Bộ GTVT: Quyền dừng Uber, Grab do UBND các tỉnh, thành phố quyết định

authorHoàng Dương 12:25 04/10/2017

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc quyết định dừng loại hình xe Uber, Grab hay không thuộc về thẩm quyền địa phương, chứ không phải Bộ.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9 diễn ra vào chiều ngày 3/10, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã trả lời câu hỏi của báo chí về kiến nghị dừng thí điểm Uber, Grab của Hiệp hội taxi Hà Nội, do các bất cập, phá vỡ quy hoạch giao thông.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đề án thí điểm loại hình vận tải đặt xe bằng hợp đồng điện tử triển khai từ sớm. Hiện nay không chỉ Uber, Grab mà còn có khoảng 10 hãng taxi đã cung cấp ứng dụng đặt xe qua mạng.

Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm, thẩm quyền quản lý các phương tiện là của UBND tỉnh, thành phố. Các tỉnh thành phố sẽ quản lý phát triển hạ tầng giao thông và phát triển điều hành tổ chức giao thông. Ngoài ra, số lượng xe tăng hay giảm cũng do tỉnh nắm được và quản lý.

"Trên cơ sở nhu cầu, hạ tầng hiện hữu của địa phương, UBND các tỉnh, thành sẽ quyết định việc dừng hay không Uber, Grab cũng như thí điểm xe hợp đồng điện tử", ông Đông nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, quyết định dừng hay tiếp tục thí điểm Uber, Grab thuộc quyền quyết định của chính quyền địa phương các tỉnh, thành.

Bộ GTVT: Quyền dừng Uber, Grab do UBND các tỉnh, thành phố quyết định

Quyền dừng Uber, Grab do UBND các tỉnh, thành phố quyết định - Ảnh Dân trí. 

Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội có văn bản gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị ngưng thực hiện Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” trong tháng 9-2017; đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm này vì được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.

Nguyên nhân kiến nghị, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, Bộ GTVT đã cố tình không giới hạn số lượng xe tham gia thí điểm mặc dù UBND TP Hà Nội và TP.HCM kiên quyết phản đối; làm cho xe hợp đồng dưới chín chỗ bùng nổ, mất kiểm soát khi lượng xe thí điểm chạy cho Grab, Uber tăng lên 50.000 xe chỉ trong 18 tháng. Đến khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng, Bộ GTVT lại “đá quả bóng” trách nhiệm về cho UBND các địa phương và đẩy trách nhiệm quyết định lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo nội dung kế hoạch thí điểm, các phương tiện tham gia thí điểm sẽ được dán logo riêng để phân biệt và quản lý. Việc quản lý logo được giao về các Sở GTVT là cơ quan quản lý trực tiếp phương tiện. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì Bộ GTVT đã giao cho các công ty sở hữu phần mềm (như Uber, Grab...) tự tạo và cấp phát logo cho phương tiện.

Trước những hệ lụy trên, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng Bộ GTVT cố tình lờ đi, không có bất cứ hành động nào để hạn chế tình trạng sai phạm trên.

Về những ý kiến trên, đại diện Bộ GTVT cho biết Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” thực chất là thí điểm hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy. Việc triển khai thí điểm này giúp các đối tác thuận tiện hơn (không cần gặp nhau để ký hợp đồng), giảm chi phí cho xã hội, nâng cao năng suất lao động.

Đại diện Bộ GTVT cho hay hiện có tám đơn vị đã áp dụng công nghệ mới, sử dụng hợp đồng điện tử, thậm chí là công nghệ tối ưu hơn Uber, Grab. “Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ một số đơn vị taxi truyền thống vẫn bảo lưu quan điểm của mình mà không chịu đổi mới để cạnh tranh. Không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động, bởi cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng” - đại diện Bộ GTVT nói.

Theo Bộ, loại hình Uber, Grab đi vào hoạt động được người dân đón nhận tích cực. Nguyên nhân do thái độ phục vụ thân thiện, giá cả minh bạch, chất lượng xe tốt. Đối với chức năng quản lý nhà nước, đại diện Bộ GTVT khẳng định xe hợp đồng hiện đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể là phải có giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, thiết bị giám sát hành trình... Tuy nhiên, về giá thì taxi truyền thống có gắn đồng hồ nhưng xe hợp đồng điện tử có thỏa thuận giá từ trước nên việc áp dụng đồng hồ tính tiền với xe hợp đồng là không cần thiết. Bên cạnh đó, việc xử phạt các xe vi phạm quy định được thông qua thiết bị giám sát hành trình. “Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã quản lý về mọi mặt đối với loại hình này” - đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Về quản lý số lượng xe, đại diện Bộ GTVT cho rằng theo Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, UBND các tỉnh phải quy hoạch phương tiện vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn. “Như vậy, địa phương phải xem xét số lượng xe phù hợp với khả năng kết cấu hạ tầng và nhu cầu của người dân...” - đại diện Bộ GTVT thông tin.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang