Bộ Giao thông Vận tải: Trong tháng 2 phải công khai giảm giá cước vận tải

author 23:24 22/02/2016

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu, phải giảm giá cước taxi và vận tải khách tuyến cố định. Trong tháng 2, phải công khai việc giảm giá cước.

Tại cuộc họp với các đơn vị vận tải về vấn đề giảm giá cước ngày 22-2, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã thẳng thắn yêu cầu các DN phải tính toán giảm giá cước taxi và vận tải khách tuyến cố định. Trong tháng 2, phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước, có khuyến cáo cho người dân cung đường này thì mức giá cước khoảng bao nhiêu để người dân biết, lựa chọn.

Bức xúc vì giá cước vận tải chưa giảm

Tại cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đề nghị các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) có sự phân tích, đánh giá để đưa ra định hướng cụ thể trong việc điều chỉnh giá cước vận tải tương ứng với mức dao động của giá xăng dầu.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm giá cướcBộ Giao thông vận tải yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm giá cước. Ảnh ST

Thứ trưởng Trường cho biết, hiện giá cước vận tải, đặc biệt là giá taxi chưa giảm theo xăng dầu khiến dư luận bức xúc. Vì vậy, ông Trường đề nghị các đơn vị vận tải phải có định hướng cụ thể trong việc điều chỉnh cước vận tải tương ứng với giá xăng dầu.

Theo ông Trường, dù nhiều doanh nghiệp đã kê khai giảm giá nhưng chưa được như kỳ vọng của người dân. Ông đề nghị các Hiệp hội và doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, phải coi đó là văn hoá doanh nghiệp và yêu cầu phải giảm giá ngay.

Bên cạnh đó ông Trường cũng thừa nhận, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính có trách nhiệm khi để việc kê khai thủ tục phức tạp, việc điều chỉnh đồng hồ taximet còn mất nhiều thời gian.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình triển khai thực hiện kê khai giá một cách đơn giản, thuận tiện nhất đồng thời đề nghị Hiệp hội vận tải phối hợp với Vụ Vận tải, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề kiểm định giá, niêm yết giá một cách phù hợp, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, mấy ngày qua, dư luận nói quá nhiều về chuyện giá cước vận tải, bảo DN vận tải chây ỳ, móc túi người tiêu dùng khiến chúng tôi rất đau lòng. Tôi cảm thấy bị xúc phạm. Phần lớn DN vận tải làm ăn nghiêm túc nhưng đều bị mang tiếng. Vì thế cần phải phân loại, chỉ mặt đặt tên những DN làm ăn chụp giật. Mỗi DN có phương thức quản lý và đầu tư khác nhau nên điều chỉnh cước cũng khác nhau.

Ông Thanh cũng thẳng thắn nhận định: Cái dở nhất của các DN taxi là cơ chế khoán cho lái xe. Chính cơ chế đó nên giá xăng giảm thì lái xe có lợi còn xăng dầu tăng thì họ đình công. Việt Nam có hơn 80 triệu người nên số người đi taxi rất lớn. Để phục vụ người dân tốt hơn thì DN phải đổi mới phương thức quản lý chứ không thể khoán trắng cho lái xe.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT), trong năm 2015, phần lớn các DN trên cả nước đã kê khai giảm giá cước vận tải, mức giảm phổ biến từ 3-5% trên mỗi lần kê khai. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều DN vận tải chưa giảm giá hoặc chỉ giảm chiếu lệ. Đại diện Ban Giá thuộc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, hiện cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ kê khai giảm giá cước của 51 DN trên địa bàn, trong đó phần lớn kê khai lại giá cước nhưng vẫn giữ nguyên giá kê khai liền kề trước đó.

Trong nhiều lý do không giảm giá được các DN đưa ra, lý do được nhiều DN “vin” vào nhất là chi phí đầu vào ngoài nhiên liệu đã tăng cao hơn mức giảm của xăng dầu, ví dụ như từ ngày 1-1-2016, lương tối thiểu vùng tăng lên, dẫn đến chi phí bảo hiểm cũng tăng, ngoài ra chi phí cầu đường cũng điều chỉnh tăng.

Việc trạm BOT làm tăng giá thành đầu vào của nhiều doanh nghiệp vận tải là rõ ràng, ví dụ như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Bình có tới bốn trạm thu phí, một lượt đi xe con hết 140 nghìn đồng tiền cầu đường, với các DN vận tải hàng hóa, chi phí cầu đường và chi phí nhiên liệu là tương đương nhau.

Lý do không giảm giá cước còn được các DN “đồng thanh” kêu khó nữa là sự nhiêu khê trong mỗi lần kê khai tăng, giảm giá cước. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho biết, các hãng cũng không muốn tăng hay giảm giá, vì mỗi lần điều chình tốn kém rất nhiều.

Mặc dù các DN kêu khó nhưng Bộ GTVT vẫn kiên quyết cho rằng, xăng dầu chiếm đến 25-35% chi phí vận tải thì dứt khoát xăng dầu giảm, cước vận tải phải giảm, tùy theo mức độ, không thể vin vào những lý do này kia để không giảm cước.

Hoàn thiện quy định về cước vận tải

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện hai Bộ GTVT và Tài chính đang xin ý kiến các cơ quan liên quan dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch 152 hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng ô-tô theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và DN, đồng thời nâng cao hiệu quả của quản lý NN.

Trong đó, dự kiến khi giá nhiên liệu giảm đến 20% các DN phải tự động giảm, không cần phải ra văn bản để giục nữa, nếu DN nào không giảm sẽ xử phạt. Dự thảo cũng đang tiếp thu các ý kiến và xem xét kỹ việc có thể cho phép các doanh nghiệp taxi tự điều chỉnh đồng hồ hay không. Theo kế hoạch, Thông tư này sẽ được ban hành vào đầu tháng 4-2016.

Chây ỳ không chịu giảm giá cước vận tải, người tiêu dùng bức xúcChây ỳ không chịu giảm giá cước vận tải, người tiêu dùng bức xúc. Ảnh ST

Tuy nhiên, các địa phương cần chỉ đạo mạnh và quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra và xử lý vi phạm về giá cước vận tải tại địa phương mình. Thứ trưởng Trường cũng yêu cầu, ngay sau cuộc họp này, các DN phải tính toán giảm giá cước taxi và vận tải khách tuyến cố định. Trong tháng 2, phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước, có khuyến cáo cho người dân cung đường này thì mức giá cước khoảng bao nhiêu để người dân biết, lựa chọn.

Các sở GTVT cần có hướng dẫn việc kê khai giá cước giảm phù hợp với giá xăng dầu cho các DN trên địa bàn mình quản lý. Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình để triển khai việc kê khai giảm giá cước vận tải một cách đơn giản, thuận tiện hơn nữa cho DN.

Vậy làm thế nào để cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng trong việc quản lý, còn doanh nghiệp thì tự giác điều chỉnh giá giảm cước khi giá nhiên liệu giảm? Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị, để thuận lợi và tiết kiệm thời gian, nếu thay đổi giá cước 5%-7% thì không cần kê khai, và 7% trở lên mới phải làm hồ sơ đăng ký.

Ông Đào Minh Dương, Chủ tịch hãng taxi Vinasun lại cho rằng, cần “số hóa” về giá cả vận tải, giá xăng dầu chiếm 20-30% trong giá cước vận tải, vậy thì cứ căn cứ vào mức điều chỉnh của xăng dầu để tăng giảm cước vận tải tương ứng, tuy nhiên giá vận tải chỉ được lên xuống khi xăng dầu tăng hoặc giảm 10% trở lên.

Đặc biệt, các DN đều kiến nghị các cơ quan nhà nước phải rà soát lại thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giao quyền chủ động cho các DN vận tải. Bên cạnh đó, phải xác định khoản mục trong kinh doanh vận tải của từng loại hình, từng luồng tuyến, từng địa phương và có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh các DN vi phạm.

Về quản lý doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định về quản trị DN rõ ràng hơn. Thí dụ, taxi là loại hình vận tải liên quan trực tiếp tới người dân đặc biệt là các TP lớn với khoảng trên 300.000 xe taxi đang hoạt động, nếu tiếp tục khoán trắng cho tài xế như hiện nay thì rất khó quản lý giá, bởi giá xăng dầu giảm thì lái xe được lợi chứ doanh nghiệp không được gì.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM Tạ Long Hỷ, giá cước taxi tại TP HCM đã giảm 300-500 đồng/km sau đợt giảm giá xăng ngày 18/2. Ông khẳng định, giá nhiên liệu tăng - giảm từ 10-12% thì giá cước taxi sẽ được điều chỉnh tăng - giảm từ 2,5-3%.

Còn đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị các Bộ, ngành thay đổi tư duy quản lý giá cước vận tải, tiếp tục sửa đổi hoàn thiện quy định hướng dẫn thực hiện cước vận tải của xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Ông cho biết, các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội đang trong tiến hành các khâu giảm giá cước, giảm từ 300-500 đồng/km.

Về những vấn đề này, thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng để doanh nghiệp có được sự chấp thuận về giá từ cơ quan quản lý là không đơn giản.

Vì vậy, Bộ Tài chính cần công khai, minh bạch, giảm thủ tục để doanh nghiệp có thể giảm giá cước phù hợp với giá xăng dầu.

Đánh giá về tình hình giá cước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết, trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định về giá, có nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm cước khi giá nhiên liệu giảm. Nhưng bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp không điều chỉnh.

Thời gian tới, Cục sẽ xem xét, sửa đổi các quy định về giá cước, đồng thời mong muốn Bộ Giao thông Vận tải sớm tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội để sớm ban hành Thông tư phục vụ công tác quản lý có hiệu quả, phù hợp với thị trường.

Về việc các doanh nghiệp kiến nghị thủ tục hành chính còn rườm rà, Cục ghi nhận và sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải có những điều chỉnh để quản lý giá cước hiệu quả hơn.

Hồng Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang