Biết Quốc hội có nghị quyết miễn thuế, bầu Kiên lách ra sao?

author 10:42 22/12/2013

(VietQ.vn) - Do biết Quốc hội có nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B, Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã “tung đòn hiểm”!

Ở những bài viết chúng tôi đã phân tích về những thủ đoạn kinh doanh trái phép của bầu Kiên thông qua hoạt động của 6 Công ty do mình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thông qua các hoạt động đầu tư tài chính và kinh doanh vàng bầu Kiên đã tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ.

Trong động thái kế tiếp, theo cáo trạng của Viện KSNDTC do biết Quốc hội có nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn nộp thuế thu nhập DN cho Công ty B&B, theo chỉ đạo của Kiên, bà Đặng Ngọc Lâm (đại diện Công ty B&B) ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (Em gái Kiên và là cổ đông Công ty B&B). Nội dung hợp đồng thể hiện: Nguyễn Thúy Hương ủy thác cho Công ty B&B đầu tư vào việc kinh doanh vàng ghi sổ với số lượng mua/bán là 600 lượng vàng SJC trong đó giao dịch trạng thái vàng nước ngoài là 45.000 Ounce; giao dịch trạng thái vàng trong nước là 37.500 lượng vàng SJC. Bà Nguyễn Thúy Hương không phải đặt cọc nhưng phải trả cho Công ty B&B phí ủy thác là 1% lợi nhuận gộp và bà Hương là người quyết định giá mua, giá bán vàng, giá giao dịch trạng thái vàng. Cũng trong ngày 25/12/2008 Đặng Ngọc Lan, Nguyễn Thúy Hương và Nguyễn Đức Kiên ký phụ lục hợp đồng với nội dung: Nguyễn Thúy Hương đồng ý để Công ty B&B được ủy thác lại cho ngân hàng ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng; Bà Hương ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên đại diện quyết định và chỉ định cho Công ty B&B thực hiện các vấn đề liên quan hoạt động mua bán theo hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính; bà Hương được hưởng lợi tức hoặc chịu lỗ từ kết quả hoạt động đầu tư tài chính đã ủy thác.

 Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ rõ, theo hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính trên, ngày 24/6/2009 Công ty B&B xác định kết quả ủy thác đầu tư của bà Hương từ ngày 25/12/2008 đến 24/6/2009 thu được lợi nhuận gộp hơn 68,8 tỷ đồng. Theo đó, Công ty B&B được hưởng 1% phí ủy thác là hơn 688 triệu đồng còn bà Hương được hưởng 99% lợi nhuận gộp tương ứng là khoảng 68,1 tỷ đồng và số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của bà Hương ngày 27 và 30/6/2009. Đến ngày 31/12/2009 Công ty B&B xác định kết quả ủy thác đầu tư của bà Hương từ ngày 24/6/2009 đến 31/12/2009 thu được lợi nhuận gộp là 31,2 tỷ đồng nhưng công ty không phân chia lợi nhuận mà ghi nhận nợ với bà Hương.

Tuy nhiên do Công ty B&B không có đăng ký kinh doanh nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài nên hợp đồng và phụ lục hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính nêu trên giữa bà Hương và Công ty B&B không hợp pháp.

Ngày 30/1/2013, cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an có công văn yêu cầu Tổng cục thuế - Bộ Tài chính xác định nghĩa vụ nộp thuế của Công ty B&B. Ngày 3/4/2013 Tổng cục thuế có văn bản xác định: Công ty B&B phải kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ hoạt động ủy thác đầu tư tài chính với ngân hàng ACB.

Căn cứ quyết định trưng cầu giám định của cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an về việc trưng cầu giám định viên Bộ Tài chính tiến hành giám điinhj đối với nghĩa vụ thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác đầu tư kinh doanh vàng của Công ty B&B với ngân hàng ACB trong năm 2009. Ngày 28/5/2013 Giám định viên Bộ Tài chính đã kết luận: Thuế thu nhập DN phát sinh từ hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ngày 25/12/2008 với ngân hàng TMCP Á châu của Công ty CP đầu tư thương mại B&B năm 2009 là khoảng 25 tỷ đồng.

“Như vậy trong năm 2009 Công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái thu được lãi số tiền 100 tỷ đồng nhưng chỉ vằng việc ký kết hộ đồng và phụ lục hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của Công ty cho bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập DN số tiền khoảng 25 tỷ đồng”, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ.

Từ những bằng chứng nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cáo buộc Nguyễn Đức Kiên phạm tội trốn thuế quy định tại điều 161 của Bộ Luật Hình sự.

Không chỉ kinh doanh trái phép, mua cổ phiếu các nhà băng, trốn thuế, Nguyễn Đức Kiên còn bị cáo buộc hành vi chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ở những bài sau chúng tôi tiếp tục phân tích vấn đề này.

Điều 161. Tội trốn thuế
1.  Người nào trốn thuế với số tiền từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng  hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232,233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.
2.  Phạm tội trốn thuế với số tiền từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng  hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.

 

 

 

Mạnh Phan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang