Biếu quà tết: Từ lòng thành tới ...lòng tham

author 14:26 11/01/2014

(VietQ.vn)- Tặng quà tết từ xa xưa vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt nhưng nay đã bị lợi dụng, bóp méo cả về hình thức lẫn ý nghĩa…

Trong câu chuyện đầu năm, ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Du lịch và Thể thao) luôn tỏ ra đau đáu khi một nét đẹp văn hóa bị biến tướng…

Trở lại cội nguồn của văn hóa biếu quà tết, ông Bảo cho biết, xuất phát từ  tư tưởng văn hóa của người dân nông nghiệp nên quà tết thường là những nông sản được gói ghém như tấm lòng thành, dâng lên người trên, báo cáo quả lao động cả một năm. Những món quà mộc mạc chân chất thôi nhưng  thể hiện giá trị kết tinh sức lao động của cả năm nên hết sức có ý nghĩa…

Ông Vương Duy Bảo, Cục Phó Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VawnH-TT&DL)

Tết đến là dịp để người Việt tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, cũng là thời điểm để thể hiện nhân sinh quan trong quan hệ đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Tặng quà vào dịp xuân mới có ý nghĩa bày tỏ tình cảm trong sáng vô tư: con biếu bố mẹ,  em biếu anh, trò biếu thầy … Theo quan niệm của người xưa, quà Tết không đánh giá theo giá trị và cũng không gò bó, câu nệ…

Tuy nhiên khi kinh tết đất nước bước vào thời  hội nhập mở cửa quà biếu đã bị cơ chế thị trường làm méo mó về ý nghĩa. Rồi  không biết từ bao giờ cơ chế thị trường là ghanh đua, chèn ép cũng chen vào văn hóa, mà biểu hiện rõ nhất trong văn hóa tặng quà.

Ban đầu thì người ta ghanh nhau , so bì nhau bằng biếu túi lớn túi nhỏ, nào là rượu tây, thuốc ngoại , những món quà từ “Tây” thay cho những nông sản quê mùa….Và sau đó, phát triển hơn nữa,  người ta rút gọn món quà để quy bằng tiền, bằng đô. Chỉ với một tờ ngoại tệ mệnh giá lớn, một tấm séc thôi cũng đủ… ngắn gọn cụ thể, dễ thích nghi , dễ sử dụng,  mà lại tránh dư luận chỉ trích, thoát khỏi sự  giám sát của cơ quan, đoàn thể….

Nếu như quà biếu ngày xưa thể hiện tấm long thành dâng lên người bề trên, thì giờ đây lại là  biểu hiện cho sự mua bán,  xin cho, tạo dựng mối quan hệ để mưu đồ cá nhân này nọ… Núp danh quà biếu để buôn quan bán chức, chạy việc, chạy điểm rồi cả chạy tội nữa… Mặt trái của cơ chế thị trường đã nhuốm màu  đậm lên nét đẹp văn hóa vốn dĩ  trong sáng của sự tôn kính và biết ơn…

Trở lại với chỉ thị của Thường trực Ban bí thư về việc nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên, ông Bảo bày tỏ:  Quà tết vốn dĩ là một nét văn hóa, nên không thể cấm mà dù có cấm thì cũng khó khả thi.  Đã thuộc về  văn hóa thì thường tế nhị, rất khó để xử lý mặc dù ai cũng biết ….Tuy nhiên, một khi nó đã bị biến tướng và công khai như trào lưu  thì việc ra chỉ thị mang tính thường niên của Đảng  cũng là điều dễ hiểu. … Hy vọng  từng con người trong từng vị trí hãy nhìn lại để ngẫm về  lương tâm và trách nhiệm của mình.

Tới đây, vị Cục Phó cũng nhớ lại  lời nhắc nhở về “hủ tục” trong bộ máy công quyền của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đối với cấp dưới của mình: “Các cơ quan Quốc hội, cấp dưới không đến nhà cấp trên để chúc Tết. Đối với Văn phòng Quốc hội thì tất cả chuyên viên lẫn cấp vụ, cấp thứ trưởng không đến nhà Chủ nhiệm. Đi như thế, tiền xe cộ, xăng xe, quà cáp phần lớn cũng là tiền của dân. Mà nếu quà cáp cá nhân cũng rất phiền cho lãnh đạo cấp trên”.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh vừa có công văn yêu cầu các cấp ủy, đảng, chính quyền nghiêm cấm việc tặng quà Tết cho cấp trên, đồng thời không dùng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trái quy định.

Ban Bí thư nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm sai phạm trong tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội, không tổ chức để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, chúc Tết địa phương.

Hoàng Vũ (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang