"Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT bỏ rơi nông dân"

author 15:50 27/02/2014

(VietQ.vn) - "Hai bộ này đang bỏ mặc người nông dân theo kiểu được chăng hay chớ trong đầu ra của sản phẩm", GS-TS Võ Tòng Xuân, người cả đời tâm huyết với hạt gạo trăn trở về nỗi buồn thương hiệu gạo việt Nam.


Mặt hàng gạo được giao cho Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương phụ trách. Song “bộ đôi”  này đang bỏ mặc người nông dân theo kiểu được chăng hay chớ trong đầu ra của sản phẩm…

GS-TS Võ Tòng Xuân

Cụ thể, nói về Bộ Công Thương: Hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể, định hướng cho DN xuất khẩu gạo thấy rằng phải làm như thế nào. Thậm chí, ngay cả những DN  có mối hàng tốt nhưng không nhận được sự giúp đỡ của Bộ Công thương để giới thiệu ra thị trường Thế giới, cũng đang phải tự mày mò mà làm nhưng cũng không được.

Mới đây, khi tham dự hội chợ thực phẩm quốc tế tại Thái Lan, tôi thật bất ngờ khi gian hàng Việt Nam ngoài một mặt hàng bánh tráng, tuyệt nhiên không hề thấy xuất hiện một thương hiệu gạo nào. Trong khi đó, tại gian hàng của  Thái Lan có gần 20 thương hiệu gạo xuất khẩu.

Thậm chí một nước mới nổi về xuất khẩu gạo như Campuchia cũng đã đưa ra được  8 thương hiệu gạo của mình. Nhìn lại, Việt Nam không có gì, quả là đáng tiếc!

Đem chuyện buồn này tới  hỏi đại diện Cục Xúc tiến Thương mại thì câu trả lời cũng buồn không kém: Có  muốn đưa gạo Việt ra giới thiệu cũng không được vì không có thương hiệu...

Về phía Bộ NN&PTNT, vừa qua cũng đưa rất nhiều chủ trương khuyến nông, nối kết doanh nghiệp, nhà khoa học với nông dân xây dựng cánh đồng mẫu... Chủ trương thì tốt lắm, hô hào cũng nhiều lắm song hãy cứ nhìn lại người nông dân sẽ thấy : họ vẫn bị bỏ mặc, tự phát,  muốn làm gì thì làm...và tất nhiên điệp khúc "được mùa mất giá" lại tái diễn từ năm này sang năm khác.

Nói đi cũng phải nói lại, theo mô hình liên kết 4 nhà,  bấy lâu cũng có một số DN  đã sát cánh cùng nông dân sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, thu mua đầu ra theo giá ưu đãi. Vậy là sau gần 25 năm xuất khẩu mặt hàng được coi là chiến lược,  thương hiệu gạo Việt mới bước đầu chập chững được xây dựng!

Lại nói về Tổng công ty lương thực, đơn vị chịu trách nhiệm chính thu mua mặt hàng gạo của nhà nước. Họ chỉ biết dựa vào thương lái, không chịu đầu tư bất cứ  vùng nguyên liệu lúa nào. Giới thương lái thì thả sức đầu cơ với đủ chiêu trò.

Thương lái thỏa sức đầu cơ giá gạo, nông dân "lãnh đủ"

Trong mùa thu hoạch, nắm được tâm lý người nông dân cần tiền, muốn bán lúa dữ lắm, thương lái một mặt ép giá, mặt khác lại xin Chính Phủ cho vay tiền với lãi suất ưu đãi để mau lúa dự trữ cho dân. Thu hết lúa rồi, thương lái mới tung chiêu xuất giá cao cho công ty lương thực tại đại phương. Mức chênh lệch giá lúa thế người nông dân đâu được hưởng...Chính sách trợ giá hàng năm chỉ mấy ông DN được hưởng mà không hề tới tay nông dân.

Nhìn lại quá trình  hạt gạo từ tay người nông dân, qua thương lái mới tới công ty lương thực sẽ hiểu tại sao khó có thể xây dựng được thương hiệu: Với cách làm ăn chụp giật, thương lái mua lúa về, từ khâu phơi sấy đã không đúng ký thuật, sau đó đem trộn nhiều loại với nhau bất kể tốt xâu rồi bán cho các nhà máy đánh bóng. Khi có nhu cầu, công ty lương thực chỉ cần xuống nhà máy đánh bóng làm hợp đồng xuất khẩu gạo là xong.

Đó chính là lý do, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long mọc lên gần trăm nhà máy đánh bóng gạo để cung cấp nguồn hàng xuất khẩu. Cách làm này  hoàn toàn khác cách làm chuyên nghiệp của Thái Lan.

Ngay cả nước mới nổi Campuchia cũng đang  dần chiếm thị trường xuất khẩu vì học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan. Hiện Campuchia hiện chỉ xuất khẩu khoảng 50-60 ngàn tấn gạo  nhưng họ đã đầu tư được vùng lúa nguyên liệu , chăm sóc bảo quản  đúng quy trình nên chất lượng hơn hẳn.

Chính cách làm ăn chụp giật của thương lái làm hại tới uy tín chất lượng gạo Việt. Bất cập này cũng được nhìn thấy từ lâu song với cái cớ bảo thủ:  lập vùng nguyên liệu sẽ tốn kém làm  tăng gía thành nên công ty lương thực vẫn duy trì việc mua gạo qua thương lái. Tin tưởng là vậy nhưng thương lái tội tình gì mà họ lại bán gạo giá rẻ cho công ty lương thực?.

Đất nước đang trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, vậy mà tới nay  nông dân cứ đâm đầu trồng lúa đâu có biết phải bán cho ai! Bộ NN&PTNT cũng hô hào trồng giống nọ giống kia nhưng có ai nói cho nông dân biết sẽ thu mua  bao nhiêu, với giá như thế nào hay không?

Chính nông dân, những người hàng ngày sản xuất ra hạt gạo lại không hề biết  thị trường như thế nào! Việt Nam trồng lúa nhiều  thì Thái Lan , Ấn Độ cũng nhiều, ắt hẳn  giá gạo sẽ đi xuống. Trong khi các nước nỗ lực phát triển thương hiệu ra thị trường thế giới thì Việt Nam lại ngồi một chỗ chờ các bạn hàng gọi thầu.

Chúng ta cần lắm một cơ quan làm nhạc trưởng,  đi tới các  thị trường tiềm năng để mời chào lấy đơn đặt hàng rồi tính toán lượng gạo hàng năm sẽ xuất bao nhiêu sau đó mới lên kế hoạch công bố về các địa phương để tự điều chỉnh diện tích cấy trồng lúa.

Tiếc rằng, Tổng công ty lương thực Việt Nam không làm được, Hiệp hội Lương thực Việt cũng không làm được....và người nông dân vẫn cứ "lãnh đủ"....

Hoàng Vũ (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang