Bình minh trên Đồng Cao

author 17:04 08/01/2014

(VietQ.vn) - Cách đây vài năm, Đồng Cao còn là cái tên xa lạ đối với những người đam mê dịch chuyển, bởi đường đi lại khó khăn , lại là bản xa xôi của xã khó khăn nhất tỉnh Bắc Giang.

Giờ đây, Đồng Cao được biết đến như  là “thiên đường” của dân phượt cho chuyến đi chỉ dài 2 ngày và cách Hà Nội 150km đổ lại. Đồng Cao với những cánh đồng cỏ trải dài, không khí trong lành và đặc biệt là cảnh mặt trời trên thảo nguyên đẹp đến say đắm lòng người đang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn rời khỏi chốn đô thị ồn ào, náo nhiệt để tìm đến bình yên.

Xuất phát từ Hà Nội, chúng tôi đi theo đường cao tốc Bắc Ninh –Bắc Giang rồi rẽ đi Chũ, Lục Ngạn. Đi tiếp đến  An Châu từ đó men theo con đường đất nhỏ qua bản Gà rồi off-road tiếp khoảng hơn 10km nữa thì tới cao nguyên. Chúng tôi mất khá nhiều thời gian để đi qua đoạn đường đất đầy sỏi đá với những con dốc liên tiếp . Nhưng bù lại chúng tôi được ngắm nhìn những hàng thông xanh mướt chạy dài hai bên đường  trong cái se se lạnh, những ngôi nhà mái lá lọt thỏm giữa những cánh đồng đang mùa lúa chín vàng .

Nắng dần nhạt màu, mặt trời từ từ rơi xuống núi, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng cỏ xanh non ngút ngàn tầm mắt. Đồng Cao hiện ra với vẻ hoang sơ ,đẹp đến ngỡ ngàng. Tôi không nghĩ rằng cách Hà Nội 150km lại có một thiên đường hoang vu, bình yên mà bàn tay con người chưa hề chạm vào như thế này. Những ngọn đồi thoai thoai cỏ như trải rộng bao bao la, trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ, tiếng lục lạc vang vang trong chiều. Các bà các cô mỗi người một địu củi trên lưng, bằng một giọng Kinh lớ ngớ, các cô cười đon đả mời chào chúng tôi mua củi. Chúng tôi ngồi trò chuyện với các cô thì biết rằng, ở Đồng Cao có hơn hai mươi hộ sinh sống chủ yếu là dân tộc Dao. Ở đây không điện, không nước sạch, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Lúa trồng hai vụ trên những mảnh ruộng hẹp nhưng chẳng đủ ăn, trẻ em một tuần đi học mấy buổi do trường ở xa, người dân hầu như  sống biệt lập, ít chịu ảnh hưởng bởi cuộc sống bên ngoài kia.

Khi trời bắt đầu nhá nhem tối, chúng tôi dựng lều cắm trại. Gió thốc ào ào, trời trở lạnh.Chúng tôi đốt lửa để sưởi ấm và nướng thịt. Màn đêm buông xuống, Đồng Cao chìm trong bóng tối tĩnh mịch. Không đèn điện chiếu sáng, mọi sinh hoạt đều diễn ra trong đêm tối. Một vài ngôi nhà phía dưới chân đồi leo lắt ánh đèn pin. Mấy đứa trẻ túm năm tụm ba quanh đống lửa. Chúng đập những cây củi đã cháy rực hồng  vào nhau để tạo ra pháo bông, những hạt ánh sáng lấp lánh bay bay trong gió. Chúng chạy nhảy khắp nơi quanh đồi, tiếng cười vang lẫn vào bóng đêm. Bất chợt kí ức về một tuổi thơ vô tư hồn nhiên ở một miền quê nghèo khó bỗng ùa về rạng rỡ. Chúng tôi trò chuyện hoà lẫn vào tiếng ghita cùng những bản tình ca du dương.Rồi chập chờn trong giấc ngủ, tôi thấy hình ảnh của chúng tôi những ngày còn thơ bé.

Sáng sớm, Đồng Cao im lìm trong màn sương mỏng , cái lạnh vẫn len lói trong từng cơn gió. Chúng tôi leo lên mỏm núi cao nhất để ngắm nhìn toàn cảnh Đồng Cao  và để đón ánh mặt trời của ngày mới.. Cả một góc trời đổ màu  cam ,hiện dần dần ra  những dãy núi trùng điệp trong lớp sương mù trắng xoá. Những vạt mây ánh lên màu đỏ rực, mặt trời như một hòn lửa từ đỉnh núi từ từ ngoi lên. Tôi thấy choáng ngợp khi đứng trước cảnh tượng kì vĩ ấy. Những tia nắng nhảy nhót trên mặt cỏ xanh mướt còn ngậm sương .Chúng tôi hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành , ngập tràn mùi cỏ non xanh. Cánh đồng cỏ như chạy dài tít tắp đến tận chân trời.Phía xa xa, bà cụ già lom khom gánh củi bán cho dân du lịch, mấy đứa trẻ chạy đuổi nhau,Những phiến đá với đầy đủ hình dạng kì lạ rải rác trên những thảm cỏ xanh mênh mông. Ngôi nhà mái lá lụp xụp nép mình dưới bóng cây, nằm chênh vênh trên những đường cong của sườn núi.  Chúng tôi lang thang khám phá tận hưởng khung cảnh hoang sơ, yên bình trên thảo nguyên. Cuộc sống dường như quá vội vã khiến những giây phút thư thái, bình yên thế này với tôi thật đáng quý.

Con đường từ An Châu qua Đồng Băm tới Đồng Cao đang được mở, sẽ thuận tiện cho bà con đi lại. Một dự án điện năng lượng mặt trời sẽ giúp cuộc sống của người dân bớt khó khăn, lạc hậu. Nhưng ai dám chắc rằng, Đồng Cao còn giữ được vẻ hoang sơ vốn có của nó khi mà văn minh đang chạm tới? Ai dám chắc rằng bàn tay còn người không chạm vào những gì thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này? Nếu thế thì thật tiếc cho những người mãi sau này mới có cơ duyên đến được vùng đất này…

Tạ Thúy

(Phối hợp cùng didi.com)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang