Bộ Công thương lý giải giá bán ô tô Việt Nam cao hơn 2 lần so với khu vực

authorĐỗ Thu Thoan 13:38 20/05/2017

(VietQ.vn) - Nguyên nhân lớn nhất khiến giá ô tô Việt Nam ở mức cao trong khu vực là do thuế và phí, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu.

Theo đó, Bộ Công Thương thừa nhận giá bán ô tô của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Mức giá trung bình cao hơn gần 2 lần so với mặt bằng chung ASEAN (Thái Lan và Indonexia), dẫn thông tin theo Zing.

Thậm chí, giá bán xe còn còn cao hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ, Nhật Bản…

Nguyên nhân lớn nhất khiến giá ô tô ở mức cao là do thuế và phí của Việt Nam cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp (các DN đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế). Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước dù đã được cải thiện vẫn không bằng xe nhập khẩu.

bo-cong-thuong-ly-giai-gia-ban-o-to-viet-nam-cao-hon-2-lan-so-voi-khu-vuc

Bộ Công Thương vẫn kiên trì mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Ảnh minh họa

Cũng theo Zing, tuy có nhiều thách thức, nhưng Bộ Công Thương cho biết vẫn kiên trì mục tiêu phát triển ngành này. Bộ đã thành lập một tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới.

Ngoài ra, nghị định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô cũng đang khẩn trương xây dựng, nhằm quy định điều kiện cụ thể về ngành này. Mục tiêu là nhằm đảm bảo thị trường ô tô phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và cộng đồng DN.

Bộ cũng đang nghiên cứu, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước... Mục tiêu của ngành công nghiệp ô tô là hướng tới tỷ lệ nội địa hóa 40% vào giai đoạn 2020-2021.

Theo Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương liên quan đến công tác thực hiện quy hoạch phát triển ngành ô tô, BizLIVE cho hay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây.

Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Ngành ô tô đã đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách Nhà nước, góp phần giảm nhập siêu.

Tính đến năm 2016, ngành sản xuất ô tô trong nước có khoảng 173 DN sản xuất, lắp ráp, trong đó 56 DN sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 DN sản xuất từ xe cơ sở...

bo-cong-thuong-ly-giai-gia-ban-o-to-viet-nam-cao-hon-2-lan-so-voi-khu-vuc

Cơ cấu doanh nghiệp sản xuất ô tô ở Việt Nam. Đồ họa: Hiếu Công/Zing

Hiện, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt bình quân khoảng 7-10% trong khi tỷ lệ nội địa hoá của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%. “Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi AFTA có hiệu lực”, báo cáo cho hay.

Lý giải thực trạng tỷ lệ nội địa hoá đạt thấp, theo báo cáo, BizLIVE thông tin, Việt Nam là nước đi sau trong khu vực. Trong khi đó, trước khi đầu tư dự án lắp ráp tại Việt Nam, các Tập đoàn ô tô lớn của Nhật Bản, Hoa Kỳ... đều đã đầu tư các dự án sản xuất ô tô con có qui mô rất lớn trong khu vực ASEAN.

Báo cáo cũng cho biết, công suất các dự án sản xuất ô tô con thường được tính toán cho thị trường khu vực, chứ không tính riêng cho quốc gia đặt nhà máy sản xuất, vì vậy các Tập đoàn không có các dự án đầu tư qui mô lớn ở Việt Nam do qui mô thị trường quá nhỏ, bằng 1/10 Thái Lan, 1/5 Indonessia.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang