Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển KT-XH

author 07:18 15/09/2019

(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay các mục tiêu phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội…

Thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững là điều cần thiết phải làm

Chia sẻ tại “Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019” với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” mới đây, ông Nguyễn Văn Trung – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) cho biết, trong những năm vừa qua, quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) từ năm 2011 – 2020, Kế hoạch phát triển KT-XH 2016 - 2020 và đã được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch và chính sách trên tất cả các ngành, lĩnh vực.

 Ông Nguyễn Văn Trung – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Việc thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt những chính sách nêu trên đã thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Để có thể tiếp tục thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững, việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Chiến lược phát triển KT-XH 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 2021 - 2025 của Việt Nam là điều quan trọng và cần thiết phải làm.

“Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và lựa chọn những mục tiêu PTBV phù hợp để lồng ghép vào Chiến lược phát triển KT-XH 2021 - 2030, nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu PTBV về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Bộ KH & ĐT cho biết.

Thúc đẩy hình thức đầu tư đối tác công tư hướng tới phát triển bền vững

Hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) được xem là một trong những phương thức hiệu quả nhất để triển khai các hoạt động thúc đẩy PTBV, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.

Nói đến hình thức đầu tư PPP, bà Vũ Thị Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, đây là lĩnh vực có phạm vi rất rộng về khung khổ đầu tư nói chung, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, mà còn hướng đến cung cấp dịch vụ công.

Hiện khung khổ pháp lý về PPP mới chỉ dừng lại ở tầm nghị định và chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... Do vậy, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện việc xây dựng Dự thảo Luật PPP để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10 tới.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang