Bộ Công Thương cảnh báo tái diễn chiêu trò lừa đảo qua tin nhắn, điện thoại, mạng xã hội

author 06:14 02/07/2021

(VietQ.vn) - Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa cảnh báo, người tiêu dùng cảnh giác vì thời gian gần đấy tiếp tục xuất hiện các chiêu trò nhắn tin, gọi điện báo trúng thưởng, thậm chí chuyển nhầm tiền để lừa đảo.

Lừa đảo qua mạng xã hội đã trở thành vấn nạn

Muôn dạng lừa đảo quang mạng

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian gần đây, chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại và mạng xã hội Facebook, tái diễn dưới nhiều hình thức khác nhau. Số liệu từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tính đến tháng 6/2021, Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục đã nhận được hàng trăm cuộc gọi tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ những vụ việc liên quan đến các chương trình trúng thưởng của các doanh nghiệp, các đối tượng gửi qua messenger của Facebook…

Chiêu thức lừa đảo phổ biến nhất là gọi điện thông báo trúng thưởng. Theo đó, người tiêu dùng nhận được cuộc gọi của đối tượng lạ, tự xưng là nhân viên của đơn vị nào đó, thông báo trúng thưởng. Để tạo lòng tin, khi gọi điện đến, các đối tượng đều tự xưng là người của cơ quan chức năng có uy tín hoặc chương trình đã được Bộ Công Thương cấp phép, thậm chí cung cấp đầy đủ tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hotline, số zalo,...

 Người  tiêu dùng nên cảnh giác trước những tin nhắn như thế này

Đối với hình thức này, không ít người thiếu hiểu biết, không tìm  hiểu, kiểm chứng mà liên hệ ngay số điện thoại đã được đối tượng lạ cung cấp và làm theo hướng dẫn. Vì số tiền hoặc món hàng trúng thưởng có giá trị lớn nên khi đối tượng lạ yêu cầu người tiêu dùng phải đóng vài triệu làm tiền cọc để nhận thưởng, thậm chí còn hứa hẹn khi trả thưởng sẽ trả lại số tiền cọc đó. Người tiêu dùng đã ngay lập tức mắc bẫy và nhanh chóng chuyển tiền.

Chiêu thức khác là mời chào mua hàng để tiếp tục nhận mã trúng thưởng. Với hình thức này, sau khi được thông báo trúng thưởng, ngoài hình thức chuyển tiền thuế, đối tượng lừa đảo còn đưa thêm chiêu trò dụ dỗ người tiêu dùng mua thêm sản phẩm để nhận thêm mã quay thưởng với lời hứa hẹn càng mua nhiều mã, càng trúng thưởng nhiều, số tiền trúng thưởng càng lớn.

Người tiêu dùng cũng không tìm hiểu, xác minh thông tin, tiếp tục đặt mua những sản phẩm với trị giá cao từ vài triệu đến hơn chục triệu với mong muốn trúng được nhiều phần thưởng.

Chiêu lừa thứ ba là nhắn tin trúng thưởng qua Facebook. Người tiêu dùng nhận được thông báo trúng thưởng qua tin nhắn messenger của Facebook với nội dung: “Xin chúc mừng tài khoản messenger… đã may mắn nhận được giải nhất/giải đặc biệt từ sự kiện Tuần lễ tri ân khách hàng,… Giải thưởng là 01 xe máy SHi, 100-200 triệu đồng tiền mặt và nhiều phần quà giá trị khác…” nhằm tạo niềm tin cho người nhận, trong tin nhắn còn thông báo đây là tin nhắn chính xác được xác nhận từ hệ thống và đề nghị người nhận không cung cấp mã trúng thưởng cho bất kỳ ai.

 Rất ít người tiêu dùng cảnh giác như trường hợp này

Để nhận được giải thưởng như thông báo, người nhận cần làm hồ sơ theo hướng dẫn trong đó bao gồm đầy đủ thông tin của người nhận để hoàn tất thủ tục nhận giải thưởng. Nhiều người tiêu dùng khá cảnh giác cũng thử liên hệ với số điện thoại được cung cấp trên tin nhắn, nhưng sau khi nghe xong cuộc gọi lại hoàn toàn tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn, làm thủ tục chuyển tiền cho đối tượng lạ. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền xong thì người tiêu dùng sẽ không thể nào liên hệ được với số điện thoại này nữa và tài khoản thông báo trúng thưởng kia cũng chặn luôn facebook của người tiêu dùng.

Một chiêu thức khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện khá giống với website của ngân hàng. Sau đó tìm kiếm trên mạng những trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm và đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố chuyển nhầm, nhận nhầm. Khi bị hại tin thật, nhóm này gửi đường link để họ tiền trong tài khoản thật của khách hàng.

Đến công khai lừa đảo bằng hình thức mới

Thời gian gần đây Cơ quan công an đã ghi nhận một số trường hợp có dấu hiệu lừa đảo trong việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản. Trường hợp anh Vũ Hoàng T. (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới xảy ra gần đây là một ví dụ. Vào một buổi trưa anh T. thấy tài khoản "nổ" một khoản tiền hơn 2 triệu đồng vào tài khoản. Khoảng 30 phút sau, có một số điện thoại lạ gọi đến với anh, giọng một phụ nữ hết sức ngọt ngào. Chị ta cho biết đã lỡ chuyển nhầm cho anh T. và mong được anh chuyển lại. Chị ta cũng nói rằng đang ở nước ngoài nên nhờ anh đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Không ngờ, sau khi điền xong các thông tin, anh T. phát hiện thấy mấy chục triệu đồng trong tài khoản của mình đã bị rút sạch.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng cố tình chuyển nhầm tiền để đẩy chủ tài khoản vào đường dây vay lãi nặng. Đó là trường hợp chị O. (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội). Chị cho biết ngày 12/06/2021 chị bất ngờ nhận được số tiền hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng cùng với một nội dung đính kèm khó hiểu. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản zalo lạ kết bạn với chị và nói rằng công ty tài chính đã giải ngân khoản vay của chị. Như vậy, chị O. bỗng nhiên bị biến thành một người vay nợ.

 Người tiêu dùng nên cảnh giác và trình báo cơ quan chức năng nếu thấy bất thường

Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo vì bản thân không thực hiện bất cứ thủ tục vay mượn nào, nên chị O. đã trình báo sự việc lên cơ quan công an. Có vẻ như biết được hành vi lừa đảo đã bất thành, đối tượng trên lập tức đổi thái độ, nhắn nhiều tin cho chị với nội dung hăm dọa. Chị O. cho biết đã thực hiện các thủ tục tra soát với ngân hàng, đồng thời giao toàn bộ số tiền cho cơ quan công an giải quyết.

Được biết chiêu thức lừa đảo này đã từng được một số kẻ gian sử dụng vào năm 2020, nhắm vào những người hiền lành, nhẹ dạ cả tin. Cụ thể, sau khi đã có được một số thông tin cá nhân của người dùng, như tên tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý "chuyển nhầm" một khoản tiền đến cho "con mồi". Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính nào đó để liên hệ với "con mồi". Lúc này, chúng có thể yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi "cắt cổ".

Vì vậy, khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền "chuyển nhầm" thì không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân, liên hệ với ngân hàng để xác minh, tuyệt đối khoong chuyển tiền vào tài khoản người lạ mặt... Đặc biệt không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng...

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, hầu hết những hình thức lừa đảo trên đều đánh vào lòng tham đối với số tiền thưởng lớn hoặc sự nhẹ dạ, cả tin của người tiêu dùng khi nghe giải thưởng do các công ty lớn trao.

Để tránh sa bẫy của những đối tượng lừa đảo, người tiêu dùng cần lưu ý tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Trong trường hợp nghi ngờ đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người tiêu dùng cần cảnh giác, khôn khéo yêu cầu đối tượng cung cấp thêm thông tin, sau đó làm đơn trình báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời. Người tiêu dùng cũng nên thường xuyên cập nhập thông tin thời sự để không bị sa bẫy của những đối tượng lừa đảo này.

 An Nguyên(t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang