Bộ GD-ĐT nói gì về việc không cần thi vẫn đỗ tốt nghiệp?

author 15:27 04/04/2014

PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) thẳng thắn thừa nhận có thể sẽ có thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT mà không cần phải dự thi.

Theo hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2014 của Bộ GD-ĐT thì thí sinh dự thi hệ Giáo dục Thường xuyên (GDTX) năm 2013 nhưng trượt tốt nghiệp được phép bảo lưu điểm thi. Với phương thức thi 4 môn năm nay thì có khả năng thí sinh bảo lưu 4/6 môn thi của năm trước có thể đã đỗ tốt nghiệp mà không cần phải dự thi. Cục trưởng giải thích như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Điều 33 của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành quy định bảo lưu điểm thi cho thí sinh dự thi tốt nghiệp GDTX như sau: Thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên cho kỳ thi tổ chức trong năm tiếp ngay sau đó nếu có quy định thi các môn đó.

Các thí sinh có điểm bảo lưu theo quy định được dự thi một trong hai cách: Thi tất cả các môn thi quy định trong kỳ thi; Chỉ thi các môn thi không có điểm bảo lưu.

Thực hiện quy định này, với việc giảm số môn thi từ 6 môn trước đây xuống còn 4 môn, sẽ có trường hợp thí sinh dự thi GDTX năm 2013 nhưng trượt tốt nghiệp, đăng ký dự thi năm 2014 gồm 4 môn được bảo lưu điểm thi. Có thể sẽ có thí sinh đỗ tốt nghiệp mà không cần phải dự thi. Nhưng cần phải lưu ý rằng, với quy định mới về việc xét công nhận tốt nghiệp thì tổng điểm của 4 môn (điểm thi hay điểm bảo lưu) chỉ chiếm 50% tổng điểm xét tốt nghiệp.

 

Năm nay việc tổ chức thi ngoại ngữ có thêm phần viết luận và Bộ GD-ĐT bố trí hoàn thành xong trắc nghiệm và nộp bài mới làm tự luận. Vậy thời gian làm trắc nghiệm là bao nhiêu lâu? Viết luận là bao nhiêu? Mức điểm dành cho phần trắc nghiệm và viết luận là như thế nào? Việc yêu cầu nộp phần trắc nghiệm mới làm viết luận có gây khó khăn cho Hội đồng thi hay không, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 1/4/2014 đã hướng dẫn cụ thể việc coi thi môn Ngoại ngữ như sau: “Giám thị phát đề thi cho thí sinh. Thí sinh làm bài phần trắc nghiệm trước; sau khi hết thời gian làm bài phần trắc nghiệm, giám thị thu ngay Phiếu trả lời trắc nghiệm; thí sinh bắt đầu làm bài phần viết. Phiếu trả lời trắc nghiệm và bài thi phần viết phải để riêng trong 2 túi khác nhau kèm theo Phiếu thu bài thi của mỗi phần”

Theo hướng dẫn này, các Hội đồng coi thi sẽ không gặp khó khăn gì khi tổ chức thi môn Ngoại ngữ; việc làm bài thi của thí sinh cũng hoàn toàn không có trở ngại nào.

Về thời gian làm bài và mức điểm cho từng phần, Bộ đang xem xét và tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các giáo viên ngoại ngữ để xác định tỷ lệ giữa phần viết và trắc nghiệm nhằm đánh giá thực chất hơn năng lực ngoại ngữ của học sinh, phù hợp với điều kiện dạy học ngoại ngữ.

Thưa Cục trưởng, xuất phát từ đâu mà Bộ GD-ĐT đưa ra mức điểm liệt ở kì thi tốt nghiệp THPT năm nay là 1 điểm thay cho 0 điểm trước đây?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW): “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh” và “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”, Bộ GDĐT đã điều chỉnh phương án thi TN THPT năm 2014 với một số đổi mới cơ bản như: giảm số môn thi, cho thí sinh tự chọn môn thi và phối hợp sử dụng kết quả thi và kết quả đánh giá quá trình học tập để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.

Đi liền với những đổi mới này, việc quy định điểm liệt là 1,0 điểm thay cho 0 điểm như trước đây là giải pháp nhằm nâng cao chuẩn điều kiện công nhận tốt nghiệp, nâng cao chất lượng của kỳ thi. Quy định này đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao của các sở GD-ĐT.

Cục trưởng có thể giải thích vì sao lại quy định không trộn lẫn thí sinh của hai trường phổ thông nếu thi liên trường mà phải tách riêng. Việc tách riêng này liệu có đảm bảo sự an toàn, nghiêm túc hay không khi mà kì thi là cuộc chơi “nội bộ” của một trường?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Việc tổ chức thi liên trường, cụm trường trước đây với quy định xếp thí sinh các trường phổ thông khác nhau trong cùng 1 phòng thi ở các Hội đồng coi thi đã từng dẫn đến hiện tượng “cứu thi”: thí sinh ở trường có chất lượng thấp được thí sinh ở trường chất lượng cao hơn hỗ trợ làm bài thi. Đây là 1 trong những nguyên nhân làm cho khâu coi thi còn là khâu yếu trong quy trình tổ chức thi. Do đó quy chế thi mới đã qui định không “trộn” thí sinh của các trường trong phòng thi.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân trí


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang