Bộ bảo đường bay thẳng tiết kiệm, VietNam Airlines nói tính toán thêm

author 17:05 27/08/2014

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa trình Thủ tướng cho phép nghiên cứu, thiết lập đường bay thẳng Hà Nội – TP HCM qua lãnh thổ Lào, Campuchia.

Theo Bộ trưởng Thăng, thời gian trước đây do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Hà Nội – TP HCM  dọc theo kinh tuyến 106 theo đề xuất của cựu phi công Mai Trọng Tuấn chưa có tính khả thi.

Máy bay của Vietnam Airlines

Máy bay của Vietnam Airlines

Bộ GTVT quyết tâm thực hiện

Căn cứ ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT vào cuối năm 2009,  Thủ tướng đã có ý kiến đồng ý chấm dứt việc nghiên cứu đề xuất đường bay thẳng Hà Nội – TP HCM dọc theo kinh tuyến 106.

Tuy nhiên, ông Thăng cho biết hiện nay được sự ủng hộ của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (TTM), Quân chủng phòng không - không quân (Quân chủng PK-KQ) cùng quá trình phát triển của khoa học công nghệ được áp dụng trong ngành hàng không, đặc biệt là trong dẫn đường hàng không đã có nhiều thay đổi, các yếu tố hạn chế, ảnh hưởng đến tính khả thi trong việc thiết lập đường bay thẳng trước đây đã được cải thiện, loại trừ.

Theo ông Thăng, việc mở đường bay thẳng giảm thời gian bay, tiết kiệm chi phí cho các hãng hàng không, giảm khối lượng khí thải, đồng thời giảm mật độ bay dân dụng trên trục Bắc - Nam trong vùng trời Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động bay quân sự, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Về việc đường bay nội địa qua không phận nước khác, ông Thăng cho biết Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không phối hợp với Cục Hàng không dân dụng Lào và Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng Campuchia cho phép máy bay của Vietnam Airlines (VNA) lập kế hoạch bay sử dụng không phận Lào và Campuchia khai thác đường bay Hà Nội – Phú Quốc.

Cục Hàng không Việt Nam cũng tổ chức đàm phán với nhà chức trách hàng không Lào và Campuchia thống nhất việc mở đường hàng không thẳng và các yếu tố kỹ thuật, tài chính liên quan đến hoạt động bay vận chuyển nội địa qua vùng trời các nước Lào và Campuchia của các hãng hàng không Việt Nam.

Đặc biệt, tại cuộc hội đàm ngày 21-8 giữa Bộ trưởng Đinh La Thăng và Phó thủ tướng Vương quốc Campuchia Sok An, ông Sok An đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Việt Nam và cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện dự án này, xem xét tích cực việc giảm phí điều hành bay qua vùng trời đối với các chuyến bay vận chuyển nội địa của các hãng hàng không Việt Nam.

Về góc độ kỹ thuật, báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Thăng cho biết công nghệ dẫn đường hiện nay đã cho phép thực hiện việc mở đường hàng không thẳng (dẫn đường bằng việc sử dụng vệ tinh toàn cầu) mà không phải đầu tư hàng loạt thiết bị dẫn đường trên mặt đất.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đang phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay của Lào và Campuchia lập phương án xử lý giải quyết các điểm nút giao cắt với các đường hàng không khác, bảo đảm an toàn cho hoạt động bay.

Với những cơ sở nói trên, ông Thăng khẳng định Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong nước cũng như nhà chức trách hàng không Lào, Campuchia quyết tâm thực hiện đường hàng không thẳng Hà Nội – TP HCM qua không phận Lào, Campuchia.

Thay mặt Bộ GTVT, Bộ trưởng Thăng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan phụ trách về hàng không dân dụng của Lào, Campuchia và Văn phòng Tổ chức hàng không dân dụng thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện việc mở đường hàng không thẳng Hà Nội – TP.HCM trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hoạt động bay, hiệu quả kinh tế.

Ông Thăng cho biết  Bộ GTVT sẽ chỉ đạo VNA triển khai việc bay kiểm tra, đồng thời thống nhất với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mở đường hàng không thẳng Hà Nội – TP HCM qua không phận Lào, Campuchia trong thời gian sớm nhất.

Vietnam Airlines nói phải tính toán

Trao đổi với báo chí tại hội thảo “Hàng không: chắp cánh tăng trưởng kinh tế và kết nối Việt Nam với thế giới” sáng 27-6, ông Tony Tyler – tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) - cho rằng việc mở đường bay nội địa mà bay qua không phận quốc gia khác cũng có thể xảy ra.

Một số quốc gia do vị trí địa lý nên muốn bay từ tỉnh này sang tỉnh khác phải bay qua không phận các nước. Về mặt kỹ thuật không phải là khó giải quyết. Việc này cần dựa trên sự phù hợp với những quy định, hiệp định các quốc gia ký kết với nhau để mở không phận cho đi lại trên không. 

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Minh - tổng giám đốc VNA - cho rằng bất kỳ đường bay, hành lang bay nào được mở cũng cần được chứng minh việc tiết kiệm thời gian và chi phí. Điều đó cần được khẳng định trong sự so sánh với đường bay hiện tại. Cần có đánh giá hết sức chi tiết về mặt kinh tế, kỹ thuật và tất cả các mặt không chỉ đối với hoạt động của hãng hàng không mà cả với hành khách.

“Cho đến giờ này VNA chưa có bất cứ con số cụ thể nào để so sánh. Bởi vì đường bay không chỉ đơn giản nối một đường kẻ thẳng từ Hà Nội đến TP HCM. Tất cả tính toán như vậy chỉ nằm trên lý thuyết. Còn đường bay phải tính toán lúc máy bay cất cánh theo hành lang bay như thế nào và đi qua các điểm cụ thể, đặc biệt là các điểm tiếp cận" - ông Minh nói.

Ông Minh giải thích thêm: "Ví dụ như chúng ta vẫn bay hằng ngày đều thấy máy bay bắt buộc phải vòng lên hướng Việt Trì rồi mới hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, nếu đến Tân Sơn Nhất thì tất cả máy bay phải tập kết ở An Lộc rồi mới hạ cánh. Dù cho máy bay đi từ Phnom Penh về Tân Sơn Nhất cũng phải vòng đến An Lộc”.

Ông Minh cho biết thêm khi thiết kế một đường bay thì phải có một hành lang bay cụ thể. Khi có hành lang bay mới với mực bay cụ thể mới tính toán được con số cụ thể về chi phí, thời gian bay để so sánh hiệu quả.

“Cập nhật mới nhất của chúng tôi là nhà chức trách hàng không của Lào và Campuchia chưa coi đường bay thẳng mà Việt Nam đề nghị là đường bay trục của họ. Với Việt Nam, đường bay Hà Nội – TP HCM là đường bay trục, được ưu tiên nên máy bay đều bay với mực bay trên 30.000 feet (trên dưới 10km). Nếu đường bay không ưu tiên thì phải bay ở mực bay dưới 30.000 feet" - ông Minh nói.

Ông Minh khẳng định: "Mực bay dưới 30.000 feet sẽ tốn nhiên liệu hơn và bài toán hiệu quả chưa chắc như kỳ vọng. Tất cả đều phải tính toán chi tiết về kỹ thuật chứ không phải nhẩm tính là ra”.

Theo Tuổi trẻ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang