Bộ Công Thương: Từ năm 2016, không bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên

author 18:57 16/10/2020

(VietQ.vn) - Từ năm 2016 đến nay, tất cả các dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đều không được bổ sung quy hoạch. Trước đây, bình quân diện tích chiếm đất khoảng từ 4-5ha/01 MW thì từ năm 2016 đến nay, các dự án thủy điện chỉ chiếm bình quân dưới 2 ha đất, và không chiếm dụng đất rừng tự nhiên.

Trận lũ lụt lịch sử từ 6 đến 13/10 vừa xảy ra tại miền Trung, đặc biệt là sự cố Thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Điều này đã đặt ra những câu hỏi về phát triển thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung.

Từ năm 2016, không có dự án thủy điện chiếm rừng tự nhiên

Trả lời câu hỏi về quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16/10/2020, tại Hà Nội, ông Đỗ Đức Quân- Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã cùng các tỉnh, địa phương rà soát hàng loạt dự án thủy điện ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng nhiều đến xã hội và rừng.

 Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tháng 10/2020 giải đáp nhiều vấn đề nóng

Kể từ năm 2016 đến nay, sau khi có Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các chương trình Chính phủ, tất cả các dự án nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đều không được bổ sung quy hoạch. Tất cả các dự án bổ sung đều được kiểm tra rất kỹ các vấn đề liên quan đến rừng, đất.

Ồng Quân thông tin, trước đây, khi xây dựng các công trình thủy điện, bình quân diện tích chiếm đất các loại khoảng từ 4-5ha/01 MW. Từ năm 2016 đến nay, các dự án thủy điện chỉ chiếm bình quân dưới 2 ha đất các loại kế cả diện tích chiếm đất song suối cho 01 MW công suất và không chiếm dụng đất rừng tự nhiên. Các nhà đầu tư, tỉnh địa phương sau khi có chỉ đạo đã nhận thức tốt để hạn chế tối đa diện tích đất rừng sử dụng. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các địa phương từ năm 2017 đến nay không có dự án điện nào dưới 3 MW được bổ sung quy hoạch.

“Từ năm 2016, các dự án liên quan đất rừng tự nhiên đều phải báo cáo Chính phủ, được Chính phủ đồng ý mới triển khai”- ông Quân nhấn mạnh.

Đối với vấn đề cảnh báo các dự án thủy điện, trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có cảnh báo là các dự án thủy điện sẽ có tác động như bồi lắng, cản trở dòng chảy thì phải xem xét trước khi quy hoạch. Riêng ở Huế có rủi ro lớn về sạt lở đất. Bên cạnh đó, ở đây có lượng mưa lớn nhất cả nước. Đơn cử chỉ trong gần 1 tuần từ 6 đến 12/10, Huế đã có mưa lớn, bình quân từ 1.500  đến 2.000mm. Nhiều nơi khác lượng mưa còn lớn hơn như A Lưới 2.200mm; Bạch Mã 2.600mm, cùng các rủi ro về địa chất nên đã gây ra sạt lở nghiêm trọng trong khu vực.

“Thời gian vừa rồi, khi xảy ra sự cố, Bộ Công Thương đã kịp thời cử cán bộ trực tiếp vào hiện trường, nhanh chóng báo cáo các thông tin dự án, thông tin hiện trường từ dự án để có sự chi đạo điều hành và xử lý kịp thời, nhanh nhất” - ông Đỗ Đức Quân chia sẻ.

Các dự án thủy điện đảm bảo đúng quy trình xả lũ

Liên quan đến công tác vận hành an toàn hồ chứa, điều tiết lũ của các dự án thủy điện, ông Tô Xuân Bảo- Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, hiện trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện có đập, hồ chứa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Trong phạm vi quản lý của Bộ, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt việc đảm bảo an toàn hồ chứa, đã ban hành một loạt văn bản tập trung vào vấn đề đánh giá, và yêu cầu các chủ đầu tư đảm bảo các vấn đề về an toàn hồ chứa. Thực hiện tổng kiểm tra công tác an toàn đập, hồ chứa và lập báo cáo hiện trạng an toàn đập. Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Sở Công Thương trên địa bàn tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, báo cáo cho thấy, các hồ thủy điện đang vận hành trong phạm vi cả nước đều đảm bảo an toàn theo quy định.

Ông Bảo thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa của 11 lưu vực sông thuộc lãnh thổ Việt Nam. Trong mùa lũ, đối với các hồ chứa có dung tích phòng lũ sẽ phải điều tiết lượng nước duy trì để đảm bảo mực nước đón lũ theo quy định. Trong quá trình vận các chủ hồ phải quan trắc mực nước hồ, lưu lượng về hồ, dự báo báo khả năng gia tăng mực nước hồ, báo cáo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh để xin phép lệnh điều hành xả điều tiết duy trì mực nước đón lũ nhằm làm chậm, giảm lũ từ thượng nguồn về hạ du.

Trong các đợt lũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đều ban hành công điện chỉ đạo điều hành các hồ chứa triển khai các giải pháp ứng phó mùa lũ, đảm bảo vận hành đúng quy trình được phê duyệt, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Khi xả lũ, các hồ thủy điện đều phải có cảnh báo cho khu dân cư ở hạ du, phối hợp chặt với chính quyền địa phương trong việc thông báo cho người dân hạn chế thiệt hại trong quá trình vận hành.

Trong các đợt lũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đều ban hành công điện chỉ đạo điều hành các hồ chứa triển khai các giải pháp ứng phó mùa lũ, vận hành đúng quy trình được phê duyệt, đảm bảo an toàn hạ du. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của Bộ Công Thương hàng ngày cũng kết nối với cơ sở dữ liệu các hồ chứa để thường xuyên theo dõi nguồn nước, mực nước về hồ nhằm có điều hành cụ thể và báo cáo thông tin kịp thời cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai” - ông Bảo cho hay.

Đợt mưa 10 ngày vừa qua, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng lớn của bão, gây ra đợt mưa rất lớn. Qua theo dõi, từ ngày 5 đến 12/10, tổng lượng mưa ở Hà Tĩnh và Bình Định, có nơi đạt 500mm; Quảng Bình có nơi đạt 1.200mm; Quảng Trị có nơi 1.800mm; Đà Nẵng 1.200mm; Quảng Nam 1.400; Thừa Thiên Huế có nơi đạt 2.000mm. Theo thống kê cả mùa mưa ở Huế, lượng nước đạt 2.009 - 2.127mm, tức là chỉ trong 1 tuần, lượng mưa xấp xỉ bằng cả mùa mưa, gây ra ngập lụt nhiều vùng miền Trung, ảnh hưởng lớn về người tài sản. Đây là điều xảy ra ngoài mong muốn.

Trong khi đó, khu vực miền Trung địa hình dốc, mỏng, không có hồ lớn như Sơn La, Hòa Bình như khu vực phía Bắc. Đa số là các hồ nhỏ, điều tiết nước theo ngày, không có dung tích phòng lũ, nên khi nước từ thượng nguồn về qua ngưỡng tràn về hạ du.

Một số hồ lớn như Quảng Trị (30 triệu m3), Bình Điền (150triệu m3), các hồ Sông Tranh 2, A Vương, Hương Điền, A Lưới… đều có dung tích phòng lũ, được vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa.

Tuy nhiên thời gian vừa rồi, do mưa lớn, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương đã chỉ đạo các hồ chứa vừa xả nước, vừa đảm bảo lượng nước thích hợp để đón lũ. Quá trình xả nước này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc khắc phục hậu quả của nhân dân vùng hạ du khi mưa gây ra.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương để chỉ đạo, rà soát các vấn đề, nhất là ứng phó thiên tai, lường trước các tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa để phục vụ việc quản lý, giám sát thường xuyên việc vận hành đảm bảo an toàn đập và hạ du. Thủy điện thường ở vùng sâu vùng xa, xa khu vực hành chính nên việc giám sát thường xuyên cũng gặp những khó khăn nhất định nên Bộ Công Thương đã quyết định xây dựng cơ sở dữ liệu để trên cơ sở đó giám sát thường xuyên, chỉ đạo kịp thời- ông Bảo nhấn mạnh.

Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang