Biệt động Sài Gòn bây giờ

author 18:21 11/01/2014

Những chiến sĩ từng trực tiếp tham gia những trận đánh của đội Biệt động Sài Gòn đến hôm nay chẳng còn được bao nhiêu người. Những người còn cũng đã bước vào tuổi 70, 80. Người còn ở Sài Gòn, người thì đã chuyển đến tỉnh khác sống, có người lại mất luôn liên lạc với đồng đội, có người lại đang nằm trên giường bệnh.

Người phụ nữ ấy, vì một sự tình cờ đã trở nên say sưa những câu chuyện, những con người, những trận đánh của đội Biệt động Sài Gòn. “Hơn 10 năm nay, mỗi sớm thức dậy tôi đều tự nhủ mình rằng: Phải viết nhanh lên! Nhanh lên! Không thì những con người đó sẽ ra đi mất. Và họ sẽ vĩnh viễn mang theo bao nhiêu câu chuyện của lịch sử”.

Mã Thiện Đồng - người phụ nữ đã xuất bản 13 cuốn sách về Biệt động Sài Gòn, về Tàu Không số. Nhưng hễ ai gọi bà là nhà văn, bà đều từ chối. Bà chỉ dám nhận mình là một người phụ nữ đi tìm những câu chuyện của Biệt động Sài Gòn và chia sẻ với mọi người qua trang sách.

bd.vietq.vn.jpgMã Thiện Đồng (thứ 4 từ trái sang) cùng các nhân vật trong đội Biệt động Sài Gòn: Nguyễn Thị Mai, Hùng Thanh, Trần Bích Nga, Lê Thị Thu Nguyệt, Phạm Thị Nhung.

Cái duyên ở phố Đồng Đen
“Tôi không viết lịch sử. Đó là việc của các nhà làm sử. Tôi chỉ muốn gặp để nghe và kể lại câu chuyện từ những con người đã làm nên lịch sử” - Mã Thiện Đồng nhấn mạnh câu nói ấy với độc giả trong phần giới thiệu cuốn sách “Biệt động Sài Gòn - chuyện bây giờ mới kể” (tái bản 6 lần), trong cuộc trò chuyện với tôi. Và cũng câu nói ấy, cách đây 10 năm, bà từng nói với ông Bảy Bê (tức anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đội trưởng đội Biệt động 5 Nguyễn Thanh Xuân - PV). 10 năm trước, vì một sự tình cờ, bà nhất quyết phải đến gặp ông Bảy Bê với mục đích tìm lại những nhân chứng sống của đội Biệt động Sài Gòn. Ông Bảy Bê khi ấy còn mạnh khỏe, là chủ nhiệm ban liên lạc Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến thành phố - Khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ông đồng ý ngay: “Cô mà muốn viết về đội biệt động, tôi sẽ giới thiệu từng người, người nào đánh trận nào cho cô”. Lại được ông Tư Chu (tức đại tá Nguyễn Đức Hùng - người trực tiếp chỉ huy các đội Biệt động Sài Gòn - PV) giúp đỡ cung cấp tài liệu liên quan, bà bắt đầu ngay với công việc tìm gặp và ghi chép lời kể của các nhân chứng còn sống của đội Biệt động Sài Gòn.
Nói về lý do bà đến tìm gặp ông Bảy Bê, bà kể: “Tôi từng là một giáo viên dạy văn ở Long An. Sau khi nghỉ hưu, tôi chuyển về Sài Gòn sống cùng gia đình. Tình cờ thay, ngôi nhà tôi đang ở lại nằm giữa phố Đồng Đen - tên một nhân vật lịch sử, một anh hùng lực lượng vũ trang từng tham gia đội Biệt động Sài Gòn.

Lại một sự tình cờ nữa là tôi có biết vợ ông Đồng Đen khi còn dạy học ở Long An, tôi quay lại gặp bà, nghe bà ấy kể về câu chuyện của người chồng anh hùng. Lời kể của bà rung động trái tim tôi, kể đến đâu tôi nổi da gà đến đó. Những câu chuyện ấy tôi chưa bao giờ nghe, cũng chưa được đọc ở đâu. Một đội Biệt động Sài Gòn từng làm kẻ thù kinh sợ, từng làm nên bao chiến công vang dội với lối đánh du kích nay chẳng còn mấy ai biết đến.

Quan trọng là nếu có biết, người ta cũng chỉ biết đến những chiến công, đến những trận đánh mà không biết rõ về những con người đã làm nên những chiến công ấy. Không ai biết đến những cái tên như Tư Chu, Bảy Bê, Năm Chiếu, Mười Bông, Tám Bền, Ba Đen, Tư Việt… Thế là tôi nghĩ, tôi phải tìm đến những nhân chứng còn sống, nghe họ kể và ghi chép lại những câu chuyện ấy”.

“Đáng buồn thay! Những người còn sống của đội Biệt động Sài Gòn nay chẳng còn được bao nhiêu. Kệ! phải tranh thủ tìm gặp và ghi lại lời họ, từ những người thật, việc thật” - bà tự nhủ.

Khi phụ nữ kể chuyện… đánh nhau
Mã Thiện Đồng (sinh năm 1950), là một cô giáo dạy văn, cũng sống trong thời chiến nhưng bà không tham gia trận mạc. Bởi vậy, sau này, khi cái duyên đưa đẩy bà kể lại một cách chi tiết những trận đánh của Biệt động Sài Gòn, bà gặp không ít khó khăn.
Có lần nghe ông Huỳnh Phi Long (chiến sĩ đội biệt động Sài Gòn) kể lại trận đánh vào nhà hàng Mỹ Cảnh năm 1965 bằng vũ khí DH10, bà hỏi nhân vật một cách ngây ngô:
- Anh ơi! Sao đang trong lúc gay cấn thế mà anh không ném?
Ông Huỳnh Phi Long ngơ ngác:
- Sao lại ném? Ném thế nào được. DH10 là mìn định hướng, nặng hàng chục ký cơ mà.
- Ơ. Em lại tưởng nó là lựu đạn
Hai người phá lên cười.
Một lần khác, khi viết cuốn “Những thiên thần đường phố” - câu chuyện của những nữ Biệt động Sài Gòn, với một trận đánh có vũ khí là pháo 82 ly, bà miêu tả nữ xạ thủ “nghiến răng bóp cò”. Nhưng thấy không ổn, vì chưa biết pháo 82 ly cấu tạo như thế nào, hoạt động ra sao, Mã Thiện Đồng gọi lại cho nhân vật tên Nga, hỏi: “Em viết chị nghiến răng bóp cò có đúng không?”. Nhân vật của bà cười ngặt nghẽo: “Pháo 82 ly làm gì có cò mà bóp hả em”.
Mã Thiện Đồng không hề giấu giếm những sự thiếu sót ban đầu có phần ngây ngô đó. Sau này, để tránh sai sót, bà đích thân đến các bảo tàng, về địa đạo Củ Chi, mất hàng năm trời để tìm hiểu kỹ càng về vũ khí, trận địa.
Cuối năm 2004, viết xong cuốn sách đầu tiên có tên “Biệt động Sài Gòn - chuyện bây giờ mới kể”, bà thận trọng mang đến Ban liên lạc Biệt động Sài Gòn đọc cho 8 người trong ban nghe để duyệt lại từng trang, kiểm tra từng chi tiết. Chỉnh sửa xong, bà lại mang sang nhà ông Tư Chu (tức Anh hùng, đại tá Nguyễn Đức Hùng - người đặc trách Biệt động Sài Gòn, phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định thời trước). Ông Tư Chu đọc bản thảo của bà mất 3 tháng trời, đối chiếu với những tài liệu lịch sử được lưu trữ ở Ban Khoa học Lịch sử - Bộ Chỉ huy Quân sự TPHCM.
Như vậy, sau gần 2 năm, cuốn sách đầu tay viết về 15 trận đánh lớn nhất Sài Gòn của đội Biệt động Sài Gòn của Mã Thiện Đồng được Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM xuất bản.
Gặp lại những nhân chứng sống

Mã Thiện Đồng nói rằng, 13 cuốn sách đã hoàn thành dĩ nhiên là niềm vui lớn trong suốt cuộc đời bà. Nhưng niềm vui lớn hơn là những cuộc gặp gỡ, cơ duyên với những nhân chứng sống của Biệt động Sài Gòn - những con người mấy chục năm qua như chìm vào quên lãng. Cơ hội đó không phải ai cũng may mắn có được.

Những chiến sĩ từng trực tiếp tham gia những trận đánh của đội Biệt động Sài Gòn đến hôm nay chẳng còn được bao nhiêu người. Những người còn cũng đã bước vào tuổi 70, 80. Người còn ở Sài Gòn, người thì đã chuyển đến tỉnh khác sống, có người lại mất luôn liên lạc với đồng đội, có người lại đang nằm trên giường bệnh.

Được ông Bảy Bê và Tư Chu giúp đỡ, bà liên lạc với những người nằm trong khả năng trước. Người đầu tiên bà hẹn gặp là ông Năm Chiếu (tức chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, Bùi Văn Chiếu - PV), người trực tiếp ôm thuốc nổ được giấu trong thùng Radio đánh cường tập vào rạp Kinh Đô mùng 2 tết 1964 cùng với Tám Bền và Mười Bông.
Ông Năm Chiếu đang sống cùng gia đình ở tận Xuân Lộc, Đồng Nai. Khi nghe Mã Thiện Đồng trình bày, ông nhất quyết xuống gặp bà và anh em đồng đội còn sống. Tuổi cao, một mình ông Năm Chiếu cưỡi chiếc xe Honda Trung Quốc xuống Sài Gòn. Xuống đến nơi, gặp Mã Thiện Đồng, ông vuốt mồ hôi, cười đến thật thà: “Tôi chạy chiếc Honda này từ Xuân Lộc xuống tới đây - chiếc xe Trung Quốc mới mua năm nay, đi đường mình không có bằng lái, chỉ sợ bị cảnh sát thổi”.

“Ông Năm Chiếu đấy - người chiến sĩ biệt động từng là một tay lái taxi siêu hạng năm xưa, từng lái xe chở các đồng đội đi đánh bom rạp chiếu Kinh Đô - hôm nay còn sống, còn đến gặp tôi. Một con người bằng xương, bằng thịt, giản dị và hết sức chân thành” - Mã Thiện Đồng cảm động, kể lại.
Cuộc đời Mã Thiện Đồng chưa từng một lần mặc áo lính, nhưng từ ngày bà tìm gặp và ghi lại câu chuyện của những cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, bà trở nên thân thiết, gắn bó với họ.
Không chỉ kể về những câu chuyện trận mạc bi hùng, bà còn kể về đời thường những người lính: “Có lần, khi ghi chép câu chuyện của anh hùng Nguyễn Thị Mai - nữ chiến sĩ biệt động năm xưa - cả hai người cùng bật khóc. Tôi thương chị ấy quá. Cùng là phụ nữ nhưng tôi chưa từng nếm mùi bom đạn, trận mạc ngày nào. Còn chị ấy, nếm đủ những đòn tra tấn dã man của địch. Thời bình thì chật vật, lặn lội với cơm áo”.
Bà nhận mình là người mau nước mắt, vì hễ nghe chuyện cảm động một chút là lại khóc: “Chuyện của chiến sĩ Nguyễn Văn Thương - người bị CIA cưa chân 6 lần làm tôi khóc nhiều nhất. Về nhà rồi, ngồi với máy tính rồi, tôi vừa viết vừa khóc. Nghĩ đến những đau đớn mà anh phải chịu. Chính anh Thương khi nhớ lại chuyện này còn bật khóc”.

Theo Lao Động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang