICBM DF-5 cồng kềnh. Giờ đây, Trung Quốc còn có thể dựa vào các loại tên lửa hạt nhân cơ động sử dụng nhiên liệu rắn.

Tuy nhiên, sự phát triển của lực lượng SSBN cho thấy Trung Quốc không còn tin tưởng hoàn toàn vào khả năng "sống sót" của các lực lượng hạt nhân trên đất liền. Nhưng ngay cả với SSBN, Trung Quốc cũng đang tự bộc lộ hoặc bị phát hiện ra những điểm yếu chết người không thể khắc phục khác.

Căn cứ cho lực lượng SSBN của Trung Quốc đặt tại đảo Hải Nam ở phía Bắc Biển Đông. Khu vực này tuy có mực nước khá sâu song cũng không mang lại lợi thế cho Trung Quốc.

Tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ

Việc phải đi qua các điểm "thắt cổ chai" để tiến vào Thái Bình Dương đã đặt các tàu ngầm của Trung Quốc vào thế bất lợi, bởi lực lượng chống ngầm của Mỹ và đồng minh dễ dàng phát hiện và theo dõi các SSBN của Trung Quốc khi chúng tiến vào Thái Bình Dương, hoặc phong tỏa chúng bằng cách thả thủy lôi.

Trong khi gặp khó khăn trong việc “tiến ra biển lớn”, các SSBN của Trung Quốc cũng dễ dàng bị “giam lỏng” trong khu vực phía Bắc Biển Đông. Mỹ đang có một loạt hệ thống từ căn cứ cho tới vũ khí đã triển khai tại khu vực để làm tốt mục tiêu này.

Hiện nay, các SSBN được Trung Quốc bố trí trong một quần thể hang động trên đảo Hải Nam. Giới phân tích đánh giá mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc là kiểm soát chặt chẽ các đầu đạn hạt nhân và bảo vệ lực lượng này. Tuy vậy, cách bố trí như hiện nay đang gây cho Trung Quốc 2 khó khăn về mặt chiến lược dù có sở hữu một lực lượng SSBN hùng hậu:

Một là, nếu ở trong các hang động quá lâu, lực lượng SSBN của Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ bị vô hiệu hóa bởi một cuộc tấn công của Mỹ

Hai là, nếu SSBN rời khỏi các hang động này trong trường hợp xảy ra khủng hoảng thì Trung Quốc vô tình (hoặc cố ý) đánh tín hiệu về một sự leo thang và sẽ bị bao vây bởi các tàu ngầm tấn công của Mỹ.

Dù trong trường hợp nào thì lực lượng SSBN của Trung Quốc hiện cũng đang bị Mỹ theo dõi chặt chẽ và tìm cách khóa chặt và thực tế là Mỹ có đủ khả năng khóa chặt với những lý do nêu trên.

Nên nhớ rằng trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện có các hệ thống tên lửa đạn đạo Trident D-5 có thể phóng từ tàu ngầm (đã được triển khai khắp nơi) vào các mục tiêu ở cự ly tới hơn 7.000 km trên đất liền.

Trung Quốc bất an

Vụ việc tiêm kích Su-27 Trung Quốc “múa bụng” khoe vũ khí trước mũi P-8 Poseidon của Mỹ hôm 19/8 đã cho thấy Trung Quốc bất an như thế nào khi bị Mỹ nhắm tới hạm đội tàu ngầm triển khai ở phía Nam đảo Hải Nam. Những vụ việc tương tự sẽ còn tiếp diễn, thậm chí thường xuyên hơn nữa khi truyền thông nhà nước Trung Quốc công khai khả năng này sau vụ 19/8.

Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo, dẫn lời Thiếu tướng Hải quân Trương Triệu Trung, thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, đề xuất Bắc Kinh cần có những hành động ngăn chặn quyết liệt hơn đối với hoạt động do thám của Mỹ. Ông này nói: "Những gì chúng ta làm chưa đủ sức răn đe. Con dao găm thẳng vào cổ họng là lời cảnh cáo mạnh mẽ nhất. Kể từ bây giờ, chúng ta phải áp sát hơn nữa máy bay do thám của Mỹ".

Theo đánh giá thì chiến lược phát triển SSBN cho thấy Trung Quốc vẫn không hài lòng với kho vũ khí hạt nhân nhỏ bé của mình. Tuy nhiên, quy mô đầu tư hiện nay của Trung Quốc không thực sự giải quyết được vấn đề. Chương trình SSBN đặt rất nhiều trứng vào một giỏ, và không có thuốc chữa bách bệnh nào cho các vấn đề liên quan đến khả năng sống sót, đặc biệt là khi tính đến những bất lợi về mặt địa lý của Trung Quốc.

Có một điều đáng lo ngại là bất kể "hổ" hay "chó" khi bị nhốt chặt lâu ngày sẽ sinh hung tính và sẵn sàng "cắn quàng" mọi thứ xung quanh!

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang