Biết "đi đêm" mới thắng được thầu

author 07:21 15/07/2013

Đánh giá về tình hình chống tham nhũng, lâu nay trên mọi diễn đàn đều khẳng định rằng, rất "phức tạp và nan giải”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi dư luận mới chỉ quan tâm nhiều hơn trên lĩnh vực tham nhũng vặt. Còn những vấn đề tham nhũng lớn, như dân gian nói "kiểu VIP” cũng còn ít đề cập.

Bởi vậy dư luận đã rất tâm đắc với phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 11-7 vừa qua, khi góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đấu thầu, như "đã để thông thầu, thì ắt có tham nhũng, tiêu cực”... 
 
Tranh minh họa  (Triển lãm Tranh biếm họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam)
Tranh minh họa (Triển lãm Tranh biếm họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam)

Nói đến việc phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu, những gì phải đưa ra đấu thầu đều là những vấn đề lớn, được dư luận quan tâm, sử dụng tiền của nước, của dân như một dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư; hoặc sử dụng dưới 30% vốn nhà nước nhưng từ 500 tỷ đồng vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư...Hoặc mọi việc mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị từ lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cho đến các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.v.v..
 
Lâu nay, vấn đề thực hiện theo các quy định của pháp luật nhiều khi còn nhiều lỗ hổng. Như Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh xác nhận, đấu thầu hiện vẫn là "câu chuyện có nhiều vấn đề”. Thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện Luật Đấu thầu (trong giai đoạn từ 1-1-2009 đến 1-7-2011), của Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc quản lý nhà nước về công tác đấu thầu của các ngành, các cấp đang có không ít những vi phạm, khuyết điểm.
 
Chuyện không phải hiếm khi nhà thầu năng lực thi công, năng lực tài chính yếu nhưng vẫn được chỉ định thầu đã dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị kéo dài, đặc biệt là các dự án giao thông. Đặc biệt, có tình trạng phổ biến ở một số địa phương và Bộ Giao thông vận tải là đã chỉ định thầu cùng lúc nhiều gói thầu có giá trị lớn cho một số nhà thầu (như Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Thành ở Ninh Bình)...Từ việc chỉ định thầu bất thường này dẫn đến nhà thầu bị quá tải, không đủ năng lực thi công, năng lực tài chính không đáp ứng yêu cầu về tiến độ của gói thầu, dự án kéo dài, hiệu quả kinh tế thấp, gây bức xúc về xã hội ở địa phương...
 
Không kể những dự án lớn, chỉ một dự án nhỏ ở địa phương, như đường vào khu du lịch Chùa Thiên Tây Trúc (huyện Đại Từ,Thái Nguyên) với 47,7 tỷ đồng nguồn vốn được trích từ trái phiếu chính phủ và các nguồn huy động hợp pháp khác cũng có không ít dư luận. Từ việc "đánh đố” nhà thầu khi "công khai” mời thầu trên báo với thời gian bán hồ sơ, tổ chức đấu thầu trong vòng 16 ngày, nhưng lại rơi đúng vào thời gian nghỉ lễ mất 5 ngày. Bên cạnh đó là những yêu cầu khắt khe khác. Và mặc dù khi chưa tổ chức, dư luận người dân đã bình phẩm rằng đã biết rõ ai trúng thầu.v.v. Dư luận luôn đặt câu hỏi, có những gì khuất tất phía sau những việc lớn, nhỏ kia?
 
Năm 2005, Luật Đấu thầu đã được ban hành. Tuy nhiên như đánh giá của Chính phủ, hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước cũng bộc lộ một số bất cập, thể hiện nổi bật trên các mặt như: tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu chưa đồng đều và còn hạn chế ở một số địa phương; chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu chưa cao; vấn đề quản lý sau đấu thầu chưa được thực hiện thường xuyên và chưa được quan tâm đúng mức…  
 
Nguyên nhân được chỉ ra lại là do những hạn chế của hệ thống pháp luật về đấu thầu, như các quy định về đấu thầu còn tản mạn, thiếu tính đồng bộ và thống nhất. Ví như Đấu thầu lựa chọn nhà thầu được quy định cả trong Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật Sửa đổi một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Luật số 38/2009/QH12); Đấu thầu theo phương thức mua sắm tập trung được quy định tại Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg, Thông tư số 22/2008/TT-BTC; Đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg; Đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì được quy định tại Nghị định số 31/2005/NĐ-CP, Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg.v.v.Rất nhiều quy định, chồng chéo, thế nhưng một quy định như "tiêu chuẩn kỹ thuật” trong luật lại không có, dự thảo sửa đổi luật cũng không có, và như Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng đã chỉ thẳng ra rằng, đây chính là nguyên nhân khiến nhà thầu sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ, giá rẻ...để thắng thầu.
 
Vì sao biết rõ những lỗ hổng nhưng các cơ quan, những người có trách nhiệm lại không tìm cách xử lý "lấp lỗ” ngay? Ví như chuyện khó có "công trình xây dựng, giao thông nào mà không đội giá, đội lên cả ngàn tỷ đồng nhưng rồi lại đâu vào đấy. Vấn đề này cơ quan quản lý, lãnh đạo cũng đã thấy rõ cả”- Trăn trở của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng là trăn trở của dư luận người dân. Đằng sau đó là những gì? Oái oăm thay, như Chủ tịch QH đã rất thẳng thắn chỉ ra: "Đút lót, tiêu cực nhưng không bắt, không xử lý được, có bắt, có xử được mấy đâu...?”.
 
Vấn đề là cần khẩn trương hoàn chỉnh, cụ thể các quy định pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, là vấn đề thực thi một cách rốt ráo, triệt để, nghiêm minh pháp luật trên tinh thần vì nước, vì dân. Những vấn đề như làm luật, chính sách mang lợi ích nhóm, chỉ định, thông thầu, điều chỉnh giá, quy hoạch treo, lãng phí... thực sự là tham nhũng kiểu VIP, là mối nguy lớn hại nước, hại dân. Phải chịu trách nhiệm nhưng trách nhiệm chính trong khắc phục lại trông chờ chính vào các VIP, những người đứng đầu.
 
Theo Đại Đoàn kết
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang