Bình ổn giá mặt hàng thịt lợn những tháng cuối năm

author 14:01 17/12/2019

(VietQ.vn) - Trước khả năng thiếu 200 ngàn tấn thịt lợn, Bộ Công Thương đã triển khai đồng loạt các giải pháp bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng, nhằm bảo đảm cung cầu mặt hàng thịt lợn những tháng cuối năm.

Theo Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; cùng với đó sản lượng thịt lợn giảm 380 ngàn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1% . Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm. Thực tế, sau dịch tả lợn Châu Phi, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn đã bình thường trở lại, và như thường lệ sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết cổ truyền, tăng mạnh nhất trong tháng 1/2020. Dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.

Tăng cường tiêu dùng các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu, thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường

 

Để bình ổn giá mặt hàng thịt lợn, vấn đề đầu tiên là phải kiểm soát thị trường. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc xuất khẩu tiểu ngạch lợn qua biên giới.

Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết cổ truyền; có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có có nhu cầu; đồng thời, tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước...

Hiện nay, hầu hết các địa phương đều đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết cổ truyền, trong đó tập trung nguồn lực vào việc bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, một số địa phương đã xây dựng phương án cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.

Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh đã huy động các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt khác: Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt lợn trong 45 ngày trước, trong và sau Tết. Tổng nguồn cung mặt hàng thịt lợn bình ổn thị trường của TP HCM là 4.091 tấn/tháng thường và 5.148 tấn/tháng Tết, chiếm 21% thị phần của toàn thành phố.

Với thành phố Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội về mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng (tăng khoảng 18% - 20% so với các tháng thường). So với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, sản lượng thịt lợn còn thiếu khoảng 3.500 tấn hơi. Theo bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, lượng thịt thiếu hụt sẽ được bảo đảm từ việc tăng sản lượng xuất chuồng trong thời gian tới, từ các sản phẩm thay thế khác tương đối dồi dào, như: sản lượng thịt bò tăng 0,6%, gia cầm tăng 18%, thủy sản tăng 5,9%, và khai thác từ các tỉnh, thành lân cận.

 
Trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96 ngàn tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, thứ hai là thị trường Đức, đứng thứ ba là thị trường Hoa Kỳ, tiếp theo là thị trường Hà Lan.
 

Các tỉnh thành phố khác trên cả nước cũng đều có kế hoạch dự trữ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuyên truyền, định hướng cho cơ sở sản xuất, người dân tăng cường tiêu dùng các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tính toán, đề xuất cụ thể số lượng thịt lợn cần nhập khẩu từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nguồn cung, kiên quyết không để thiếu hụt thịt lợn, nhấp là các dịp lễ, Tết, bình ổn giá thịt lợn và minh bạch thông tin, bảo đảm lợi ích hài hòa của người chăn nuôi, doanh nghiệp, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam. Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu thịt lơn sẽ chịu sự kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu vẫn chủ yếu là hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh vẫn rất khiêm tốn, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang