Bộ KH&CN sẽ đề xuất cơ cấu, tỷ lệ chi ngân sách khoa học công nghệ

author 06:38 07/11/2014

(VietQ.vn) - Kể từ nay, ngân sách cho khoa học công nghệ sẽ do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đề xuất cơ cấu và tỷ lệ chi. Đây là cơ chế mới kỳ vọng thay đổi những vướng mắc bất cập từ trước tới nay về tài chính cho KH&CN.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Trước đây, để có nguồn tài chính cho KH&CN, thông thường các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch "mò", không rõ có bao nhiêu tiền và được duyệt ra sao. Từ những kế hoạch như vậy, Bộ KH&CN sẽ tổng hợp, rà soát và chuyển tới Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư. Trên cơ sở tổng hợp và nghiên cứu, rà soát của Bộ KH&CN, hai bộ này sẽ tính toán, trình Quốc hội phê duyệt. Con số trình Quốc hội ra sao, hầu như Bộ KH&CN không được thông báo trước và gần như phải chấp nhận dù có cao hay có thấp.

Chính vì cách làm này mà rất nhiều năm qua, nguồn kinh phí cho KH&CN được chi bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu và Bộ KH&CN không được tham gia vào quá trình quyết định đó. Có không ít lần, kinh phí cho KH&CN đã bị điều chỉnh không hợp lý dẫn đến tình trạng phê duyệt quá nhiều nhiệm vụ mà không có nguồn vốn đáp ứng, vượt quá khả năng cân đối ngân sách, thậm chí không có tiền chi cho những dự án, công trình trọng điểm trong khi lại phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ không thực sự cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả. Trong khoản ngân sách nhà nước mà Quốc hội và Chính phủ dành cho KH&CN là 2%, Bộ KH&CN không thể nắm rõ được và chỉ đến khi được duyệt rồi, Bộ bắt đầu phân chia, phân bổ kinh phí KH&CN.

Từ thực tế nhu cầu địa phương, Bộ KH&CN sẽ phân giao kinh phí hợp lý

Từ thực tế nhu cầu địa phương, Bộ KH&CN sẽ phân giao kinh phí KH&CN hằng năm hợp lý. Ảnh minh họa

Tháo gỡ các bất cập nói trên, trong Luật KH&CN năm 2013 được Quốc hội ban hành, Bộ KH&CN được quyền đề xuất cơ cấu chi, tỷ lệ chi ngân sách để Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) làm căn cứ phân bổ và xây dựng dự toán ngân sách hằng năm cho KH&CN.

Bắt đầu từ năm 2016, trên cơ sở hai nguồn vốn trung hạn về đầu tư phát triển và sự nghiệp khoa học được Chính phủ giao, Bộ KH&CN sẽ thảo luận và giao cho các Bộ, ngành, địa phương một hạn mức vốn trung hạn KH&CN.

Để vận hành tốt những cơ chế, chính sách mới nói trên, trước kỳ kế hoạch hằng năm, cơ quan chức năng Bộ KH&CN sẽ làm việc với Vụ quản lý KH&CN, Vụ Kế hoạch (Tài chính) của các Bộ, các sở KH&CN, sở Kế hoạch Đầu tư của các tỉnh. Qua đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cung cấp những số liệu về kết quả hoạt động KH&CN của năm trước, sản phẩm là gì; tổng số biên chế thường xuyên, số dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, chiến lược đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, các dự án đó cần bao nhiêu tiền, giải ngân trước mắt và lâu dài ra sao. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN tổng hợp lại để xây dựng, phê duyệt kế hoạch có tính khả thi về tổng mức đầu tư phát triển, tổng mức sự nghiệp khoa học trong năm năm và hằng năm.

Tuy nhiên, một thách thức cũng đặt ra, việc tính toán là lập kế hoạch phải sát thực, đầy đủ, tính khả thi cao. Nếu không sẽ dẫn đến việc phân bổ tài chính không hợp lý. Hoặc việc thẩm định, báo cáo kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương phải dựa trên cơ sở tính toán khoa học, có số liệu thống kê, trung thực mới giúp cho việc phân giao kinh phí hợp lý, chính xác.

Phát biểu trước báo giớ mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, trong “cái bánh” đó, chúng ta phải giảm dần tỷ lệ chi cho dự phòng xuống mức hợp lý. Trước năm 2010, tỷ lệ này dao động trong khoảng 11-15%; từ năm 2011, tỷ lệ đó tăng rất nhanh. Cụ thể như năm 2013, tỷ lệ chi dự phòng ở mức 28%, năm 2014 ở mức trên 32%, chiếm 1/3 ngân sách dự phòng quốc gia, khoảng 6.500 tỷ đồng.

"Nếu chi dự phòng nhiều như vậy sẽ không còn nguồn dành cho đầu tư phát triển và chi sự nghiệp khoa học, cùng các hoạt động KH&CN khác. Trong khi đó, Chính phủ đã phê duyệt nhiều Chương trình KH&CN quốc gia đến năm 2020 với các chương trình lớn, đặc biệt quan trọng cần nguồn vốn lớn", Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.

Mới đây, Bộ KH&ĐT cũng đã thống nhất với kiến nghị của Bộ KH&CN là từ nay đến năm 2020, tỷ lệ chi 2% ngân sách nhà nước cấp cho KH&CN sẽ được điều chỉnh theo cơ cấu 15% dự phòng, 55% cho chi sự nghiệp và 30% cho đầu tư phát triển, trong đó tỷ lệ chi vốn đầu tư phát triển giữa Trung ương và địa phương là 60/40; vốn sự nghiệp khoa học giữa Trung ương và địa phương là 75/25.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu không đảm bảo tỷ lệ như vậy thì vốn sự nghiệp KH&CN, trong đó có nguồn vốn cho các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia ngày càng teo dần, trong khi đội ngũ khoa học càng ngày càng đông, các dự án ngày càng nhiều, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả thực hiện các chương trình quốc gia, chương trình trọng điểm.

Nguyễn Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang