Bình Thuận có thể 'mất trắng' 45% diện tích gieo trồng vì hạn hán

author 06:11 21/05/2015

(VietQ.vn) - Bình Thuận phải bỏ 45% diện tích gieo trồng vì không đủ nước tưới, con số này ở Ninh Thuận là 40%.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, nắng nóng liên tục diễn ra, ngày hôm qua (19/5), ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 38 độ C. Nhiều nơi trên 38 độ như Mường La (Sơn La) 38.1 độ, Hòa Bình 38.3 độ, Con Cuông 39.2 độ, Tây Hiếu 38.8 độ, Tương Dương và Quỳ Hợp 39.1 độ, Quỳ Châu 38.4 độ, Vinh (Nghệ An) 38.7 độ, Hà Tĩnh 38.4 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 39.2 độ, Quảng Ngãi 38.5 độ, Hoài Nhơn (Bình Định) 38.4 độ, … 

Nắng nóng sẽ còn duy trì ở các tỉnh Bắc Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 36 độ, có nơi trên 36 độ; ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 38 độ, có nơi trên 38 độ.

Các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ từ ngày 21/5 nắng nóng chấm dứt. Nắng nóng còn tiếp tục ở các tỉnh Trung Trung Bộ nhưng có xu hướng dịu dần. 

Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ đêm nay (20/5) ở Bắc Bộ sẽ có mưa rào và dông diện rộng; Khu vực vùng núi trung du Bắc Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

Nắng nóng liên tục kéo dài cộng với lượng mưa thiếu hụt đã khiến tình trạng hạn hán xảy ra nặng nề tại các địa phương. Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ 492,5 tỷ đồng cho 36 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2014-2015. Kinh phí hỗ trợ cho 36 địa phương được phân bổ cho Hà Giang 11.500 triệu đồng; Tuyên Quang 15.800 triệu đồng; Cao Bằng 15.000 triệu đồng; Lạng Sơn 18.300 triệu đồng; Lào Cai 13.000 triệu đồng; Yên Bái 11.100 triệu đồng; Thái Nguyên 15.600 triệu đồng; Bắc Kạn 14.800 triệu đồng; Phú Thọ 15.000 triệu đồng; Bắc Giang 15.900 triệu đồng; Hòa Bình 14.400 triệu đồng; Hải Phòng 15.300 triệu đồng; Hải Dương 17.800 triệu đồng; Hưng Yên 13.500 triệu đồng; Vĩnh Phúc 11.900 triệu đồng; Hà Nam 11.900 triệu đồng; Nam Định 19.000; Ninh Bình 17.500 triệu đồng; Thái Bình 16.900 triệu đồng; Thanh Hóa 21.200 triệu đồng; Quảng Bình 11.600 triệu đồng; Quảng Trị 9.000 triệu đồng; Quảng Nam 5.300 triệu đồng; Khánh Hòa 6.200 triệu đồng; Bình Thuận 14.400 triệu đồng; Đắk Lắk 26.700 triệu đồng; Kon Tum 15.100 triệu đồng; Lâm Đồng 16.200 triệu đồng; Bình Phước 11.000 triệu đồng; Tiền Giang 14.200 triệu đồng; Bến Tre 11.200 triệu đồng; Trà Vinh 10.777 triệu đồng; Vĩnh Long 12.000 triệu đồng; Cần Thơ 7.300 triệu đồng; Sóc Trăng 12.500 triệu đồng; Kiên Giang 3.700 triệu đồng.

Việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện theo quy định hiện hành và do Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. UBND các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác cùng với kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ nêu trên để bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, bảo đảm sử dụng kinh phí được hỗ trợ hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định.

Hạn kéo dài hết vụ Hè Thu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT), một số điểm từ đầu năm 2015 đến nay không có mưa như Phan Rang, Phan Thiết, Phú Quý. Một số nơi như Đông Hà, lượng mưa so với cùng kỳ nhiều năm chỉ tương đương 69%, Nha Trang 48%.

Hạn hán ở Bình Thuận ngày càng nặng nề

Bình Thuận phải bỏ 45% diện tích gieo trồng vì không đủ nước tưới. Ảnh: Tuổi trẻ.

Trong khi đó, các tỉnh khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ đang thu hoạch lúa Đông Xuân 2014-2015, chuẩn bị gieo trồng vụ Hè Thu 2015. Với mức trữ như hiện tại, các hồ chứa ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Quảng Trị không bảo đảm cấp đủ nước tưới cho vụ Hè Thu. Đối với các khu vực khác, lượng nước về các hồ chứa lưu vực sông Cái Phan Rang, La Ngà – Lũy chưa được cải thiện nhiều, dung tích trữ cũng đang ở mức thấp nên khả năng sẽ không bảo đảm bổ sung đủ lượng nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Nhận định tình hình hạn hán, thiếu nước và kế hoạch cấp nước trong vụ Hè Thu, Mùa 2015, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT cho hay, mùa khô tại khu vực Trung bộ sẽ kéo dài đến hết vụ Hè Thu 2015, các khu vực Tây nguyên và Nam bộ mùa mưa đã bắt đầu. Khu vực Trung bộ, hạn hán nặng xảy ra tại các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và Quảng Trị. Theo dự kiến của các địa phương, sẽ có nhiều diện tích đất canh tác phải bỏ không gieo trồng: Ninh Thuận 10.300 ha (chiếm 40% tổng diện tích gieo cấy trong điều kiện đủ nước tưới), Bình Thuận 21.000 ha (chiếm 45%), Khánh Hòa 13.600ha (chiếm 30%), Quảng Trị 2.300 ha (chiếm 10%); ngoài ra, tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn 2.600 ha.

Để đối phó với hạn hán, Tổng cục Thủy lợi đã thường xuyên tổng hợp tình hình, diễn biến thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, có báo cáo hàng tuần gửi Lãnh đạo Bộ và các cơ quan liên quan. Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương thống nhất lịch điều tiết các hồ chứa thủy điện lưu vực sông Cái Phan Rang, La Ngà – Lũy, Buôn Tua Shra để bổ sung nước cho hạ du thuộc các tình Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông. Đã gửi văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp đơn vị quản lý các nhà máy thủy điện thống nhất lịch điều tiết các hồ chứa thủy điện phù hợp với nhu cầu cấp nước sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh cho hay, Tổng cục Thủy lợi cũng đã tổ chức các đoàn công tác làm việc tại một số tỉnh khu vực Trung bộ về kế hoạch cấp nước vụ Hè Thu 2015, tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. “Tổng cục cũng đã đề xuất với Lãnh đạo Bộ thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên dự báo tình hình nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp với điều kiện nguồn nước cho các khu vực Trung bộ,Tây nguyên nhằm cung cấp thông tin cho các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sử dụng nước hiệu quả, hạn chế hạn hán, thiếu nước”, ông Tỉnh nói.

Trần Hoài

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang