Bộ Công an sẽ đình chỉ vụ án "làm lộ bí mật Nhà nước" liên quan ông Phạm Quý Ngọ?

author 07:57 20/02/2014

Liên quan tới việc Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời, trao đổi với PV thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó chánh tòa hình sự thành phố Hà Nội - cho biết vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” sẽ phải đình chỉ.

Thông tin trên Báo Thanh Niên, thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, thời gian và quyết định chính thức đình chỉ vụ án "làm lộ bí mật Nhà nước" sẽ do Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện.

Ông Trương Việt Toàn nói rằng trong trường hợp thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời, vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” sẽ đình chỉ theo Điều 107 của Bộ luật Hình sự. 

Theo Điều 107, những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự, không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Không có sự việc phạm tội; Hành vi không cấu thành tội phạm; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Ông Phạm Quý Ngọ sinh năm 1954 tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông Ngọ từng tốt nghiệp trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Năm 1980, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước khi về công tác tại Bộ Công an, ông Phạm Quý Ngọ từng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình với cấp hàm đại tá.

Ngày 14.2.2006, ông Ngọ được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân và sau đó được bổ nhiệm kiêm Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, thay thiếu tướng Cao Ngọc Oánh. Trong thời gian này, ông được thăng quân hàm lên thiếu tướng.

Tháng 1.2008, ông Phạm Quý Ngọc được Thủ tướng bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an.

Từ ngày 1.1.2010, ông được chuyển sang làm Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm.

Ngày 12.08.2010, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

Đầu năm 2011, ông được bầu làm Ủy viên Chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

 

 

Ngày 22.7.2013, ông Phạm Quý Ngọ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định thăng cấp bậc hàm thượng tướng.

Trong quá trình công tác của mình, ông Phạm Quý Ngọ được biết đến nhiều qua việc xử lý vụ bạo động ở Thái Bình năm 1997 trong vai trò là Giám đốc công an tỉnh Thái Bình.

Gần đây nhất là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines trong vai trò là Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống tội phạm của Bộ Công an.

Đầu năm 2014, tại phiên tòa xét xử các bị cáo tổ chức cho Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bỏ trốn vào đầu tháng 1.2014, Dương Chí Dũng đã bất ngờ khai nhận đã được ông Ngọ gọi điện báo việc sắp bị khởi tố bắt  giữ nên Dũng sau đó đã bỏ trốn. Từ tình tiết này, TAND TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật Nhà nước

Trả lời trên Người lao động, luật sư Nguyễn Đình Hưng (Văn phòng luật sư Hà Nội), người bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Dương Tự Trọng trong phiên tòa xét xử vụ án "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", cho rằng: vụ án Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước sẽ phải bị đình chỉ bởi không có cơ sở để khởi tố bị can, vì đối tượng bị điều tra đã qua đời, không còn điều kiện để xác định hành vi của một con người.

Về việc này, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, cũng khẳng định: nếu xác định ông Ngọ có liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”, về mặt nguyên tắc tố tụng thì khi bị can chết, phải quyết định đình chỉ điều tra.

“Nếu trong trường hợp vụ án “làm lộ bí mật” đó mà chỉ có một mình ông Phạm Quý Ngọ là bị can thì sẽ phải đình chỉ cả vụ án, đình chỉ cả khởi tố bị can. Nhưng nếu vụ án đó không chỉ có mình ông Ngọ mà còn có những người khác nữa thì sẽ đình chỉ bị can với ông Ngọ và vẫn tiến hành điều tra như bình thường” - Luật sư Triển phân tích.

Trước đó, trong vụ án xét xử nguyên Đại tá công an Dương Tự Trọng về tội tổ chức cho anh trai mình trốn ra nước ngoài, Dương Chí Dũng đã khai ông Phạm Quý Ngọ là người mật báo cho mình trước khi có quyết định bị khởi tố vì những sai phạm trong vụ án tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Từ những lời khai trên của Dương Chí Dũng tại tòa, ngày 8-1, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, trả lời báo chí ngày sau đó, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã phủ nhận lời khai này.

 

 

 

 

 

 

 


Phan Mạnh (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang