Bill Clinton ủng hộ lệnh cấm nước ngọt cỡ lớn tại New York

author 21:02 05/06/2012

(VietQ.vn) - Trước vấn nạn béo phì tăng cao, chính quyền thành phố New York (Mỹ) vừa đệ trình lệnh cấm bán các ly soda và chai nước ngọt cỡ lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến các hãng nước giải khát nổi tiếng và các cửa hàng đồ ăn nhanh.

Thị trưởng thành phố New York – ông Michael Bloomberg, khẳng định chính quyền phải hành động để giảm số lượng người béo phì đang tăng quá nhanh.

Khi được ban hành chính thức, lệnh này sẽ cấm bán tất cả chai và ly nước ngọt cỡ lớn (trên 470 ml) tại nhà hàng, điểm bán thức ăn nhanh, những khu vui chơi giải trí như sân vận động, rạp chiếu phim... Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng đối với thức uống cỡ lớn được bày bán trong siêu thị và không bao gồm các loại nước ép trái cây, sữa lắc và nước uống có cồn. Dự kiến, lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2013. Các cơ sở kinh doanh vi phạm sẽ bị phạt tiền, cao nhất là 200 USD. 

Lượng đường có trong các ly nước ngọt được thể hiện theo hình tháp
Lượng đường có trong các ly nước ngọt được thể hiện theo hình tháp, nhiều nhất là cốc của KGC

Ông Bloomberg trả lời tờ Thời báo New York: “Béo phì là một vấn nạn toàn quốc, ở khắp nơi trên nước Mỹ, khiến giới chức y tế phải vắt óc suy nghĩ và đau đầu. Thành phố New York sẽ là nơi đầu tiên giải quyết triệt để nguồn gốc của bệnh béo phì”.

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton hoàn toàn đồng tình với thị trưởng thành phố New York về quyết định cấm nước ngọt cỡ lớn. Trả lời trên kênh truyền hình CNN, ông Bill Clinton cho biết: “Tôi cho rằng ông thị trưởng làm vậy rất đúng đắn. Hiện nay chúng ta có hơn 14,000 trường học và số lượng điểm bán thức ăn nhanh tại các trường học là gấp đôi, thậm chí gấp ba. Chúng ta cần hành động để cứu lấy tương lai của những đứa trẻ khi bệnh tiểu đường đang bùng nổ. Đây là một căn bệnh thảm họa của con người”.

Bill Clinton hoàn toàn ủng hộ lệnh cấm nước ngọt cỡ lớn của thành phố New York

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Bloomberg đã ban hành nhiều chính sách mới về thực phẩm, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp y tế công cộng nhằm giảm lượng dân số béo phì và khuyến khích mọi người áp dụng lối sống lành mạnh. Các nhà phê bình bảo thủ miệt thị ông là “ngài thị trưởng chuyên trông trẻ”. Nhưng trên thực tế, nhiều chính sách sâu rộng của thị trưởng đã truyền cảm hứng cho các nhà hoạch định chính sách trên cả nước thực hiện theo.

Năm 2002, ông Bloomberg cấm người dân New York hút thuốc lá công khai tại các quán bar và nhà hàng của thành phố. Năm 2005, thành phố New York lại cấm nhà hàng và các nhà cung cấp thực phẩm sử dụng các chất béo nhân tạo. Năm 2008, New York trở thành thành phố đầu tiên ban hành luật yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm phải ghi rõ lượng calo của mỗi món ăn trong thực đơn. Những đạo luật này đã được nhiều thành phố khác của nước Mỹ học tập và làm theo. 

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn nghi ngờ hiệu quả của những chiến dịch phòng chống béo phì tại thành phố NewYork. Một số cho thấy lượng thức ăn nhanh nhiều calo được người tiêu dùng tiêu thụ ít hơn trong các nhà hàng; trong khi nhiều người lại cho rằng người tiêu dùng sẽ cố tìm đến những địa điểm đồ ăn nhanh không bị cấm bán và mua thật nhiều. Đặc biệt, lớp dân số có thu nhập thấp, nơi có tỷ lệ béo phì cao hơn cả lại không được giáo dục kiến thức về sức khỏe và ít bị ảnh hưởng bởi những chính sách của thành phố.

Thành phố New York náo loạn vì lệnh cấm nước ngọt cỡ lớn
Thành phố New York náo loạn vì lệnh cấm nước ngọt cỡ lớn

Các nhà sản xuất nước giải khát tại New York không ngạc nhiên mà còn thất vọng trước quyết định quan trọng này và cho rằng đây là quyết định quá vội vàng. Stefan Friedman - Phát ngôn viên Hiệp hội đồ uống cho thành phố New York, trả lời hãng thông tấn AP: " Sở Y tế thành phố New York đang bị bệnh béo phì ám ảnh, dẫn đến việc họ “tấn công” nước giải khát. Tôi nghĩ rằng thành phố không nên giải quyết vấn đề béo phì bằng cách cấm nước ngọt vì nước ngọt không thể điều chỉnh được tỷ lệ dân số béo phì".

Công ty Coca-Cola cũng bảo vệ sản phẩm của mình và lưu ý, rằng đồ uống của họ đều chứa thông tin về năng lượng trên thân chai. Trong tuyên bố mới đây, Coca - Cola cho rằng "người dân của thành phố New York thông minh hơn nhiều so với những gì Sở Y tế thành phố New York nghĩ" và Coca-Cola “luôn minh bạch với người tiêu dùng. Họ có thể xem chính xác có bao nhiêu calo trong mỗi chai nước giải khát sản xuất bởi Coca-Cola”.

Vũ Lê 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang